Tính pháp lý của gỗ cao su tại Việt Nam

08/05/2015 17:51
Tính pháp lý của gỗ cao su tại Việt Nam

Báo cáo “Tính pháp lý của gỗ cao su tại Việt Nam” được tổng hợp từ kết quả khảo sát tại hai tỉnh Kon Tum và Bình Phước vào tháng 6 năm 2014

Hiện tại Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào tổng hợp các quy định pháp lý liên quan đến các khâu trong chuỗi cung ứng gỗ cao su từ khai thác, vận chuyển, chế biến đến xuất khẩu trong khi lượng gỗ cao su tham gia chuỗi cung ứng ngày càng nhiều và nhu cầu sử dụng gỗ cao su ngày càng tăng. Việc thiếu các thông tin pháp lý trong lĩnh vực này làm cho việc xác định tính hợp pháp của gỗ cao su thiếu những căn cứ thuyết phục để Chính phủ Việt Nam thương thảo với Liên minh Châu âu ký kết Hiệp Định Đối Tác Tự Nguyện (VPA) theo chương trình Tăng cường Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT). Hai trong số những phần quan trọng của Hiệp định này là Định nghĩa Gỗ hợp pháp (LD) và Hệ thống Đảm bảo tính Hợp pháp của gỗ (TLAS). Hiện tại LD và TLAS đang thiếu những thông tin về tính pháp lý của gỗ cao su. Do vậy, nghiên cứu “Tính pháp lý của gỗ cao su tại Việt Nam” được thực hiện nhằm bổ sung thông tin cho Định nghĩa gỗ hợp pháp và Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ của Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA),  cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách, giúp các cá nhân và tổ chức tham gia thị trường gỗ có chiến lược và hành động phù hợp trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

  • Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp gỗ cao su. Hiện tại lượng gỗ cao su hàng năm khai thác từ các vườn thanh lý, tái canh khoảng 2 triệu m3/năm. Theo ước tính, đến năm 2030, lượng gỗ cao su có thể đạt mức 6 triệu m3 do diện tích cao su được mở rộng đáng kể từ năm 2000 và diện tích tái canh đang tăng dần qua các năm.
  • Chuỗi cung ứng gỗ cao su tại Việt Nam xuất phát từ 4 loại hình kinh doanh: gỗ cao su thanh lý của các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), gỗ cao su thanh lý của các công ty do dịa phương quản lý, gỗ cao su của các hộ gia đình, gỗ cao su của các công ty tư nhân, và gỗ cao su nhập khẩu. Hiện nay gỗ cao su  thanh lý của các công ty thuộc tập đoàn VRG thanh lý chiếm 90%. Trong tương lai tỷ lệ này sẽ giảm vì diện tích thanh lý cao su của các hộ gia đình và của các công ty do địa phương quản lý sẽ tăng dần trong những năm tới. Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp cho gỗ cao su, do vậy, cần phải được xây dựng cho cả 4 loại hình.
  • Mặc dù Chính phủ Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với việc khai thác, vận chuyển và chế biến gỗ cao su nhưng gỗ cao su của các công ty do VRG và UBND Tỉnh quản lý đã và đang được thanh lý thông qua đấu giá công khai theo quy định của chính phủ. Việc đấu giá gỗ cao su đã tạo cơ sở để gỗ cao su có các giấy tờ hợp pháp trong quá trình khai thác, vận chuyển và chế biến. Gỗ cao su của các hộ gia đình đang được UBND xã xác nhận địa điểm và chủ sở hữu để từ đó các công ty khai thác và chế biến có căn cứ truy xuất nguồn gốc gỗ và có giấy tờ hợp pháp trong quá trình lưu thông.
  • Thực trạng nêu trên đang diễn ra đối với gỗ cao su trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, không phải đất rừng. Trong khi, cây cao su, những năm gần đây, đã được trồng trên đất rừng chuyển đổi với diện tích 260.880 ha. Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng của Việt Nam, cây cao su trồng trên đất này sẽ được coi là rừng cao su. Trong tương lai, việc khai thác gỗ trên diện tích này cần có sự can thiệp của Sở NN&PTNT hoặc UBND xã theo các quy định trong Thông Tư 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 5 năm 2011 hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Gỗ cao su trồng trên các loại đất khác có thể được coi là gỗ từ vườn nhà, trang trại và cây trồng phân tán, tuân thủ theo các quy định trong Thông tư 42/2012/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2012 và Thông Tư 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 01 năm 2012 quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản.
  • Khai thác gỗ cao su hợp pháp, do vậy, sẽ có sự khác biệt giữa gỗ khai thác từ rừng cao su trồng tập trung và gỗ khai thác từ vườn cao su trồng trên các loại đất khác. Gỗ khai thác từ rừng cao su trồng tập trung, ngoài việc tuân thủ các quy định tương tự gỗ cao su trồng trên các loại đất khác, cần có thiết kế khai thác và được Sở NN&PTNT cấp phép khai thác đối với rừng cao su trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, có bản đăng ký khai thác gửi tơi UBND xã đối với rừng cao su trồng bằng vốn tự đầu tư hoặc nhà nước hỗ trợ. Các loại giấy tờ cần thiết khác để đảm bảo gỗ cao su hợp pháp trong khai thác, vận chuyển và chế biến gỗ cao su bao gồm: chứng nhận quyền sử dụng đất (bằng một trong các giấy tờ sau: Sổ Đỏ, Quyết định giao đất, hoặc hợp đồng thuê đất); đăng ký kinh doanh; hợp đồng mua bán; hóa đơn tài chính hoặc hóa đơn GTGT; bảng kê lâm sản; phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ; và sổ theo dõi xuất nhập lâm sản. Ngoài ra các cơ sở cần phải tuân thủ các quy định nộp thuế, sử dụng lao động, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường. Đối với việc nhập khẩu gỗ cao su, ngoài hợp đồng và các chứng từ nhập khẩu,  doanh nghiệp nhập khẩu cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật để phòng tránh sâu bệnh lạ gây dịch hại cho các vùng trồng nhiều cao su tại Việt Nam.
  • Hiện tại gỗ cao su đang được khai thác rất thuận lợi mà không gặp khó khăn. Nhưng khi  gỗ cao su được đưa vào Định nghĩa gỗ hợp pháp và Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ, quyền sử dụng đất có thể sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác gỗ cao su vì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện tại chưa hoàn tất ở nhiều địa phương. Một số nơi vẫn tồn tại diện tích cao su nằm trên đất lấn chiếm. Tại Bình Phước, diện tích này ước tính khoảng 12.000 ha, tại xã Sa Nhơn huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum, diện tích đất lấn chiếm trồng cao su là 10 ha. Những diện tích đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy gỗ cao su trồng trên diện tích đất này không được coi là gỗ hợp pháp. Giải pháp đối với diện tích đất này tại mỗi địa phương là không đồng nhất. Tại Bình Phước, UBND Tỉnh đang có chủ trương cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân là người dân tộc thiểu số định cư lâu dài và hiện đang canh tác trên diện tích đất lấn chiếm, còn các hộ gia đình di cư từ nơi khác đến sẽ được ký hợp đồng thuê đất lâu dài. Tại Sa Nhơn, chính quyền xã đã lập biên bản, phạt hành chính và yêu cầu hộ dân không mở rộng diện tích lấn chiếm. Tuy nhiên, diện tích đất lấn chiếm chỉ chiếm một phần nhỏ (5% tại Bình Phước) trong tổng số diện tích trồng cao su và vườn cao su trên diện tích đất này hiện nay chưa đến thời kỳ khai thác.  

Để đọc báo cáo chi tiết, vui lòng liên hệ:

Tạp chí Gỗ Việt

Số 189 Thanh Nhàn - Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

Email: info@goviet.org.vn