Báo cáo: Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Châu Phi: Cập nhật đến hết tháng 4 năm 2019
Báo cáo được trình bày tại Hội thảo: “Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với ngành gỗ Việt: Chuyển dịch đầu tư nước ngoài, cơ hội và rủi ro trong xuất nhập khẩu” được tổ chức ngày 21/6/2019 tại Hà Nội, do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức FOREST TRENDS.
Vai trò của gỗ Châu Phi nhập khẩu tại Việt Nam
Gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Châu Phi đã và đang trở nên ngày càng quan trọng đối với Việt Nam. Đến nay, lượng cung gỗ tròn và xẻ từ nguồn này chiếm gần 1/4 tổng lượng gỗ tròn và xẻ nhập khẩu vào Việt Nam mỗi năm. Hiện Việt Nam đã trở thành quốc gia lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, về lượng gỗ nhập khẩu từ châu lục này.
Gỗ Châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu để phục vụ tiêu dùng nội địa. Việt Nam nhập khẩu gỗ từ Châu Phi với lượng lớn và ngày càng tăng là do chính sách đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ Việt Nam trong những năm vừa qua cung gỗ từ rừng tự nhiên trong nước gần như mất hẳn, kể cả từ một số diện tích rừng đã đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Nguồn cung gỗ nhiệt đới từ Lào trước đây là nguồn cung quan trọng nhất, với lượng cung khoảng 1 triệu m3/năm vào giai đoạn đỉnh điểm. Tuy nhiên kể từ khi Chính phủ Lào áp dụng chính sách cấm xuất khẩu gỗ chưa qua chế biến sâu, nguồn cung này chỉ còn không đáng kể, với lượng nhập mỗi năm trên dưới 50.000 m3. Nguồn cung từ Campuchia vẫn còn là nguồn cung quan trọng, tuy nhiên cung gỗ từ nguồn này không ổn định, xu hướng giảm và vô cùng rủi ro về mặt pháp lý. Trong bối cảnh này, gỗ Châu Phi trở thành nguồn cung gỗ nhiệt đới thay thế quan trọng cho Việt Nam, bù đắp phần mất đi và/hoặc suy giảm từ các nguồn cung khác.
Xu hướng tiêu dùng các mặt hàng gỗ tại Việt Nam hiện có thể chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu trẻ. Nhóm này có xu hướng sử dụng các mặt hàng đồ gỗ theo trường phái hiện đại, với chất liệu gỗ nhập khẩu từ các nguồn ‘sạch’ như Mỹ, Châu Âu, hoặc từ gỗ rừng trồng trong nước, hoặc các sản phẩm pha trộn giữa gỗ và các vật liệu khác. Nhóm thứ hai bao gồm nhiều người dân, từ trung đến cao tuổi, là nhóm ưu chuộng các mặt hàng gỗ có kiểu dáng truyền thống, với các loài gỗ tự nhiên, bao gồm các loại gỗ quý. Gỗ Châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhóm thứ hai. Bên cạnh đó, một lượng gỗ nhập khẩu từ nguồn này được sử dụng trong các công trình đền chùa và làm gỗ xây dựng. Khác với thị trường xuất khẩu, với các thay đổi hoặc biến động vượt khỏi sự kiểm soát của các doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường trong nước luôn có độ ổn định cao. Nói cách khác, nhu cầu tiêu thụ nội địa về gỗ Châu Phi nhập khẩu có xu hướng ổn định và tăng.
Một trong những lý do cầu gỗ Châu Phi có xu hướng tăng ổn định bởi hầu hết các loài gỗ nhập khẩu từ nguồn này đều được gọi bằng các tên của các loài gỗ quý, như: hương, gõ, cẩm…rất quen thuộc đối với người Việt mặc dù chưa chắc các loài gỗ nhập khẩu đã là các loài gỗ này. ‘Gõ đỏ’ là gỗ tròn nhập khẩu vào Việt Nam từ Châu Phi được khai báo với 9 tên khoa học khác nhau. ‘Gỗ lim’ xẻ có 7 tên khoa học được khai báo khi nhập khẩu. Hiện chưa có gì có thể đảm bảo chắc chắn rằng các loài gỗ nhập khẩu là ‘gõ đỏ’ hay ‘gỗ lim’. Việc sử dụng tên tiếng Việt cho các loài gỗ nhập khẩu từ Châu Phi, do ngẫu nhiên hay chủ ý của các nhà nhập khẩu, đã góp phần làm cho gỗ Châu Phi trở thành thân thuộc với nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Điều này góp phần mở rộng nhu cầu tiêu thụ các loại gỗ nhập khẩu từ nguồn này.
