TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ CỦA VIỆT NAM TRONG NĂM 2017

21/02/2018 15:33
TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ CỦA VIỆT NAM TRONG NĂM 2017

I. XUẤT KHẨU
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của Việt Nam năm 2017 tiếp tục tăng cao, thiết lập mức kỷ lục mới, đạt 7,658 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016. 

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,707 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 74,52% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của toàn ngành, tỷ lệ này tăng nhẹ so với mức 73,6% của cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo: Năm 2017, tiếp theo đà tăng trưởng của năm 2017, theo IMF, kinh tế toàn cầu năm 2018 sẽ tiếp tục khởi sắc với mức tăng trưởng có thể đạt 3,7%. Trong đó, IMF đều nâng mức tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế hàng đầu như Hoa Kỳ, Trung Quốc, khu vực Eurozone và Nhật Bản. Đây đều là những thị trường xuất khẩu G&SPG chủ lực của Việt Nam; Kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao 6,6-6,8% sẽ là những yếu tố chủ chốt giúp hoạt động xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi, trong đó có nhóm mặt hàng G&SPG. Dự báo: kim ngạch xuất khẩu G&SPG của nước ta năm 2018 có thể đạt mức tăng từ 13-15%.




-Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu G&SPG của các doanh nghiệp FDI đạt 3,612 tỷ USD, tăng 9,44% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 47,16% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của cả nước, tỷ lệ này của năm 2016 là 47,36%. 
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,278 tỷ USD, tăng 9,41% so với năm 2016, chiếm 90,75% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG toàn khối FDI và chiếm 57,44% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của cả nước.
THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
Trong năm 2017, Hoa Kỳ liên tục là thị trường xuất khẩu G&SPG lớn nhất của Việt Nam, đạt 3,267 tỷ USD, tăng 15,65% so với năm 2016 cao hơn mức tăng của cả nước – đạt 10%, chiếm tới 43% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của cả nước, tăng so với tỷ lệ 41% của cùng kỳ năm ngoái. 
Đứng sau thị trường Hoa Kỳ lần lượt là 3 thị trường châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, với mức tăng lật lượt là 4,91%; 4,29% và tăng 15,6% về kim ngạch xuất khẩu so với năm 2016. 

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu G&SPG sang thị trường Canada và Anh cũng tăng rất mạnh, lần lượt tăng 15,15% và tăng 13,47% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong số các thị trường xuất khẩu G&SPG chủ lực của Việt Nam trong năm 2017, duy nhất có thị trường anh giảm nhẹ so với năm 2016, đạt 29 triệu USD, giảm 5,41% so với năm 2016.

II. NHẬP KHẨU 
KIM NGẠCH NHẬP KHẨU: 
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, kim ngạch nhập khẩu G&SPG về Việt Nam trong năm 2017 tăn mạnh trở lại, đạt 2,175 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2016, vẫn thấp hơn mức kỷ lục được thiết lập vào năm 2014 đạt 2,24 tỷ USD. 
Như vậy, trong lĩnh vực xuât nhập khẩu G&SPG, Việt Nam đã xuất siêu 5,483 tỷ USD. 
- Doanh nghiệp FDI ​
Trong năm 2017, kim ngạch nhập khẩu G&SPG của các doanh nghiệp FDI đạt 621 triệu USD, tăng 11,13% so với năm 2016, chiếm 28,58% tổng kim ngachj nhập khẩu G&SPG của cả nước, tỷ lệ này của năm 2016 là 30,45%.
Như vậy, trong hoạt động xuất nhập khẩu G&SPG, các doanh nghiệp FDI đã xuất siêu 2,99 tỷ USD.
THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU: ​
Năm 2017, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung ứng G&SPG lớn nhất cho Việt Nam, đạt gần 363 triệu USD, tăng tới 26,8% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 36% tổng kim ngạch nhập khẩu G&SPG của cả nước.
Bên cạnh đó, cả 3 thị trường kế sau Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng rất cao, đó là thị trường Hoa Kỳ, Campuchia và Nhật Bản, với mức tăng lần lượt là 15,26%; 17,09% và tăng 12,67% so với năm 2016.


Ban Biên tập Tạp chí Gỗ Việt
GỖ VIỆT số 96