Xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc: Nhiều rủi ro cần tránh

03/11/2015 04:50
Xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc: Nhiều rủi ro cần tránh

872 triệu USD là giá trị xuất khẩu gỗ  năm 2014 sang Trung Quốc được công bố tại hội thảo “Thương mại gỗ Việt nam- Trung Quốc 2012- 2014 thực trạng và xu hướng”. Nhưng theo ông nguyễn tôn Quyền, tổng thư ký hiệp hội gỗ và lâm sản Việt nam (Vifores), thương mại các mặt hàng gỗ giữa hai quốc gia có những đặc điểm thể hiện tính rủi ro lớn nếu không có biện pháp điều chỉnh từ phía nhà nước. 

Giá trị xuất khẩu Gỗ chưa cao

Trong 3 năm từ 2012-2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt nam vào Trung Quốc chỉ sau Hoa Kỳvà Nhật Bản. kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt nam sang Trung Quốc năm 2014 vẫn chiếm 6% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu (14,9 tỉ USD) của Việt nam sang Trung Quốc trong cùng năm.

Nhưng theo các chuyên gia tại hội thảo,  những sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm thô hoặc bán thành phẩm. Ví dụ như năm vừa qua, xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc đạt gần 850 triệu đô la Mỹ, thì có tới trên 700 triệu là sản phẩm thô như dăm mảnh, gỗ tròn, độ tinh chế rất ít.

 Bên cạnh mặt hàng gỗ dăm thì Trung Quốc lại có nhu cầu rất lớn đối với các loại gỗ quý hiếm và không yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp, chứng chỉ rừng như những nước tiên tiến khác, trong khi gỗ quý hiếm là loại mặt hàng mà Việt nam không khuyến khích khai thác và xuất khẩu. hơn nữa, yêu cầu về mẫu mã, chứng chỉ rừng, chất lượng gỗ xuất sang Trung Quốc nhìn chung là rất dễ dãi. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho ngành gỗ Việt nam nói riêng và cho cả lợi ích chung của Việt nam, cả ở khía cạnh bảo vệ tài nguyên rừng cũng như kinh tế.

Mặt khác lợi ích thu được xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang Trung Quốc chủ yếu dựa trên nguyên tắc sử dụng lao động tay nghề thấp, giá rẻ và công nghệ chế biến lạc hậu. Điều này phản ánh các khía cạnh thiếu bền vững của ngành chế biến và thương mại gỗ của Việt nam.

Đáng lo ngại hơn, thị trường Trung Quốc thiếu tính ổn định, bền vững và họ chủ yếu thu gom nguyên liệu về Trung Quốc chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm và làm giàu cho nước này. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với ngành gỗ trong nước là làm thế nào để không rơi vào trạng thái bị động và làm thiệt hại chính mình.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Chia sẻ về viễn cảnh nhu cầu thị trường gỗ Trung Quốc đến năm 2020, Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu gỗ của Trung Quốc là 470 triệu m3, nhưng họ chỉ mới đáp ứng được 300 triệu m3, trong khi độ che phủ rừng của Trung Quốc có 24%, cho nên Trung Quốc đã xác định chiến lược an toàn ngành gỗ trong nước bằng cách tăng cường nhập khẩu gỗ các nước trong khu vực.

Điều này dẫn tới hai vấn đề, một là nhu cầu gỗ Trung Quốc rất lớn, mở ra tiềm năng xuất khẩu của gỗ Việt nam sang Trung Quốc. nhưng mặt khác, chúng ta cần tránh lệ thuộc vào thị trường có tính bất ổn này.

Để xuất khẩu bền vững không chỉ cần sự quản lý của các cơ quan nhà nước, mà các doanh nghiệp cũng cần nâng cao giá trị của từng sản phẩm để xuất khẩu tạo ra giá trị gia tăng cao sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thương mại các sản phẩm gỗ giữa Việt nam và Trung Quốc sẽ chịu tác động lớn từ các quy định của các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định hàng hóa ASEAN Trung Quốc. Hiệp định này qui định chính phủ các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ áp dụng mức thuế bằng 0 cho nhiều mặt hàng trong nhóm gỗ và sản phẩm gỗ thuộc nhóm gỗ nguyên liệu và đồ gỗ. Các hàng rào kỹ thuật sẽ được bỏ, đảm bảo cho việc lưu thông hàng hóa giữa khối ASEAN và Trung Quốc được thuận lợi. Những yếu tố này sẽ tạo cơ hội cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt nam tại Trung Quốc và ngược lại.

 Theo đó, trước hết các doanh nghiệp của Việt nam cần phải đưa ra những bằng chứng xác đáng về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Cũng như cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định có liên quan đến chuỗi cung ứng, sắp xếp và tổ chức lại hình thức sản xuất kinh doanh của ngành gỗ.

 Nhưng trên hết, chính phủ cần có các cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp có chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn, bền vững. Mặt khác, việc sắp xếp và tổ chức lại hình thức sản xuất kinh doanh cũng đồng nghĩa với việc siết chặt quản lý và loại bỏ dần các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên những lợi ích ngắn hạn, khai thác tận kiệt tài nguyên, tranh thủ lao động giá rẻ và công nghệ chế biến lạc hậu.

Gỗ Việt số 72 - Tháng 10, 2015