Mở rộng cầu tiêu thụ hình thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy cung. Số lượng các nhà nhập khẩu tăng nhanh. Cùng với đó, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã và đang tiếp tục mở các xưởng xẻ tại các quốc gia cung gỗ chính cho Việt Nam như Cameroon, Gabon, thuê lao động bản địa, cùng với lao động từ Việt Nam nhằm chủ động gỗ nguyên liệu đầu vào.
Thay đổi trong chính sách quản lý tài nguyên rừng tại Việt Nam và tại một số quốc gia cung gỗ nhiệt đới truyền thống cho Việt Nam như Lào và Campuchia, thói quen và thị hiếu của thị trường trong việc sử dụng gỗ quý, giá cả hợp lý là cho cung gỗ từ nguồn Châu Phi tăng nhanh chóng và nhiều công ty tham gia thị trường cung gỗ dẫn đến cung vượt cầu. Hiện có gần 1 triệu m3 gỗ Châu Phi đang tồn kho tại Việt Nam. Lượng tồn lớn, cạnh tranh giữa các công ty cung gỗ đẩy giá gỗ xuống thấp. Tuy nhiên, theo một số nhà nhập khẩu, tồn gỗ chưa trở thành vấn đề quan ngại đối với các nhà nhập khẩu, bởi tiêu thụ nội địa về nguồn gỗ này vẫn tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, trong tương lai có thể nguồn cung này sẽ bị hạn chế, do chính phủ các nước xuất khẩu tại Châu Phi không còn khuyến khích xuất khẩu gỗ nguyên liệu thô. Nếu điều này xảy ra, cung gỗ từ các quốc gia này ra thị trường sẽ giảm, và đây có thể trở thành cơ hội tăng giá đối với lượng gỗ tồn.
Rủi ro trong nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Châu Phi
Mặc dù lượng cung gỗ Châu Phi cho Việt Nam chiếm 1/4 tổng lượng cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam, luồng cung gỗ này vẫn còn tương đối mới đối với Việt Nam và điều này ẩn chứa một số rủi ro về tính pháp lý về nguồn gỗ nguyên liệu này. Các rủi ro pháp lý thể hiện trên một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, tại Việt Nam hiện hầu như không có thông tin về các quy định pháp lý có liên quan đến quản lý, khai thác, chế biến và thương mại gỗ tại các quốc gia Châu Phi cung gỗ cho Việt Nam. Các doanh nghiệp nhập khẩu biết một số thông tin cơ bản về các quy định, tuy nhiên hiểu biết của doanh nghiệp thường tập trung vào các khâu có liên quan trực tiếp đến các hoạt động của doanh nghiệp, như các quy định về khai thác, xuất khẩu và vận chuyển. Các quy định về các khía cạnh khác như lao động, an toàn trong sản xuất… thường nằm ngoài phạm vi quan tâm và hiểu biết của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, từ người mua gỗ từ các doanh nghiệp nhập khẩu tới người tiêu thụ các sản phẩm gỗ từ nguồn này hầu như không nắm được thông tin về nguồn cung gỗ này. Thiếu thông tin về nguồn cung đồng nghĩa với việc không thể truy xuất gỗ nhập khẩu từ nguồn này.
Thứ hai, chính sách quản lý tài nguyên của nhiều quốc gia Châu Phi có nhiều bất cập, không thống nhất và thậm chí xung đột lẫn nhau. Bên cạnh đó các chính sách cũng thường xuyên thay đổi. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin để đảm bảo các hoạt động của mình tuân thủ đầy đủ quy định của các quốc gia cung gỗ. Tuy nhiên, do hạn chế về tiếp cận thông tin, một phần có thể là do rào cản về ngôn ngữ, một phần là do các doanh nghiệp chưa có các quan tâm thỏa đáng, các doanh nghiệp có các hoạt động trực tiếp tại các quốc gia cung gỗ và các doanh nghiệp nhập khẩu có thể có các hoạt động không tuân thủ quy định. Điều này làm phát sinh rủi ro về tính pháp lý của gỗ nguyên liệu từ nguồn này.
