John Chan - Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc của AHEC: AHEC muốn chung sức phát triển ngành gỗ Việt Nam

03/08/2019 09:27
John Chan - Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc của AHEC: AHEC muốn chung sức phát triển ngành gỗ Việt Nam

“Chúng tôi rất vui mừng về sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước cũng như các hiệp hội gỗ Đông Nam Á và đặc biệt là Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, để củng cố mối quan hệ đã được thiết lập và tạo dựng những mối quan hệ mới trong ngành. Bên cạnh đó, tôi hi vọng, ngành gỗ Việt Nam sẽ phát triển hơn trong thời gian tới, khi có được góc nhìn mới nhất về sản phẩm gỗ cứng Mỹ”, đó là một phần chia sẻ của ông John Chan, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc của Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC) với Tạp chí Gỗ Việt, bên lề của hội nghị của Hội đồng gỗ cứng Hoa Kỳ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6 vừa qua.

Ông có đánh giá như thế nào về ngành công nghiệp gỗ Việt Nam trong thời gian qua?

Tôi có thể nói rằng, ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam tiếp tục giữ được tốc độ phát triển rất nhanh và ổn định trong vài năm qua, và càng ngày càng có xu hướng phát triển đột biến trong thời gian tới, với những tiềm năng to lớn về giá trị xuất khẩu, về thị trường nội địa, thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam dành cho đồ gỗ ngày càng lớn hơn, với những xu hướng hướng ngoại và đa dạng. Chúng tôi nhận thấy rằng, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đang có những tham vọng lớn để chinh phục thị trường thế giới, các bạn đang tìm kiếm những giá trị mới, đặt ra các tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu cho đồ gỗ Việt Nam, chinh phục các thị trường lớn trên thế giới, đáp ứng các qui định về luật pháp quốc tế, sau khi kí kết các hiệp định thương mại tự do.

Ông John Chan, Giám đốc khu vực, Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Đông Nam Á & Trung Hoa đại lục

phát biểu tại Hội thảo Gỗ cứng Hoa Kỳ tại Hà Nội

Thưa ông John Chan, có lẽ, chúng ta nên nhìn lại một chút những gì đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc trên khía cạnh thương mại, ông có cho rằng, đó là một trong những cơ hội để ngành gỗ Việt Nam đạt được sự phát triển?

 Không, tôi không cho rằng, cuộc chiến Mỹ - Trung có tác động gì đó tới sự phát triển của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam, tôi luôn bảo lưu ý kiến này trước đây, Việt Nam là một thị trường hoàn toàn khác biệt, và chúng ta thấy rằng, nó đã phát triển từ rất lâu trước khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung xảy ra. Việt Nam có những lợi thế hoàn toàn khác để tự tạo ra cho mình những bước đi vững chắc, nhiều người nói rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo ra những lợi thế cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam, nhưng tôi không nghĩ như vậy, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đã tự vươn mình để phát triển vượt bậc trong hơn 10 năm qua, với những giá trị riêng của mình. Chúng ta cần hiểu ở đây rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là cuộc chiến của những nước lớn, không liên quan đến các nước khác, cũng như ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam, vì tự ngành gỗ Việt Nam đã phát triển mà không cần nhờ đến bất cứ yếu tố nào từ bên ngoài trong nhiều năm qua.

Tại sao lần này Hội đồng gỗ cứng xuất khẩu Hoa Kỳ lại tổ chức hội nghị ở Hà Nội, liệu đây có phải là một phần nằm trong kế hoạch phát triển của AHEC tại khu vực này?

 Vâng, có thể tin chắc là như vậy, mục tiêu của chúng tôi khi phát triển tại thị trường Việt Nam là tạo ra sự phát triển đồng đều ở tất cả các khu vực, có vẻ như trước đây chúng tôi đã chú trọng nhiều hơn ở miền Nam với những khu vực lớn như Thành phố Hồ Chí Minh hay Bình Dương. Nhưng hội nghị lần này chúng tôi muốn hướng đến Hà Nội và khu vực miền Bắc, nơi có xu hướng phát triển nhanh không kém thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua, với sự năng động của lớp những người trẻ, những người có xu hướng tiêu dùng lớn với các gu thẩm mỹ hiện đại và cao cấp. Sự phát triển của nền kinh tế Hà Nội đã tạo ra các phong cách sống đa dạng và sự bùng nổ của thị trường bất động sản cũng tác động rất nhiều tới xu hướng tiêu dùng trong thời gian qua. Như chúng ta đều thấy, khi thị trường bất động sản tăng vọt, các khu nghỉ dưỡng cao cấp liên tục xuất hiện, với những nhu cầu về nội thất gỗ lớn hơn, đẳng cấp hơn và sang trọng hơn. Đó là thị trường lớn để AHEC chinh phục, khi chúng tôi có những nguồn nguyên liệu phong phú, đáp ứng được thị hiếu của người Việt Nam nói chung và các khách hàng ở Hà Nội hay miền Bắc nói riêng.

Ông có cho rằng, hội nghị lần này sẽ đáp ứng được tính kết nối cho các làng nghề gỗ truyền thống của Việt Nam với những nguồn cung cấp ổn định về gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ?

Tôi thật sự chưa nắm rõ được các yếu tố văn hóa và các giá trị của các làng nghề gỗ truyền thống của Việt Nam, nhưng tôi được biết rằng, đã có nhiều công ty chế biến gỗ từ các làng nghề đã tìm kiếm nguồn nguyên liệu gỗ cứng của Mỹ, của châu Âu hay các nước châu Phi để phục vụ cho việc chế biến gỗ phục vụ nhu cầu của thị trường nội địa, một thị trường lớn của các bạn và chưa được khai thác hết. Có lẽ, tôi sẽ dành thời gian để tìm hiểu kĩ hơn về các làng nghề gỗ của Việt Nam, thiết lập các mối quan hệ đối tác kinh doanh, không chỉ giúp chúng tôi khai phá thêm một thị trường nhiều tiềm năng, mà còn giúp các làng nghề có được nguồn cung gỗ ổn định, chất lượng và minh bạch, cũng như tạo ra khả năng phát triển lớn trong thời gian tới.

Như vậy có nghĩa là ngành công nghiệp gỗ Việt Nam sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa, thưa ông?

 Tôi có thể tự tin nói rằng, ngành gỗ Việt Nam sẽ đạt được những bước phát triển đột biến trong thời gian tới, vì thế mà chúng tôi có mặt ở đây, không chỉ để tìm cách bán các sản phẩm của mình, mà còn để giúp ngành gỗ Việt Nam đạt được những giá trị tối đa, dựa trên những tiềm năng đang có hiện nay. Ngành gỗ Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu tham vọng trong những năm tới, như đạt giá trị xuất khẩu 20 tỉ USD, xây dựng được thương hiệu riêng, hay trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới, chúng tôi muốn giúp các bạn tiến tới những mục tiêu này với sự ổn định, minh bạch và bền vững.

 Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Đức Thành (thực hiện)