Công ty Hào Hưng: Mô hình phát triển bền vững

29/11/2017 03:28
Công ty Hào Hưng: Mô hình phát triển bền vững

Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc tạo ra nền tảng cho sự phát triển ổn định, Công ty Hào Hưng đã cho thấy họ xứng đáng là mô hình cần nhân rộng với các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ

Cơn bão số 10 vừa rồi đã khiến Công ty Hào Hưng bị thiệt hại khoảng 3 tỉ đồng, đó là con số lớn trong thời điểm hiện tại, khi giá trị xuất khẩu dăm gỗ tăng chậm, giá giảm mạnh, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhât Bản giảm, nhưng Hào Hưng vẫn biết cách vượt qua khó khăn, khi đã tạo dựng được cơ sở vững chắc cho sự phát triển của mình. 
MÔ HÌNH HÀO HƯNG
Theo đại diện của công ty cho biết, nhiều nhà nhập khẩu dăm phía Trung Quốc đã nắm được chi tiết các đơn vị chế biến dăm gỗ của Việt Nam, và còn nắm được cả nguyên liệu đầu vào  của các doanh nghiệp trong nước, như mua nhiều hay ít, nơi nào nhiều hàng, nơi nào ít hàng, với những chi tiết như vậy, nên các doanh nghiệp của Trung Quốc đều kiểm soát được giá đầu ra. Các công ty lớn của Trung Quốc hay Hàn Quốc cũng đã sử dụng phương pháp này, nên biết được doanh nghiệp nào tồn nhiều hàng để ép giá thấp, nếu không bán, họ sẽ chuyển sang mua dăm của nước khác. 
Nhưng Hào Hưng không nằm trong số những doanh nghiệp bị ép giá, khi đã có vùng quy hoạch nguyên liệu của mình, bằng cách liên kết với người dân để trồng rừng có gỗ lớn, sau đó phân loại để chế biến và xuất khẩu. Đó là cách để đứng vững trước sức ép từ các tập đoàn lớn của Trung Quốc, khi Hào Hưng chủ động được nguồn nguyên liệu, khi đầu tư vào giống cây chất lượng cao, để sau 5 năm, người trồng rừng có thể bán được gỗ lớn. 


Hào Hưng không chỉ cung cấp cây giống, cung cấp phân bón, cung cấp khoa học kỹ thuật, hướng dẫn và tập huấn cho ngời dân trồng rừng theo hướng rừng gỗ lớn, lên luôn phương án thiết kế rừng. Khi có thiết kế rừng, công ty sẽ yêu cầu người dân trồng từ thời điểm nào tới thời điểm nào mới được khai thác, có quy định kĩ thuật để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.
Mỗi một hộ trồng rừng được công ty đầu tư 8 triệu/ha, sau 5 năm trồng rừng, công ty mới khai thác và tính toán các chi phí đầu tư. Diện tích đầu tư vùng nguyên liệu của Hào Hưng hiện tại ở Hà Giang là 31.000 ha, (đang bắt đầu kiểm đếm và đền bù). Ở Quảng Ninh quy hoạch 20.000 ha. Vùng quy hoạch nguyên liệu ở Quảng Nam là 25.000 ha. Ngoài ra, công ty còn đang hoàn tất các thủ tục chuyển đổi từ rừng nghèo kiệt, trồng lại và hợp tác với người trồng rừng sâu hơn.
SỰ HỖ TRỢ CỦA CHÍNH SÁCH
Ông Thăng Văn Thông, giám đốc công ty Hào Hưng chi nhánh Hải Phòng cho biết, Hào Hưng hay bất kì doanh nghiệp chế biến dăm nào khác ở Việt Nam luôn cần được Nhà nước có những chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, khi trồng được rừng gỗ lớn thì khối lượng dăm chế biến sẽ ít đi. Khối lượng dăm ít đi thì đầu tư nước ngoài về dăm sẽ bị hạn hẹp, lúc đó các doanh nghiệp của Trung Quốc hay Hàn Quốc sẽ tự động rút lui, không ép giá các doanh nghiệp trong nước nữa, và sự đầu tư của họ chủ yếu mang tính thương mại. Đó là cách để khiến giá dăm gỗ Việt Nam cao hơn và nguồn cung dăm gỗ của Việt Nam có giá trị hơn.
Hiện nay về mặt nguyên liệu gỗ, Nhà nước không có sự kiểm soát nguồn gỗ khai thác, người dân muốn khai thác bao nhiều thì khai thác và bán theo suy nghĩ chủ quan của mình để giải quyết vấn đề về vốn và chi phí trồng rừng. Muốn thay đổi được điều này thì bắt buộc các DN lớn phải đầu tư vào lâm nghiệp hoặc phải hình thành liên kết thì các DN mới không bị ép giá trên thị trường. 
Nếu, người trồng rừng không khai thác rừng non, thì lượng gỗ ít đi, sản lượng dăm ít đi thì sẽ giải quyết được vấn đề vốn trồng rừng, các doanh nghiệp nhỏ phải đi theo mô hình các doanh nghiệp lớn. Đó mới là những vấn đề cần giải quyết ở thời điểm này, để giúp dăm gỗ Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường thế giới.
GỖ VIỆT số 95
TRẦN TOẢN