Triển khai Dự án SCORE: Cải thiện hiệu suất lao động

29/06/2016 09:46
Triển khai Dự án SCORE: Cải thiện hiệu suất lao động

 Hướng dẫn doanh nghiệp cách thức tổ chức nhóm cải tiến, họp nhóm cải tiến, lập kế hoạch hành động, và các phương pháp quản lý, sắp xếp nơi là làm việc.. Là nền tảng của dự án SCORE vừa được triển khai tại Bình Định, bà Bùi Thị Ninh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết.

 Dự án phát triển doanh nghiệp bền vững SCORE là chương trình hợp tác kỹ thuật khu vực được triển khai bởi Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), được Ủy ban Quốc gia về các vấn đề kinh tế Thụy Sỹ (SECO) và Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) tài trợ. Mô hình đào tạo của SCORE là phần cốt lõi của chương trình, chủ yếu dành cho các DN vừa và nhỏ, nhằm quảng bá việc tôn trọng quyền của người lao động và nâng cao năng suất của DN vừa và nhỏ, giúp họ tiếp cận các chuỗi cung ứng toàn cầu và trình diễn những thực hành tốt nhất của quốc tế trong các ngành sản xuất và dịch vụ.
 Tại Việt Nam, Dự án SCORE do VCCI-HCM và ILO phối hợp triển khai thông qua sự hỗ trợ của các hiệp hội ngành nghề, như: Hội Thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) cùng phối hợp triển khai thực hiện. 
DA SCORE gồm 5 chuyên đề: Hợp tác tại nơi làm việc; quản lý chất lượng; năng suất và sản xuất sạch hơn; quản lý nguồn nhân sự; an toàn vệ sinh lao động. Hiện Dự án SCORE đang được triển khai, hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản thuộc địa bàn các tỉnh, thành phố: Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An và Bình Định.
* Bà có thể nói rõ hơn về các chuyên đề của dự án?
 - Nội dung chính của chuyên đề 1 là “Hợp tác tại nơi làm việc”. Đây là chuyên đề nền tảng của Dự án SCORE. DN sẽ được hướng dẫn phương pháp triển khai DA, như: Cách thức tổ chức nhóm cải tiến, họp nhóm cải tiến, lập kế hoạch hành động, triển khai 5S, Kaizen (phương pháp quản lý, sắp xếp nơi làm việc), chia sẻ thông tin... Các hoạt động này giúp nâng cao năng suất, giảm lãng phí, nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động, mang lại lợi ích cho cả công ty và người lao động. Chuyên đề “Quản lý chất lượng” tập trung vào cải tiến hoạt động sản xuất,quản lý chất lượng, cung cấp các công cụ, phương pháp hỗ trợ hướng tới mục tiêu chất lượng, giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm lượng hàng lỗi và sử dụng được các công cụ để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chuyên đề 3 tập trung hỗ trợ DN kiến thức về sự liên hệ giữa sản xuất sạch hơn và năng suất, tập trung cải tiến các hoạt động trong sản xuất giúp giảm tiêu hao năng lượng, tăng hiệu suất sử dụng máy móc, hút bụi và lò hơi. Hỗ trợ DN tìm ra các phương án cải tiến sản xuất để đảm bảo các tiêu chí về môi trường. Chuyên đề 4 hỗ trợ DN cải tiến nguồn nhân lực; chuyên đề 5 hỗ trợ DN hoàn chỉnh bộ hồ sơ về an toàn vệ sinh lao động.
 Mỗi chuyên đề của DA gồm có các chương trình: Khảo sát ban đầu; đào tạo tập trung; tư vấn tại DN; thống nhất kế hoạch hành động; theo dõi quá trình triển khai tại DN; đánh giá quá trình triển khai.
* Vậy DA đã được triển khai tại các địa phương như thế nào?
  - Có thể nói, kết quả dự án mang lại đối với các DN CBG là rất đáng ghi nhận. Chẳng hạn, từ việc áp dụng 5S, Kaizen trong DN đạt hiệu quả từ 80% đến 97% số DN tham gia; tiết kiệm chi phí sản xuất đạt 91%, thu nhập của công nhân tăng... Đơn cử như kết quả DA mang lại cho các doanh nghiệp chế biến gỗ ở tỉnh Bình Dương. Dự án SCORE triển khai tại Bình Dương từ tháng 6.2015. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 DN tham gia chuyên đề 5 (An toàn vệ sinh lao động). Kết quả, tình hình an toàn vệ sinh lao động tại các DN (như nhà ăn, nhà vệ sinh, nhà để xe, phòng thay đồ của công nhân, khu vực nghỉ ngơi của công nhân, nước uống...) được cải thiện đáng kể. Các DN tự tổ chức nấu ăn cho công nhân, với chất lượng dinh dưỡng và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm… Một số DN còn xây dựng cả nhà ở miễn phí cho công nhân. 
* Riêng đối với các DN CBG trên địa bàn tỉnh Bình Định thì sao, thưa bà?
  - Bình Định là một trong những trung tâm chế biến gỗ lớn của cả nước. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số DN tại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là hạn chế trong việc tiếp cận các phương pháp quản lý tiên tiến. Chính vì vậy, khi triển khai Dự án SCORE, chúng tôi xác định Bình Định là một trong những địa phương trọng điểm cần được hỗ trợ. Và thực tế đã chứng minh các DN tham gia dự án tại Bình Định đã đạt được nhiều kết quả cải tiến ban đầu đáng khích lệ. Theo thống kê, chỉ riêng chuyên đề 1 đã thu hút 115 học viên của 15 doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tham gia. Các chuyên gia của dự án đã thực hiện 75 đợt khảo sát, tư vấn tại các nhà máy của DN.
 Các tên tuổi lớn trong ngành chế biến gỗ tại Bình Định đều tham gia Dự án SCORE, như Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, Công ty cổ phần Công nghệ gỗ Đại Thành, Xí nghiệp Thắng Lợi (Công ty CP Phú Tài)… cho thấy các DN đã đánh giá rất tốt hiệu quả phương pháp cải tiến của SCORE đối với sự phát triển của ngành. Một số dự án nhỏ điển hình của chuyên đề 1 khi triển khai tại DN đã mang lại hiệu quả tích cực, như họp 10 phút đầu giờ tại Công ty Tiến Đạt; bố trí máy gần nhau ở công đoạn vẽ rập - lọngtupi của Công ty TNHH Trường Sơn…
 Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các thành viên của FPA Bình Định có thêm nhiều thông tin và kiến thức trong việc quản trị nhà máy, chúng tôi còn phối hợp với FPA Bình Định và các chuyên gia tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm với sự tham gia rộng rãi của các DN và khu vực miền Trung. Hy vọng rằng, cùng với FPA, VCCI và Dự án SCORE sẽ góp phần trang bị kỹ năng thực hành để các DN CBG trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.
* Xin cảm ơn bà!​
GỖ VIỆT số 78
VIẾT HIỀN