Xây dựng và thí điểm cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình tại làng nghề chế biến gỗ

28/06/2018 11:47
Xây dựng và thí điểm cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình tại làng nghề chế biến gỗ

Với thị trường chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước, các làng nghề gỗ hiện nay có vai trò hết sức quan trọng đối với sinh kế của các hộ gia đình trong đó có nhiều nông hộ nghèo. Theo thống kê Việt Nam có trên 300 làng nghề gỗ, nơi thu hút  hàng nghìn lao động tham gia sản xuất. Hiện nay các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các làng nghề gỗ và những thay đổi về cơ chế chính sách, thị trường sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình tại đây và sẽ tác động đến một đội ngũ đông đảo người lao động. 

Với mục tiêu nhằm giúp các cơ sở chế biến gỗ tại làng nghề gỗ tiếp cận và thích ứng với các thay đổi về chính sách trong tương lai, đồng thời giúp các cơ sở chế biến quản lý nguyên liệu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Hiệp hội gỗ & lâm sản Việt Nam (VIFoRES), Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) và Viện Quản lý rừng bền vững & chứng chỉ rừng (SFMI), với sự hỗ trợ của Viện Lâm nghiệp châu âu (EFI) đã triển khai xây dựng và thí điểm cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình tại làng nghề chế biến gỗ, trong đó lựa chọn thí điểm triển khai mô hình tại làng nghề gỗ tại Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội. 


Để thực hiện xây dựng thí điểm cơ chế hỗ trợ trên từ ngày 11- 13 tháng 4, các đơn vị tham gia thực hiện thí điểm mô hình trên đã tổ chức  khoá đào tạo “Đánh giá tác động cơ chế hỗ trợ SmE trong ngành lâm nghiệp và chế biến gỗ”, nhằm xây dựng và đưa ra phương pháp tiếp cận phù hợp với đối tượng là các hộ gia đình chế biến gỗ tại Liên Hà, dựa trên các nghiên cứu về xu hướng sử dụng nguyên liệu, cũng như các điều kiện sản xuất khác công nghệ chế biến, mặt bằng và nguồn vốn sản xuất.
Theo đó, tại làng nghề Liên Hà hiện nay, xu hướng dịch chuyển từ gỗ tự nhiên sang ván công nghiệp đang thắng thế. Nếu như 5 năm trước đây 90% nguyên liệu sử dụng tại Liên Hà là gỗ tự nhiên, thì đến nay con số này chỉ còn 40% và vẫn tiếp tục giảm trong những năm tới. Xu hướng dịch chuyển nguyên liệu này kéo theo xu hướng thay đổi máy móc công nghệ, từ dây chuyền chế biến gỗ tự nhiên sang dây chuyền chế biến ván công nghiệp như máy móc sản xuất và chế biến ván lạng, máy cưa bàn trượt, v.v..  


Bên cạnh đó, hiện nay, mặt bằng sản xuất tại các cơ sở chế biến là chưa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của các hộ gia đình hay doanh nghiệp, điều đó tác động đến việc chuyển đổi và nâng cấp máy móc công nghệ, vả ảnh hưởng tới sự phát triển của mỗi hộ kinh doanh. Dựa trên phương pháp của khóa đào tạo, các nghiên cứu tỉ mỉ, cùng với sự phối hợp của uBND xã Liên Hà, đã chọn lựa  20 cơ sở chế biến gỗ tại khu tiểu thủ công nghiệp Liên Hà để thu thập thông tin và đánh giá nhu cầu cần hỗ trợ của các cơ sở này. 


Thông tin thu thập được, qua đánh giá và phân tích các thông tin của các cơ sở chế biến gỗ trên thấy: hầu hết cách thức tổ chức sản xuất của các cơ sở chế biến tại đây đều mang tính tự phát, chưa chuyên môn hóa cao, chưa có ý thức trong việc trang bị các thiết bị an toàn lao động, môi trường, việc sử dụng nguyên liệu đầu vào và tận dụng nguyên sau chế biến chưa được chủ trọng và sự chưa sẵn sàng cam kết trong việc sử dụng lao động có chính thức đối với cả người sử dụng lao động và người tham gia lao động. Với kết quả đó, việc nâng cao nhận thức và thái độ của các cơ sở chế biến gỗ về tổ chức sản xuất thông qua các cuộc hội thảo, khóa tập huấn về an toàn lao động và tổ chức  quản lý đầu vào và đầu ra nguyên liệu là rất cần thiết. Thông qua đó các cơ sở chế biến gỗ có thể dần thay đổi cách tổ chức sản xuất của họ nhằm nâng cao năng suất và tình hình an toàn lao động. 


GỖ VIỆT số 101
NAM ANH