Liên kết giữa công ty và hộ để phát triển các vườn cao su tại Việt Nam: Cơ hội và rủi ro về thị trường

25/04/2017 05:12
Liên kết giữa công ty và hộ để phát triển các vườn cao su tại Việt Nam: Cơ hội và rủi ro về thị trường

Việt Nam là một trong năm quốc gia có diện tích trồng cao su và lượng mủ cao su sản xuất và xuất khẩu lớn nhất trên thế giới. Trong giai đoạn 2008 - 2011 giá mủ cao su xuất khẩu tăng cao dẫn đến diện tích trồng mới cao su tại Việt Nam tăng đột biến, làm cho diện tích cao su tổng số vượt xa so với diện tích quy hoạch của Chính phủ. Giai đoạn này đã xuất hiện một số mô hình mở rộng diện tích trồng cao su, bao gồm mô hình liên kết giữa công ty cao su và các hộ dân. Mô hình liên kết này thường được gọi với cái tên ‘góp đất trồng cao su’, theo đó công ty cao su cung cấp vốn đầu tư, kỹ thuật, kiến thức quản lý và cam kết phụ trách bao tiêu sản phẩm đầu ra; các hộ dân tham gia góp đất để trồng cao su và đóng góp lao động vào các khâu trong sản xuất. Mô hình phát triển mạnh ở vùng Tây Bắc, đặc biệt tại Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. 

Từ 2012 trở về trước, giá mủ cao su xuất khẩu còn ở mức cao do vậy người người đã tin tưởng vào lợi ích kinh tế của cây cao su. Mặc dù vậy, đã có một số cảnh báo về các rủi ro đặc biệt đối với các hộ khi tham gia góp đất trồng cao su. Ví dụ nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends thực hiện năm 2012 tại huyện Mường La tỉnh Sơn La đã cảnh báo về tác động tiêu cực của mô hình tới an ninh lương thực của hộ tham gia góp đất, bởi nguồn đất canh tác bị co hẹp, lao động dư thừa là hệ quả của việc thiếu đất canh tác. Thay đổi trong mối quan hệ giữa các thành viên của hộ là hệ quả của sự thay đổi tập quán canh tác. Tuy nhiên, khi mủ cao su xuất khẩu ở mức giá cao và cao su được coi là ‘vàng trắng’, các lời cảnh báo này đã nhanh chóng bị bỏ qua.

Năm 2012 đánh dấu sự khởi đầu của suy thoái thị trường tiêu thụ mủ cao su trên thế giới, với mức giá mủ cao su xuất khẩu vào thời điểm này chưa bằng một nửa mức giá của các năm trước đó. Đầu năm 2016, giá mủ giảm sâu tới mức giá thành không đủ bù chi phí sản xuất. Hệ quả là một số  diện tích cao su ở trong nước bị chuyển đổi sang các loại cây trồng khác; một số diện tích bị ngừng chăm sóc; một số diện tích khác bị ngừng khai thác mủ.

Thị trường tiêu thụ mủ cao su suy thoái đã và đang tác động thế nào đến đến mô hình liên kết giữa công ty cao su và các hộ góp đất, cụ thể về hiệu quả sử dụng đất trong liên doanh? Suy thoái thị trường có tác động thế nào đến sinh kế của hộ?

Đồng thời Báo cáo đưa ra các kiến nghị cần có đánh giá toàn diện mô hình liên kết trồng cây cao su giữa công ty cao su và hộ góp đất. Các đánh giá cần trọng tâm về các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt về tác động của mô hình đến sinh kế của hộ. Bên cạnh đó, cần có những đánh giá khách quan về hiệu quả sử dụng đất, dựa trên lợi thế so sánh giữa cây cao su và các loại cây trồng truyền thống khác, như ngô, sắn, đậu tương, keo. Các đánh giá về lợi thế so sánh cần quan tâm đến các khía cạnh như vốn đầu tư cho các loại cây trồng khác nhau, mức độ phù hợp với tập quán canh tác, văn hóa điều kiện kinh tế của hộ, các yêu cầu về số lượng, loại hình và chất lượng lao động, các rủi ro về thị trường đầu ra sản phẩm. Các đánh giá này nên được thực hiện thường xuyên. Mô hình kết hợp giữa công ty và hộ nhằm phát triển các diện tích trồng cao su nên được khuyến khích nếu mô hình này hội tụ đầy đủ các lợi thế so với các loại cây trồng khác và phù hợp với đặc điểm sinh kế và tập quán canh tác của hộ. Phát triển mô hình cần hết sức thận trọng, nhằm tránh những rủi ro đối với sinh kế các hộ đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc, là vùng khó khăn nhất trong cả nước hiện nay.

Để biết thông tin chi tiết, vui lòng tải toàn văn báo cáo.

Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo

Gỗ Việt