Ý kiến doanh nghiệp: Bắt nguồn từ cạnh tranh nguyên liệu

27/12/2017 09:14
Ý kiến doanh nghiệp: Bắt nguồn từ  cạnh tranh nguyên liệu

Từ đầu năm đến nay, giá gỗ cao su có xu hướng tăng mạnh. Có ý kiến cho rằng, giá gỗ cao su tăng còn do các doanh nghiệp Trung Quốc thu mua rất nhiều, dưới đây là những đánh giá về tình hình giá gỗ cao su được Tạp chí Gỗ Việt ghi nhận tại Bình Phước.

 

Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Trường Phát: 
Theo tôi, việc đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng cao do cạnh tranh mua nguyên liệu đầu vào. Thứ hai giá gỗ cây đứng lên, đẩy theo gỗ củi lên, gỗ “bao bì” lên, thì cành, ngọn cũng tăng lên. Doanh nghiệp làm gỗ phôi phải tận dụng hết, còn lại để làm xẻ và cải thiện được phần nào thu nhập cho DN làm gỗ. Với sự cạnh tranh về nguyên liệu đó làm cho gỗ cao su tăng lên cao, rất lạ, khách hàng trung Quốc cũng kêu, giá gỗ cao su của Thái lan không lên nhưng gỗ cao su ở  Việt Nam lại tăng lên, thường thì giá gỗ cao su Việt Nam tăng lên theo Thái lan. Thứ ba là do Trung Quốc, khi mà bị chính sách của Thái lan thay đổi thì họ phải đồ dồn sang Việt Nam tìm nguyên liệu, nên họ đẩy giá lên thì ngành gỗ phôi có lợi còn làm gỗ ghép sẽ bất lợi, do gỗ ghép cao su tăng giá họ sẽ dùng gỗ khác, giá gỗ ghép không thể đẩy lên được thì gỗ ghép sẽ gặp khó khăn. 
Ông Nguyễn Thanh Được – Giám đốc Công ty Gỗ Cao su Dầu Tiếng (Tập đoàn cao su Việt Nam): ​
Có rất nhiều lý do cho việc tăng giá gỗ cao su, đầu tiên là do tại Bình Phước trước đây thanh lý quá nhiều gỗ cao su, khiến gỗ cao su hiện nay trở nên khan hiếm. Tại khu vực này, có nhiều nhà máy hoạt động dạng cưa xẻ dùng gỗ cao su thanh lý, nhà máy khi đầu tư ra, để có nguồn nguyên liệu hoạt động, giữa các nhà máy cạnh tranh với nhau về nguồn nguyên liệu rất gay gắt làm đẩy giá gỗ biến động và tăng  lên cao. Sau đó, chúng ta có thể nói đến đầu ra thị trường gỗ phôi, có nhiều nhà máy ở đây chuyên làm sản xuất và cung cấp cho khách hàng Trung Quốc. Khi giá gỗ nguyên liệu tăng cao nhưng giá sản phẩm đầu ra không tăng theo tỉ lệ tăng giá nguyên liệu, các khách hàng của công ty cho biết, do thị trường của họ không điều chỉnh được giá theo giá nguyên liệu biến động trong nước của mình. 
Ông Nguyễn Văn Thuyên – Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Cao su Phú Thịnh: ​
Để hạn chế ảnh hưởng từ việc thu mua gỗ nguyên liệu của Trung Quốc, theo tôi, cần có sự cảnh báo thông qua các hiệp hội vừa và nhỏ của tỉnh với các doanh nghiệp để họ biết và chuẩn bị sẵn các kế hoạch cho tình huống này. Có sự liên kết, cộng tác và trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp trong khối để giảm thiểu rủi ro.  Đối với công ty tư nhân, mục đích của họ là kinh doanh để có lãi, do vậy họ có lợi nhuận thì họ bán. Đối với công ty Phú Thịnh chúng tôi, công ty ít bị ảnh hưởng và hiện giờ cạnh tranh với Trung Quốc được là do nguồn nguyên liệu mua trước từ hai năm trước, do vậy chúng tôi chủ động về nguồn nguyên liệu để tránh sự cạnh tranh với các đối thủ. 
Ông Trần Xuân Huệ – Chi cục phó chi cục Kiểm Lâm Bình Phước: ​
Trước đây, Chi cục kiểm soát chuyển từ rừng nghèo sang trồng cây, hiện tại Chi cục chỉ làm chức năng giảm xâm lấn, phòng chống cháy, phòng trừ sâu bệnh, kiểm soát không cho xâm lấn.
Trong thời gian qua, chúng tôi ghi nhận được rằng ít có tình trạng tranh chấp thu mua nguyên liệu, và Chi cục làm trọng tài, nếu chuyển đổi từ cây trồng này sang cây trồng khác thì phải có văn bản đồng ý của Kiểm lâm. Khi hộ dân khai thác, thanh lý , người dân là  chủ rừng, họ bỏ vốn của họ thì họ xác định qua xã. Nếu họ muốn xác nhận nguồn gốc gỗ thì kiểm lâm mới cần xác nhận, nếu họ ko cần xác nhận thì thôi. Hạt kiểm lâm sở tại xác nhận nguồn gốc (các hạt kiểm lâm sở tại kiểm soát). Diện tích cao su hiện nay thanh lý thì chủ yếu là cao su trồng trên đất nông nghiệp. Nếu họ muốn xác nhận nguồn gốc thì ra xã là xác nhận được, thủ tục dễ dàng.
GỖ VIỆT số 96
CẨM LÊ