Xu hướng ngành gỗ: Xây dựng thị trường thương hiệu và thiết kế

18/02/2019 03:39

Làm thế nào để ngành gỗ và chế biến gỗ có vị thế trên thế giới như sự mong đợi của tất cả các bên liên quan, và đặc biệt là sự kì vọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đặt mục tiêu cho ngành gỗ đạt giá trị xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025, theo chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai,muốn trở thành số 1 thế giới về đồ gỗ, cần biến nó thành chương trình hành động cụ thể, có chiến lược để tiếp nhận nó. Toàn ngành không được chủ quan, cơ bản đứng vững trên đôi chân của mình bằng chương trình hành động và chiến lược thực thi.

Đồng quan điểm với ông Phạm Ngọc Trai, Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nội lực công nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Với làn sóng đầu tư công nghệ, thiết bị tự động hóa, trang bị quy trình quản lý bằng công nghệ thông tin kết hợp đầu tư cho công tác thiết kế, thương hiệu, đào tạo quản trị suốt thời gian qua, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến gỗ đã được cải thiện rõ rệt. Việt Nam sẽ nỗ lực trong 7 - 8 năm nữa để trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ nội thất, chỉ sau Trung Quốc. Việc có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỉ USD năm 2025 là điều khả thi. Nhưng ngành gỗ cần có chiến lược khác biệt mới tạo nên bước phát triển tầm xa và bền vững, bởi nguồn lực ngành đã đủ lớn mạnh về sản xuất, đang dần hoàn thiện từ công nghệ đến quản lý, từ chuyển giao đội ngũ kế thừa đến nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo…

Lợi thế của người Việt là sự khéo tay, tiếp nhận công nghệ nhanh, đã và đang khẳng định yếu tố sản phẩm - công nghệ. Với chính sách phát triển nguồn nguyên liệu rừng trồng, ngành chế biến gỗ Việt đang có cơ hội lớn. Hiện tại, Việt Nam đang hướng tới xuất khẩu là chủ yếu, nhưng thị trường nội địa là một thị trường cần được quan tâm. Với tầm nhìn tới năm 2035, tại thị trường nội địa, WB đã đưa ra con số tới năm đó Việt Nam đô thị hóa là 50%, tỉ lệ đất cho nông nghiệp giảm gần 1/3, tư nhân đóng góp 80% cho nền kinh tế. Do vậy phải nhìn xuyên suốt cả thị trường trong nước, đó là cơ hội để ngành gỗ giữ chân khách hàng trong nước.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết, tổng giá trị trong chuỗi sản xuất đồ gỗ trên thế giới là khoảng 140 tỉ USD trong khi giá trị hàng hóa tiêu dùng của người sử dụng tới hơn 450 tỉ USD, bao gồm giá trị của thương mại, thiết kế, phân phối, thương hiệu. Nên chúng ta cần tận dụng tốt các cơ hội ở thị trường nội địa, trước khi vươn tới các thị trường thế giới. Và nếu ngành gỗ muốn hướng đến con số 450 tỉ USD, thì phải xây dựng những giá trị nền tảng cốt lõi như năng lực sản xuất, khả năng chế biến gỗ và chế tác thủ công mỹ nghệ Việt Nam được ghi nhận, khi đồ nội thất “Made in Vietnam” dưới thương hiệu danh giá của các hãng nổi tiếng có mặt khắp thế giới, kể cả phân khúc cao cấp, cung cấp sản phẩm cho các công trình đẳng cấp quốc tế. Và như vậy giá trị mà Việt Nam nhận được so với hiện tại sẽ là rất lớn”, ông Trai nhận định. Bên cạnh đó, điều quan trọng là ngành gỗ cần xây dựng được thị trường thiết kế và thương hiệu quốc gia, đó là hai giá trị để tạo lợi thế cạnh tranh cũng như từng bước tạo ra giá trị gia tăng từ gia công truyền thống. Nếu có chiến lược kinh doanh công nghiệp sáng tạo, sớm hình thành viện thiết kế nội thất, sẽ làm lực đẩy cho ngành chế biến gỗ tạo những giá trị gia tăng, giúp doanh nghiệp đạt giá trị thặng dư cao hơn.

Quang Huy - GV108