Thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc năm 2012-2014: Thực trạng và xu hướng

22/09/2015 07:45

Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung và các sản phẩm gỗ của Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên cho đến nay thông tin cụ thể về thực trạng và xu hướng thương mại các sản phẩm gỗ giữa hai quốc gia vẫn chưa được cập nhật.

Bên cạnh đó, hiện đang tồn tại những khác biết rất lớn giữa 2 nguồn số liệu thống kê xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ giữa 2 nước. Thiếu thông tin và những khác biệt này làm cho thị trường xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ giữa 2 quốc gia méo mó, gây rủi ro cho các chính sách có liên quan. Với lí do như vậy, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức FOREST TRENDS đã tổ chức Hội thảo “Thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc năm 2012-2014: Thực trạng và xu hướng” nhằm:

  • Đánh giá thực trạng và xu hướng thương mại các mặt hàng gỗ giữa hai nước
  • Xem xét những thuân lợi và khó khăn trong thương mại các mặt hàng này giữa hai nước
  • Tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự chênh lệch về số liệu xuất nhập khẩu giữa hai nước
  • Kiến nghị về cơ chế, chính sách góp phần tăng cường trao đổi thương mại giữa 2 quốc gia theo hướng bền vững

Hội thảo được tổ chức tại Hà nội vào ngày 15/9/2015 với sự góp mặt của hơn 80 đại biểu đại diện cho các cơ quan nhà nước bao gồm Văn phòng Chính Phủ, Bộ Công Thương, Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, các hiệp hội gỗ, giấy, làng nghề gỗ, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các cơ quan thông tấn báo chí, các công ty và các hộ gia đình trực tiếp tham gia sản xuất và chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hội thảo đã cung cấp một bức tranh tổng thể về trao đổi thương mại của các mặt hàng gỗ giữa Trung Quốc và Việt Nam; so sánh và phân tích sự khác biệt giữa số liệu Hai Quan các mặt hàng gỗ giữa hai nước. Hội thảo tạo diễn đàn đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các công ty và hộ gia đình trực tiếp tham gia sản xuất và xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc. Nội dung của Hội thảo và thảo luận tập trung vào 2 chủ đề chính: (1) thực trạng của thương mại các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu, (2) Thực trạng và nguyên nhân gây ra sự chênh lệch về số liệu xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia.

Một số thông tin quan trọng trong Hội thảo bao gồm:

  • Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm thô sang Trung Quốc
  • Giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu thấp, lợi ích chủ yếu được dựa trên nguyên liệu thô, lao động giá rẻ và công nghệ chế biến lạc hậu
  • Chính phủ Việt Nam ưu tiên việc nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu. Trong thời gian tới sẽ có những chính sách điều chỉnh
  • Hiện tồn tại khác biệt rất lớn trong dữ liệu thống kê giữa 2 nguồn hải quan giữa Việt Nam và Trung Quốc
  • Sự khác biệt này do sự khác nhau trong cách tính toán giữa 2 cơ quan hải quan và gian lận thương mại
  • Sự khác biệt về số liệu phản ánh thực trạng thị trường các mặt hàng gỗ giữa 2 quốc gia không được phản ánh đầy đủ, con số thông kê chưa phản ánh chính xác về số lượng, giá trị và xu hướng.
  • Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp của Việt Nam cần chia sẻ các thông tin thực sự với các cơ quan quản lý và cần thiết lập ủy ban hỗn hợp giữa 2 quốc gia.

Các đại biểu tham gia hội thảo, bao gồm các cơ quan quản lý đánh giá cao nỗ lực của 4 tổ chức (Forest Trends, HAWA, VIFOREST, FPA Bình Định) trong việc đưa ra những phân tích thị trường quan trọng, nhằm cung cấp các thông tin cho các nhà quản lý. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra sự cần thiết để có những nghiên cứu sâu rộng hơn nữa về thị trường để có các buổi hội thảo trao đổi giữa các bên có liên quan. Hội thảo và các báo cáo trình bày được đánh giá là một trong những kênh thông tin quan trọng nhằm minh bạch hóa thông tin, góp phần quan trọng vào tiến trình cung cấp thông tin cho quá trình soạn thảo và thực hiện chính sách, hướng tới sự phát triển ngành gỗ của Việt Nam bền vững trong tương lai.