Ngành cao su Việt Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững

08/10/2018 09:17
Ngành cao su Việt Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững

Báo cáo Ngành cao su Việt Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vữnglà sản phẩm hợp tác nghiên cứu của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) và Tổ chức Forest Trends, được công bố tại Hội thảo Chuỗi cung cao su thiên nhiên và gỗ cao su: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững  diễn ra ngày 28 tháng 9 năm 2018 tại Hồ Chí Minh.

Ngành cao su Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới. Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm của ngành tiếp tục được mở ra thông qua các cam kết từ các hiệp định thương mại tự do mà Chính phủ Việt Nam đã và đang đàm phán để ký kết. Tuy nhiên, hội nhập cũng làm tăng sức ép cạnh tranh quốc tế và tạo ra các khó khăn tiếp cận thị trường gây nên bởi các rào cản thương mại và các rủi ro. Một trong những yêu cầu cơ bản của các thị trường tiêu thụ các mặt hàng cao su trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Mỹ hay các nước Châu Âu – là những cá nhân và tổ chức tham gia thị trường bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định có liên quan đến tính bền vững của sản phẩm. Tính bền vững này được thể hiện qua các khía cạnh như tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật, về phí, thuế, các quy định về môi trường, sử dụng lao động…trong toàn bộ chuỗi cung sản phẩm. Các quy định này không chỉ giới hạn trong chính sách của quốc gia nơi thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh về sản phẩm, mà còn là quy định thể hiện trong các điều ước quốc tế mà Chính phủ đã cam kết tham gia thực hiện.

 

Nhằm thích ứng với các quy định mới của thị trường, góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh và giảm rủi ro cho ngành cao su trong bối cảnh hội nhập, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) và Tổ chức Forest Trends thực hiện nghiên cứu tổng quan về ngành cao su. Nghiên cứu nhằm phác họa những nét cơ bản trong bức tranh tổng thể về ngành, từ khâu sản xuất, chế biến, thương mại đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Kết quả của nghiên cứu góp phần làm rõ vai trò và vị thế hiện nay của ngành cao su, các thuận lợi và khó khăn mà ngành đang đối mặt trong bối cảnh hội nhập thị trường. Thông tin từ nghiên cứu này sẽ giúp các nhà quản lý đưa ra các chính sách sát thực tế, từ đó góp phần mở rộng cơ hội phát triển, giảm thiểu rủi ro về thị trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai. Kết quả của nghiên cứu kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội hợp tác cho các bên liên quan, đặc biệt giữa các doanh nghiệp trong nội bộ ngành có cùng chung mối quan tâm, giữa các doanh nghiệp trong ngành và các bên liên quan khác (ví dụ ngành cao su, ngành gỗ), thúc đẩy mở rộng thị trường, góp phần vào phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và toàn ngành nói chung.

Báo cáo Ngành cao su Việt Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vữngtập trung mô tả về các khâu khác nhau trong chuỗi cung cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su. Cụ thể, Báo cáo tập trung vào chuỗi cung cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su, đánh giá hiện trạng của chuỗi, tìm hiểu một số thuận lợi và khó khăn chủ yếu trong mỗi khâu. Bên cạnh đó, Báo cáo điểm qua các chính sách có liên quan đến sự vận hành của mỗi khâu trong chuỗi, Chuỗi cung về gỗ cao su và sản phẩm được làm từ gỗ cao su nằm trong khuôn khổ của một báo cáo khác.

Để biết thông tin chi tiết của báo cáo, vui lòng tải toàn văn báo cáo

Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo

Gỗ Việt