Nguyên liệu chế biến gỗ: Thách thức từ chính số liệu?

11/06/2015 05:20
Nguyên liệu chế biến gỗ: Thách thức từ chính số liệu?

Ngày 23.10.2014, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam – VIFORES – phối hợp với tổ chức Forest Trends tổ chức Hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu “ Tổng quan cung – cầu gỗ Việt Nam: thực trạng và xu hướng”. Tại hội thảo còn có nhiều ý kiến khác nhau về số liệu cung cầu nguyên liệu gỗ.

Nhu cầu hàng năm hơn 40 triệu m3?

Tổng lượng gỗ khai thác trong nước hàng năm tương đương với 31 triệu m3 gỗ quy tròn. Trong đó, gỗ khai thác từ rừng trồng gần 17,5 triệu m3; gần 6 triệu m3 từ nguồn cây phân tán được khai thác; gỗ từ các vườn cao su thanh lý 2 triệu m3 và từ rừng tự nhiên chuyển đổi 1,94 triệu m3 cũng là nguồn quan trọng cho ngành gỗ. Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm nước ta nhập khẩu gần 2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ và 1,1 triệu m3 ván gỗ để phục vụ cho sản xuất đồ gỗ. Năm 2014, nước ta nhập khẩu tới hơn 9 triệu m3 gỗ, trong đó nhập gỗ từ Lào chiếm 27,4%, Campuchia chiếm 12%, Hoa Kỳ chiếm 11,3%. Trung Quốc là thị trường cung cấp gỗ lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm 10,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Về xuất khẩu (XK), mỗi năm Việt Nam

XK một lượng gỗ và sản phẩm gỗ tương đương 25 triệu m3 gỗ quy tròn, bao gồm: 10,2 triệu m3 dưới dạng đồ gỗ; 12 triệu m3 dưới dạng dăm gỗ; 1,3 triệu m3 dưới dạng ván gỗ công nghiệp; 0,92 triệu m3 dưới dạng các sản phẩm giấy; ngoài ra XK một lượng nhỏ 0,18 triệu m3 gỗ tròn và 0,33 triệu m3 gỗ xẻ chủ yếu là theo hình thức tạm nhập tái xuất. TS Tô Xuân Phúc nhận định, bức tranh tổng quan cung – cầu gỗ của Việt Nam cho thấy: nguồn gỗ rừng trồng ngày càng trở nên quan trọng. Chiến lược phát triển của ngành gỗ là giảm dần tỉ trọng gỗ nguyên liệu nhập khẩu, thông qua việc đẩy mạnh nguồn cung gỗ trong nước, đặc biệt là từ nguồn rừng trồng, tạo nguồn cung nguyên liệu cho ngành chế biến đồ gỗ. Lượng gỗ rừng trồng tăng nhanh, chứng tỏ  các chính sách giao đất giao rừng cho hộ gia đình đang được thực hiện đúng hướng. Tuy nhiên, một số lĩnh vực đang cạnh tranh về nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, giữa dăm, chế biến đồ gỗ và giấy. Để nâng cao hiệu quả, cần phải hạn chế XK dăm gỗ. Hiện Nhà nước đã đóng cửa rừng tự nhiên nhằm bảo vệ những cánh rừng tự nhiên còn lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành chế biến gỗ đang mở rộng, việc đóng cửa rừng sẽ khiến nguồn cung gỗ nguyên liệu vào tình trạng căng thẳng. Với tổng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho chế biến đồ gỗ XK và tiêu dùng trong nước ước tính lên tới 42 triệu m3/năm, tính toán thấy sẽ thiếu hụt 20 triệu m3/năm trong những năm tới.

Cần nghiên cứu lại cung cầu

TS Nguyễn Vinh Quang (Forest Trends) cho hay, cây cao su đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp gỗ nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ. Hiện tại, lượng gỗ cao su hàng năm khai thác từ các vườn thanh lý khoảng 2 triệu m3. Theo ước tính, đến năm 2030, lượng gỗ cao su có thể đạt mức 6 triệu m3/năm. Có tới 90% sản phầm đồ gỗ chế biến từ gỗ cao su là để XK, mà chủ yếu là vào châu Âu. Tuy nhiên, một điều bất lợi là, đang thiếu những cơ chế về tính pháp lý của gỗ cao su. Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng của Việt Nam, cây cao su trồng trên đất rừng sẽ được coi là rừng cao su. Mà đã là gỗ rừng thì theo quy định của EU là phải tuân thủ quy trình gỗ hợp pháp, tức là việc khai thác phải có giấy phép của cơ quan chức năng, kèm với các loại giấy tờ cần thiết khác như chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép đầu tư trồng rừng… Thế nhưng hiện nay, các DN trồng cao su trên đất rừng có thể tự do khai thác bất cứ lúc nào, mà không xin bất cứ giấy phép gì, các DN này quen đối xử với cây cao su là cây công nghiệp chứ không phải cây lâm nghiệp. Trong thời gian tới, khi gỗ cao su được đưa vào Định nghĩa gỗ hợp pháp và Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ, việc khai thác và sử dụng gỗ cao su sẽ gặp khó khăn. Bởi vậy, cần phải nhìn ra vấn đề này để thích ứng kịp thời. Phát biểu tại hội thảo, ông Cao Chí Công – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp lại nêu lên ý kiến không đồng tình với những số liệu mà Forest Trends công bố. “Tôi thực sự sốc khi số liệu về cung – cầu nguyên liệu gỗ đưa ra ở đây cao gấp hơn 2 lần so với con số mà Tổng cục Lâm nghiệp công bố hàng năm. Tổng lượng gỗ khai thác trong nước không thể vượt qua được 15 triệu m3. Hiện nay, ngành Lâm nghiệp đang đàm phán với Liên minh Châu Âu để ký kết Hiệp Định Đối Tác Tự Nguyện (VPA), con số này sẽ ảnh hưởng tới kết quả đàm phán. Tới đây, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ phải ngồi lại với Forest Trends để rà soát xem phương pháp tính toán số liệu có sức thuyết phục hay không, để tìm ra số liệu chính xác, có độ tin cậy nhất” – ông Công nói.

GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý Rừng bền vững và Chứng chỉ Rừng cho rằng, những kết quả nghiên cứu về cung – cầu thị trường gỗ sẽ cung cấp thêm thông tin cho việc hoạch định chính sách, giúp các cá nhân và tổ chức tham gia thị trường gỗ có chiến lược và hành động phù hợp trong tương lai. Sự vênh nhau giữa các số liệu trong các hợp phần hình thành lên cung – cầu chỉ ra thực trạng hiện nay về tính không đồng nhất, thậm chí là thiếu các dữ liệu thống kê có liên quan. Nhất là tình trạng số liệu về lượng gỗ khai thác, khối lượng gỗ XK hiện nay theo công bố giữa các ngành: Tổng cục Thống kê, Tổng cục Lâm nghiệp, và Tổng cục Hải Quan rất khác nhau. Điều này sẽ dẫn đến việc xây dựng chính sách và chiến lược không phù hợp thực tế. Muốn xây dựng được chiến lược nguyên liệu, giảm lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, các cơ quan nhà nước và các tổ chức phi chính phủ phải bắt tay nhau nghiên cứu bài bản hơn./.

Chu Khôi