Thứ ba, quản trị rừng tại hầu hết các quốc gia Châu Phi cung gỗ cho Việt Nam ở mức rất thấp và điều này đồng nghĩa với gỗ từ nguồn này có rủi ro. Nạn tham nhũng tràn lan, đặc biệt trong ngành lâm nghiệp và trong các hoạt động xuất nhập khẩu, vi phạm các quy định về quyền cộng đồng, sử dụng đất, sử dụng lao động, quy định về môi trường…. trở thành phổ biến. Mặc dù Chính phủ Việt Nam kiên định trong việc thực thi các quy định về hàng hóa nhập khẩu, bao gồm gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Châu Phi, theo đó đòi hỏi các doanh nghiệp nhập khẩu cần có đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu của hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện còn thiếu cơ chế kiểm tra, đánh giá do thiếu các cơ chế truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo chắc chắn rằng các giấy tờ của doanh nghiệp có được theo cách hoàn toàn hợp pháp. Chính sách không thống nhất, thậm chí xung đột được ban hành bởi các cơ quan tại quốc gia cung gỗ tại Châu Phi làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn, từ đó làm gia tăng tính rủi ro của nguồn gỗ nguyên liệu này.
Gỗ Châu Phi, thị trường nội địa và Hiệp định Đối tác Tự nguyện VPA
Gỗ Châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. Hiệp định Đối tác Tự nguyện FLEGT VPA được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và EU nêu rõ các yêu cầu về tính hợp pháp về các sản phẩm gỗ của Việt Nam cho xuất khẩu giống hệt như các sản phẩm tiêu thụ nội địa. Theo nguyên tắc này, yêu cầu pháp lý về các sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa được làm từ gỗ nhập khẩu từ Châu Phi sẽ tương đương với các sản phẩm gỗ được làm từ các loại gỗ rừng trồng của Việt Nam, hoặc từ nguồn gỗ nhập khẩu ‘sạch’ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU.
Các rủi ro hiện tại trong nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Châu Phi sẽ là những rào cản rất lớn trong việc đáp ứng với các quy định về tính hợp pháp của gỗ trong VPA. Chính phủ Việt Nam đưa ra lộ trình trong 2-3 năm tới hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (VNTLAS) sẽ được vận hành, khi đó các sản phẩm gỗ cung ra tất cả các thị trường là các sản phẩm hợp pháp. Giảm rủi ro trong luồng cung gỗ nguyên liệu từ Châu Phi là yêu cầu cấp bách đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam. Tuy nhiên, với lượng nhập khẩu hàng năm rất lớn như hiện nay, cộng với tính phức tạp của nguồn cung như đã nêu ở trên, với thị hiếu của nhiều người tiêu dùng vẫn ưa chuộng các sản phẩm được làm từ gỗ quý, và với mức giá cả nhiều người có thể chấp nhận được, việc giảm rủi ro trong chuỗi cung gỗ này sẽ là những khó khăn rất lớn cho các cơ quan quản lý.
Vận hành hệ thống VNTLAS hiệu quả trong tương lai đòi hỏi các cơ quan quản lý của Việt Nam cần khởi động ngay các hoạt động nhằm giảm rủi ro từ các chuỗi cung này. Các hoạt động quan trọng cần tiến hành càng sớm càng tốt, bắt đầu từ việc thu thập thông tin về các quy định pháp lý về quản lý lâm nghiệp, khai thác gỗ, chế biến, thương mại và các quy định khác có liên quan như lao động, môi trường của các quốc gia Châu Phi hiện cung gỗ cho Việt Nam. Thương vụ Việt Nam tại các đại sứ quán của Việt Nam đặt tại các quốc gia Châu Phi có vai trò quan trọng trong khâu thu thập thông tin. Các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng có thể tiếp cận với các đại sứ quán của các quốc gia Châu Phi đặt tại Việt Nam và các nước trong khu vực nhằm yêu cầu tiếp cận với các thông tin về các quy định này. Hợp tác, trao đổi thông tin có liên quan đến khai thác và thương mại gỗ giữa các cơ quan quản lý tại các quốc gia Châu Phi cung gỗ cho Việt Nam và các cơ quan Hải quan và Lâm nghiệp của Việt Nam cũng có tiềm năng trong việc làm sáng tỏ các khía cạnh pháp lý có liên quan đến gỗ nhập khẩu từ nguồn này. Hỗ trợ của các tổ chức quốc tế có vai trò quan trọng trong việc kết nối và chia sẻ thông tin.
