Lâm nghiệp còn cửa hút vốn ODA

11/06/2015 06:50
Lâm nghiệp còn cửa hút vốn ODA

Năm 2013 vừa qua được đánh giá là năm thành công trong việc huy động vốn ODA và hỗ trợ quốc tế trong lâm nghiệp, với 7 dự án viện trợ không hoàn lại lên tới 47 triệu USD. Năm 2014, vốn viện trợ không hoàn lại cho lĩnh vực này cũng đã nhận được cam kết gần 16 triệu USD.  Sự sụt giảm về thu hút ODA đối với ngành Lâm nghiệp đang đặt ra câu hỏi rằng: Ngành lâm nghiệp liệu còn cửa hút vốn ODA?

VỐN GIẢM DO GIẢI NGÂN CHẬM

Trong thời gian qua, nguồn vốn hỗ trợ của các chính phủ, các đối tác phi chính phủ chiếm một tỷ lệ khá lớn, trên 15% tổng vốn đầu tư xã hội cho lâm nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang giảm dần. Theo số liệu của Đối tác hỗ trợ ngành Lâm nghiệp (FSSP), năm 2007 có hơn 100 triệu USD đổ vào lâm nghiệp, thì năm 2010 chỉ còn hơn 85 triệu USD, năm 2013 con số này giảm xuống còn 47 triệu USD, năm 2014 ngành lâm nghiệp đã nhận được cam kết gần 16 triệu USD.

Nguyên nhân có nhiều, song tỷ lệ giải ngân rất thấp được cho là một trong những nguyên nhân chính. Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, năm 2011, tiến độ giải ngân của 7 dự án ODA trọng điểm của ngành lâm nghiệp là 602,4 tỷ đồng, đạt khoảng 82%. Không những thế, năng lực của nhiều đơn vị thực hiện dự án rất  yếu, các địa phương cam kết về vốn đối ứng, đất đai lỏng lẻo; định mức đầu tư của các chương trình, dự án ODA cao hơn so với mức đầu tư từ ngân sách Chính phủ nên khó nhân rộng mô hình.

 Theo nhận định của FSSP, 5 năm tới, nguồn cung  ODA cho Việt Nam còn giảm sút hơn do khủng hoảng nợ công của nhiều  nước, trong khi Việt Nam đã đạt ngưỡng là nước có mức thu nhập trung bình. Các nhà tài trợ cũng cảnh báo, chính sách ODA cho lâm nghiệp Viêt Nam thay đổi theo hướng: giảm nguồn vốn không hoàn lại, vốn vay ưu đãi mà mở rộng cho vay tín dụng kém ưu đãi hơn.

KHUYẾN KHÍCH CÔNG TƯ ĐỂ GỌI VỐN ODA

Tuy những chậm trễ trong giải ngân vốn ODA đã hạn chế khá nhiều dòng vốn này đổ vào ngành lâm nghiệp, song với sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, cộng với việc sử dụng vốn ODA hiệu quả có thể sẽ mở thêm nhiều hướng để hút vốn ODA.

 Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2013 được đánh giá là năm thành công trong việc huy động vốn ODA và hỗ trợ quốc tế trong lâm nghiệp. Định hướng huy động và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi và hỗ trợ quốc tế cho ngành lâm nghiệp giai đoạn 2013-2020 đã đươc Bộ trưởng phê duyệt tại Quyết định số 225/QĐ-BNN trong năm 2013 là cơ sở để ngành lâm nghiệp huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ quốc tế và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này. Cụ thể, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ sẽ ưu tiên sử dụng cho các dự án quan trọng sẽ khó có khả năng thu hút các nguồn vốn thương mại hoặc đầu tư tư nhân. Đặc biệt, ODA sẽ được sử dụng như là vốn mồi để thúc đẩy mô hình hợp tác công tư.

Cũng theo ông Ngãi, dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện nhiệm vụ kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2014 là 5.579 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 1.530 tỷ đồng, nguồn thu từ phí chi trả dịch vụ môi trường rừng dự kiến 700 tỷ đồng. Đến thời điểm này, vốn ODA viện trợ không hoàn lại cho ngành lâm nghiệp trong năm 2014 đã huy động được 330 tỷ đồng. Như vậy, nhu cầu vốn tư nhân  và các nguồn khác lên tới 3.019 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư cho trồng, chăm sóc rừng sản xuất.

Sự thay đổi về chính sách sử dụng vốn ODA của Việt Nam đang phát huy hiệu quả. Minh chứng là, từ năm 2011 đến nay, luồng ODA đổ vào lâm nghiệp Việt Nam đang có dấu hiệu tăng trở lại. Theo FSSP, chỉ tính các dự án vay ưu đãi mới đã cam kết là 247 triệu USD

Giao Linh - Gỗ Việt Số 55