Khai mở thị trường, hướng tới phát triển

29/11/2017 03:24
Khai mở thị trường, hướng tới phát triển

Đó là chia sẻ của Ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO), theo đó từ 1/12/2017 – 15/2/2018, Công ty TAVICO sẽ tổ chức Hội chợ đồ gỗ cuối năm với mô hình showroom kết hợp chợ đầu mối đồ gỗ đầu tiên tại Việt Nam, đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ khai mở thị trường nội địa, thông qua giới thiệu sản phẩm và bán sỉ cùng lúc cho nhiều nhà bán lẻ.

“Đối tượng mà chúng tôi nhắm đến là những doanh nghiệp muốn “đứng 2 chân” vừa xuất khẩu vừa phục vụ trong nước. Đây cũng là đầu mối cung cấp hàng giá sỉ, vì vốn dĩ khu vực Hố Nai đã nổi tiếng từ lâu là nơi cung cấp hàng giá sỉ. Điều quan trọng hơn, nơi đây ngoài vai trò của một chợ đầu mối gỗ, còn là nơi tạo cho người tiêu dùng nhiều lợi ích qua lựa chọn, mua hàng dễ dàng hơn", ông Võ Quang Hà chia sẻ với Tạp chí Gỗ Việt về chương trình này. 
Theo ông, mô hình này sẽ tạo sự đột phá cho ngành ở khía cạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa và mở rộng ra thị trường quốc tế?
Mô hình này ở nước ngoài rất phổ biến, nhưng ở Việt Nam nhìn chung vẫn còn mới. Chúng ta có nhiều làng nghề nhưng xu hướng là sản xuất hàng giá rẻ và chất lượng thả nổi, trong khi các nhà máy lớn vẫn chưa mặn mà lắm. Chợ đầu mối gỗ sẽ là nơi giao thoa những nhu cầu khác nhau và đưa “Siêu thị gỗ Tây” lên một tầm cao hơn.
Đến thời điểm này, toàn bộ các gian hàng hội chợ đồ gỗ cuối năm đã kín chỗ. Đó là nhu cầu có thật của DN, họ cần một nơi để trao đổi và mua bán. Hiện nay, mỗi gian hàng có mức giá thuê 30.000 đồng/m2 /tháng, mỗi gian rộng 120m2 , giá thuê một tháng 3.600.000 đồng/gian. Đây là mức giá rất tốt, vì chúng tôi không đặt nặng vào lợi nhuận mà mong muốn tạo sân chơi cho các DN. Sau hội chợ này, ai cũng muốn tiếp tục kinh doanh. TAVICO muốn đáp ứng điều đó cho các DN.
Ông có thể cho biết những lợi ích cụ thể và giá trị gia tăng mà TAVICO sẽ đem lại cho doanh nghiệp và thị trường như thế nào? ​
Các đơn vị thiết kế tại Việt Nam đa phần là nhỏ, người sáng tạo cũng là người chủ. Các công ty lớn về thiết kế lại chú tâm nhiều vào làm hàng may đo, đấu thầu..., xu hướng này phổ biến hơn làm hàng đại trà, tức là tự thiết kế và làm ra sản phẩm để bán trực tiếp. Vấn đề nữa ở Việt Nam là việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền sáng tạo mẫu mã vẫn chưa được tốt. Chúng ta không lạ gì một mẫu mã hôm nay bán chạy lập tức ngày mai đã bị sao chép, xuất hiện đầy rẫy ở các xưởng gia công. Đó cũng là lý do nhiều nhà sản xuất lẫn nhà thiết kế dù rất quan tâm nhưng họ lại chưa mặn mà lắm với mô hình chợ trao đổi ý tưởng. Khi đi sang nhiều nước, thấy họ làm được điều này tôi rất thích nhưng áp dụng nó vào Việt Nam lại chưa phải lúc chín muồi. 
Với mô hình chợ đầu mối đồ gỗ, TAVICO mong muốn tạo ra xu hướng sản xuất nào cho ngành chế biến gỗ trong nước? ​
TAVICO trăn trở về ngành gỗ Việt Nam thật sự mạnh. Chúng ta nhìn nhận yếu tố “mạnh” phải là cộng đồng DN Việt Nam mạnh. Hiện nay, các DN nước ngoài có mặt ở Việt Nam rất nhiều. Trong số hơn 7 tỉ USD xuất khẩu của ngành gỗ, thật sự chúng ta có được bao nhiêu và giữ lại cho Việt Nam được bao nhiêu? Hay chỉ là nơi bán sức lao động của nhân công?
Nói “ngành chế biến gỗ Việt Nam” thì phải là các DN Việt Nam thực thụ chứ không phải là những DN đầu tư vào Việt Nam. Là người phân phối gỗ, tôi biết rất rõ làm ngành này cần mặt bằng lớn, bỏ vốn ban đầu nhiều, vòng quay thu hồi vốn lâu. Xu hướng của thế giới là phân chia chuỗi chuyên nghiệp hóa, từ nguyên liệu đến chế biến,gia công... giúp cho cả ngành đều mạnh. 
May mắn và niềm vui của TAVICO là nhận được sự ủng hộ của nhiều DN để cộng lực với nhau tạo ra một chuỗi lành mạnh, xóa bỏ đi suy nghĩ yếm thế về quy mô sản xuất nhỏ để chấp nhận và thích nghi một cuộc chơi mới, đủ sức cạnh tranh. Các DN nhanh chóng phải thay đổi tư duy. Thay vì bó hẹp phạm vi thì mở lòng ra với nhau để cùng làm. 
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!​
GỖ VIỆT số 95