Các hiệp hội gỗ Việt Nam cũng có vai trò to lớn trong việc giảm thiểu rủi ro. Kết nối giữa các hiệp hội của Việt Nam có các thành viên tham vào khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Châu Phi và các thành viên sử dụng nguồn gỗ này với các hiệp hội tại các quốc gia cung gỗ có vai trò to lớn trong việc tiếp cận các thông tin về nguồn cung. Các hiệp hội cũng có thể tổ chức thực hiện các chuyến khảo sát thực địa tới các quốc gia này nhằm hiểu thêm thông tin về nguồn cung. Chia sẻ thông tin về nguồn cung với các thành viên có các hoạt động nhập khẩu hoặc chế biến, thương mại gỗ từ nguồn này cần được xác định là một trong những hoạt động quan trọng của các hiệp hội.
Các cơ quan khoa học lâm nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh vai trò của mình trong việc hỗ trợ các cơ quan quản lý giám sát nhập khẩu gỗ từ Châu Phi, đặc biệt trong khâu phân biệt các loài gỗ nhập khẩu. Thông tin chính xác về các loài gỗ và cách thức nhận biết các loài là nguồn thông tin đầu vào quan trọng cho cơ quan hải quan Việt Nam thực hiện việc giám sát tại khâu nhập khẩu. Để các cơ quan khoa học lâm nghiệp phát huy được các vai trò này đòi hỏi nguồn lực tài chính và vật chất cần thiết nhằm giúp các cơ quan này tiếp cận với các thông tin khoa học về các loài nhập khẩu và nhằm nâng cao năng lực cho các cơ quan này – những yếu tố mà hiện nay các cơ quan này vô cùng thiếu.
Truyền thông nhằm hạn chế sử dụng gỗ tự nhiên là các loài gỗ quý, đặc biệt là gỗ có nguồn gốc từ các nguồn rủi ro cao có vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và thị hiếu người tiêu dùng. Chính phủ Việt Nam nên coi công tác truyền thông là một phần quan trọng trong kế hoạch thực hiện hệ thống VNTLAS. Người tiêu dùng là người kiểm chứng hệ thống VNTLAS có hoạt động hiệu quả hay không. Thay đổi thói quen và thị hiếu tiêu dùng không thể thực hiện được trong ngày một, ngày hai mà là quá trình lâu dài. Truyền thông tập trung vào thay đổi thị hiếu và thói quen tiêu dùng nên được xác định là một trong những hoạt động lâu dài của Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc khuyến khích sử dụng gỗ rừng trồng hợp pháp, bền vững trong nước và hạn chế sử dụng gỗ rừng tự nhiên, như trong Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28 tháng 03 năm 2019 vừa qua.
Để biết thông tin chi tiết của báo cáo, vui lòng tải toàn văn báo cáo.
Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo
Gỗ Việt
- Báo cáo: Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Thực trạng và thay đổi về chính sách
- Báo cáo: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và rủi ro cho ngành gỗ Việt Nam
- Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019
- Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ Việt Nam
- Chuỗi cung gỗ cao su Việt Nam: Thực trạng và chính sách
- Ngành cao su Việt Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững
- Thương mại gỗ và và sản phẩm gỗ Việt Nam – Nhật Bản: giai đoạn từ 2015 – 4 tháng năm 2018
- Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Châu Phi, giai đoạn 2015 – 6 tháng năm 2018
- Thương mại gỗ và và sản phẩm gỗ Việt Nam – Hoa Kỳ: giai đoạn từ 2015 – 6 tháng năm 2018
- Thương mại gỗ và và sản phẩm gỗ Việt Nam – Trung Quốc: giai đoạn từ 2015 – 6 tháng năm 2018