Gỡ khó cho doanh nghiệp gỗ Bình Dương

29/06/2016 10:08
Gỡ khó cho doanh nghiệp gỗ Bình Dương

 Đúng như dự đoán của các chuyên gia khi cộng đồng kinh tế AEC và TPP có hiệu lực, các nhà đầu tư Trung Quốc đã sớm có mặt tại Bình Dương. Trong đó ngành gỗ đang chịu sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp này…mặc dù BIFA đã có những bước chuẩn bị tốt cho sự hội nhập kinh tế

 Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương-BIFA cho biết, tính đến cuối năm 2015 số hội viên của BIFA đạt cột mốc rất đáng nhớ là 150 thành viên. Về cơ cấu, BIFA kết nạp cả những doanh nghiệp sản xuất gỗ, lẫn các doanh nghiệp cung cấp máy móc, nguyên liệu, vận tải liên quan tới ngành gỗ. Có thể nói BIFA đang dần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, với nhiều hội viên trong tỉnh và ngoài tỉnh, và cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

BƯỚC CHUẨN BỊ TÍCH CỰC CHO HỘI NHẬP
 Các chương trình xúc tiến thương mại, giao lưu trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất được tổ chức thường xuyên, mang lại tín hiệu tích cực cho các hội viên trong công tác đổi mới phương pháp sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu như: “Sáng kiến Việt Nam-Orengon” do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức; họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng lâm sản; tìm hiểu hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường EU đối với ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ, tham gia triển lãm hội chợ quốc tế Vietbuild 2015, hợp tác giao lưu với các hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ của Đồng Nai, Bình Định, TPHCM…
 Bên cạnh đó BIFA còn tham mưu đề xuất với UBND tỉnh trong việc thành lập KCN dành cho ngành gỗ và phụ trợ ngành gỗ tại KCN Tân Lập I. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 47 hội viên đăng ký với diện tích là 270 ha, và chủ trương thành lập KCN ngành gỗ cũng đã được sự phê duyệt của thủ tướng chính phủ. Bước chuẩn bị đầy tích cực của BIFA trước thềm hội nhập ngày cang sâu rộng bước đầu đã cho thấy sự đúng đắn. Nhiều hội viên đã mạnh dạnh đầu tư máy móc, trang thiết bị tiếp cận trình độ sản xuất cua một số nước trong khu vực và tìm đườn ra biển lớn.
 Thị trường tiêu thụ của BIFA phát triển từ Mỹ, sang châu Âu, Nhật Bản và một số nước ở khu vực Trung Đông. Tuy nhiên sự cạnh tranh đã bắt đầu xuất hiện khi các DN Trung Quốc đổ dòng vốn đầu tư vào Bình Dương với tốc độ rất nhanh và gây nhiều sức ép cho doanh nghiệp địa phương.
GIÚP DN GỠ KHÓ 
 Ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch BIFA cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc tranh thủ các hiệp định kinh tế chiến lược mà Việt Nam đã ký kết với ASEAN, TPP để đẩy mạnh vốn đầu tư vào thị trường Bình Dương. Điều đáng nói nhất chính là các DN này thường thuê mướn người Việt đứng tên pháp danh để hưởng các chính sách ưu đãi mà Việt Nam đã ký kết với bạn bè quốc tế. Theo ông Lộc, số DN Trung Quốc đầu tư vào ngành gỗ lên đến con số hàng chục, và dự đoán còn gia tăng nhanh trong thòi gian sớm nhất. Nhưng điều đáng nói là các doanh nghiệp này ít đầu tư cơ sở hạ tầng, gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó các DN gỗ Bình Dương đã phải tốn kém rất nhiều chi phí để xây dựng nhà xưởng, hệ thống xử lý chất thải...
 Ngoài ra ngành gỗ đang chịu sự quản lý về môi trường, của các cơ quan ban ngành, làm cho DN mất nhiều thời gian, và bên cạnh đó một số hội viên cũng đang bị vướng mắc việc hoàn thuế. BIFA mong muốn các cơ quan chức năng sớm có bước nghiên cứu nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian. 
 Thời gian qua Sở TNMT đang tiến hành công tác thanh kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; công tác thanh kiểm tra thường được thông báo tới các DN cả tháng và theo định kỳ, để các DN đi vào hoạt động nề nếp hạn chế những tác động xấu đến môi trường.
 Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã lắng nghe những khó khăn của BIFA trong Đại hội hội viên BIFA nhiệm kỳ 2015-2018 vừa mới được tổ chức. Ông Liêm chia sẻ, những khó khăn của BIFA sẽ được UBND tỉnh và các cơ quan tiếp nhận sớm tháo gỡ khó khăn cho các Doanh nghiệp. Trong đó việc rà soát hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được chú trọng hơn, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh cho ngành gỗ ngay tại Bình Dương.
GỖ VIỆT số 79 
PHÙNG HIẾU