Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ Việt Nam

23/02/2019 15:09
Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ Việt Nam

Bản tin "Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu  gỗ Việt Nam" phác họa một số nét cơ bản về các doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành gỗ. Bản tin cung cấp thông tin về  lượng doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ là bao nhiêu, quy mô của các doanh nghiệp như thế nào, hoạt động trong những lĩnh vực gì, vai trò của các doanh nghiệp này trong xuất khẩu ra sao. Các thông tin trong Bản tin chỉ là những thông tin ban đầu về thực trạng của khối FDI hoạt động trong ngành. Để có những thông tin chi tiết về khối này cần có những nghiên cứu tiếp theo trong thời gian tới.

Doanh nghiệp FDI đầu tiên đầu tư vào ngành gỗ[1] bắt đầu từ năm 1988, ngay sau khi Luật Đầu tư Nước ngoài lần đầu tiên (1987) có hiệu lực. Đến nay, ngành gỗ đã thu hút được một lượng lớn các doanh nghiệp FDI, với các lĩnh vực hoạt động đa dạng. Tuy nhiên, các thông tin cụ thể về khối doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành gỗ đến nay còn rất hạn chế. Cụ thể, chúng ta chưa biết lượng doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ là bao nhiêu, quy mô của các doanh nghiệp như thế nào, hoạt động trong những lĩnh vực gì, vai trò của các doanh nghiệp này trong xuất khẩu ra sao. Bản tin “Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ Việt Nam”sẽ đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi này.

Bản tin này chỉ phác họa một số nét cơ bản về các doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành gỗ. Do hạn chế về số liệu, Bản tin chưa đi sâu vào các khía cạnh chi tiết của các doanh nghiệp như vốn, trình độ quản lý, thực trạng công nghệ, lao động… Các số liệu sơ cấp này đòi hỏi cần có những khảo sát chi tiết với từng doanh nghiệp. Mặc dù vậy, những nét cơ bản được trình bày trong Bản tin này kỳ vọng phần nào sẽ làm sáng tỏ thực trạng sản xuất kinh doanh và vai trò của nhóm doanh nghiệp FDI hiện nay.

Bản tin cũng chỉ ra: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là các quốc gia có số lượng các dự án đầu tư vào ngành gỗ lớn nhất. Số lượng các doanh nghiệp FDI từ các quốc gia này theo con số đăng kí lần lượt chiếm 25%, 18%, 12% và 8% trong tổng số các doanh nghiệp FDI đăng kí. Số doanh nghiệp FDI của 4 quốc gia này chiếm 63% trong tổng số các doanh nghiệp FDI của toàn ngành gỗ.

Về tỉ trọng vốn đầu tư đăng kí, các doanh nghiệp FDI từ 4 quốc gia này có tỉ trọng vốn đăng kí lần lượt là 19%, 8%, 7% và 11%. Các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản có lượng đứng thứ 4, tuy nhiên tỉ trọng nguồn vốn đăng kí đứng thứ 2. Nhìn chung, các dự án FDI của ngành gỗ có quy mô vốn tương đối nhỏ, trung bình khoảng 4-5 triệu USD/mỗi dự án.

Các doanh nghiệp FDI từ các quốc gia British Virgin Islands, Hồng Kông, Brunei và Samoa là các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất. Điểm đặc biệt ở đây là các quốc gia/vùng này không phải là các quốc gia có thế mạnh về ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Để biết thông tin chi tiết của báo cáo, vui lòng tải toàn văn báo cáo.

Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo

Gỗ Việt