NGÀNH MÂY TRE CẦN THAY ĐỔI CƠ CẤU SẢN PHẨM
Xuất khẩu năm 2013 của ngành mây tre đan đạt gần 225 triệu USD, tuy nhiên vẫn cần có sự đầu tư hơn nữa để phát huy hết tiềm năng. Việt Nam cần hướng vào dòng sản phẩm mới như tre ép khối, ván sàn tre làm đồ nội thất để đưa ngành chế biến mây tre vươn tới 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong tương lai.
Tại hội thảo “Phát triển ngành mây tre phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa” do Cục Chế biến TMNLTS và nghề muối (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam vừa tổ chức vào trung tuần tháng 12 năm 2013, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, xuất khẩu năm 2013 của ngành mây tre đạt gần 225 triệu USD. Ngành mây tre đang đứng trước cơ hội chiếm lĩnh 10% nhu cầu thị trường thế giới và thu về khoảng 1 tỷ USD xuất khẩu.
KỲ VỌNG 1 TỶ USD KIM NGẠCH XUẤT KHẨU
Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã được XK tới trên 120 quốc gia trên thế giới: đứng đầu là thị trường Mỹ chiếm đến trên 19% thị phần, Nhật Bản chiếm gần 17% thị phần. Tuy nhiên, kim ngạch XK mây tre của Việt Nam lại rất nhỏ chiếm chưa đến 3% thị trường thế giới.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho hay, cả nước có 713 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% trong tổng số làng nghề thủ công mỹ nghệ, thu hút được khoảng 350 nghìn lao động. Từ năm 2009 đến nay, các làng nghề mây tre, nứa gặp muôn vàn khó khăn. Do thị trường bấp bênh, nguồn nguyện liệu không ổn định, lực lượng lao động trẻ tìm nghề có thu nhập cao hơn nên phải sản xuất cầm chừng. Trong khi người tiêu dùng ở các nước phát triển ưa chuộng những sản phẩm đơn giản, có tính hình khối thì sản phẩm mây tre Việt Nam thường rườm rà, nhiều chi tiết… nên khó có thị trường bền vững. Chúng ta cũng chưa xây dựng được thương hiệu chung cho các sản phẩm tre Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng Chế biến của Cục chế biến TMNLTS và nghề muối, từ mây và tre có thể chế biến được hàng trăm loại sản phẩm khác nhau phục vụ cho tiêu dùng nội địa và XK. Bao gồm 2 nhóm lớn: các sản phẩm truyền thống như măng tre làm thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, mành, chiếu, tăm, giấy…; các sản phẩm mới như tre ép làm ván sàn và làm đồ nội thất, tre ép phục vụ xây dựng, làm than hoạt tính, làm sợi,…. Trong đó, các sản phẩm chế biến công nghiệp từ tre như tre ép khối và đặc biệt là tấm lót đường từ tre mặc dù mới được nghiên cứu và đưa vào sản xuất nhưng đã có một vị thế đầy tiềm năng ở cả thị trường trong và ngoài nước, có giá trị gia tăng rất cao. Hiện tại nước ta đã có khoảng 350 doanh nghiệp, cơ sở chế biến các loại sản phẩm mới từ tre như ván sàn tre (Công ty TNHH Tiến Động, Công ty Việt Linh, Pinctadali,…), tre ép khối (Công ty Tiến Động, Công ty Hiệp Cường…). Tuy vậy, hiện tại có đến 95% tổng giá trị sản phẩm của ngành mây tre tập trung vào nhóm hàng truyền thống, chỉ có khoảng 5% thuộc nhóm sản phẩm tre chế biến công nghiệp. Trong tương lai, từ nay đến năm 2020 và 2030, cơ cấu sản phẩm của ngành chế biến tre nên là 30% cho các sản phẩm truyền thống và 70% sản phẩm thuộc nhóm các sản phẩm mới. “Các sản phẩm tre ép khối thay thế gỗ trong sản xuất đồ nội thất ngày càng được ưa chuộng, vì có độ bền đẹp không thua gỗ, nhưng giá bán lại rẻ hơn rất nhiều. Song trên thị trường toàn cầu, các sản phẩm đồ nội thất chế biến từ tre chỉ chiếm 3% trong tổng số 100 tỷ USD của thị trường đồ nội thất. Việt Nam cần hướng vào dòng sản phẩm mới này. Nếu có chiến lược và cơ cấu sản phẩm hợp lý, chúng ta có khả năng chiếm được 8-10% thị trường thế giới, thì ngành chế biến mây tre Việt Nam sẽ vươn tới 1 tỷ USD trong tương lai” – ông Dũng bày tỏ.
ĐẨY MẠNH TRỒNG MÂY, TRE
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, hiện cả nước có khoảng 1,4 triệu ha tre, trong đó chỉ khoảng 6% diện tích rừng trồng, phần còn lại là rừng tự nhiên. Những tỉnh có trữ lượng tre lớn, tập trung: Thanh Hóa, Lâm Đồng, Kon Tum, Nghệ An, Tuyên Quang, Đắk Nông, Bình Phước, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái. Hàng năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 400 - 500 triệu cây Tre nứa cho các mục đích khác nhau. Điều tra thực địa tại 28 tỉnh trên cả nước, ước tính nguồn tài nguyên song mây tại Việt Nam có tổng diện tích 381.936 ha. Trong đó vùng Bắc Trung Bộ có mây nhiều nhất 201.076ha, sau đó là vùng Nam Trung Bộ với diện tích song mây 180.270 ha. Sản lượng song mây có thể được thu hoạch được trong cả nước ước khoảng 36.510 tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ thực tế 70.000 tấn mỗi năm, có nghĩa mỗi năm chúng ta đang phải nhập khẩu trên 33.000 tấn mây.
Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, tre nứa, song mây là những loài cây lâm sản ngoài gỗ có khả năng gây trồng thành vùng nguyên liệu chuyên canh hoặc bảo tồn khai thác bền vững. So với các loài cây gỗ, tre nứa có ưu điểm nổi trội là tốc độ sinh trưởng rất nhanh, trồng sau 3-4 năm có thể khai thác, năng suất cao 4-12 tấn/ha/năm. Luân kỳ khai thác của rừng tre nứa rất ngắn, từ 2-3 năm. Mặc dù Chính phủ đã xây dựng kế hoạch trồng 400.000 ha lâm sản ngoài gỗ trong số 3 triệu ha rừng sản xuất của cả nước, tuy nhiên, đất cho việc thực hiện kế hoạch không còn như dự kiến. Trong nhiều thập kỷ qua, do tình hình khai thác và xuất khẩu nguyên liệu thô một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch và quản lý nên nguồn nguyên liệu song mây, tre tự nhiên của Việt Nam đã cạn kiệt. Bởi vậy, cần huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển vùng nguyên liệu mây, tre để biến tiềm năng to lớn thành hiện thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng cao. Cần cụ thể hóa các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển mây tre phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương theo quy định tại quyết định số 11/2011/QĐ-TTg. Phải xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người trồng tre, luồng, doanh nghiệp chế biến và đơn vị kinh doanh sản phẩm tre, tiến tới hình thành hiệp hội chế biến tre Việt Nam nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Tại hội thảo, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cùng phối hợp đề nghị với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, tạo điều kiện tổ chức “Festival cây tre Việt Nam” vào cuối năm 2014 đầu năm 2015.
Chu Khôi - Gỗ Việt Số 54
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh