HIỆP ĐỊNH VPA/FLEGT VỚI NGHÀNH GỖ VIỆT NAM: Minh bạch thông tin, mở đường phát triển

02/02/2018 03:41
HIỆP ĐỊNH VPA/FLEGT VỚI NGHÀNH GỖ VIỆT NAM: Minh bạch thông tin, mở đường phát triển

Trong năm 2018, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ bắt đầu có hiệu lực, và Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) vừa được Việt Nam và EU ký tắt vào tháng 5-2017 cũng hi vọng sẽ giúp ngành gỗ đạt được nhiều thành tựu hơn trong năm tới. Đó là những cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam, nhưng cũng đem đến nhiều thách thức. Tạp chí Gỗ Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hà - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp về những vấn đề các doanh nghiệp gỗ còn đang băn khoăn. 


Thưa ông, theo Hiệp định VPA/ FLEGT, Việt Nam sẽ phải phân loại doanh nghiệp thành hai: nhóm 1 là tuân thủ và nhóm 2 là không tuân thủ. Ông có thể nói rõ hơn các tiêu chí về phân loại doanh nghiệp này?
Theo Hiệp định VPA/FLEGT, Hệ thống phân loại tổ chức áp dụng đối với tất cả các tổ chức tham gia vào chuỗi cung ứng VNTLAS. Các tổ chức này có thể là các công ty lâm nghiệp, lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các doanh nghiệp, hợp tác xã có tham gia vào bất kỳ giai đoạn nào của chuỗi cung ứng gỗ và có đăng ký kinh doanh. 
Tổ chức được chia thành 02 nhóm rủi ro sau: 
Nhóm 1: Các tổ chức tuân thủ pháp luật (đáp ứng đầy đủ các tiêu chí);
Nhóm 2: Các tổ chức chưa tuân thủ đầy đủ pháp luật (chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và các tổ chức mới thành lập). 
Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện VNTLAS bao gồm nội dung về Hệ thống phân loại tổ chức. Các quy định, tiêu chí, trình tự, thủ tục, tần suất, phương pháp xác minh và trách nhiệm của các bên liên quan sẽ được xây dựng cụ thể trong các hướng dẫn thực thiện VNTLAS. 
Nhiều doanh nghiệp lo ngại việc phân loại doanh nghiệp sẽ phát sinh những tiêu cực. Vậy làm thế nào đảm bảo việc phân loại sẽ công bằng và minh bạch đối với các doanh nghiệp?

Mục đích của phân loại tổ chức/ doanh nghiệp là (a) đánh giá mức độ rủi ro của tất cả các tổ chức thuộc VNTLAS đến việc tuân thủ đầy đủ yêu cầu của định nghĩa gỗ hợp pháp (LD) nhằm có biện pháp xác minh phù hợp một cách hiệu quả và kịp thời và (b) đánh giá việc tuân thủ pháp luật của tổ chức; và (c) giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức. 
Với mục tiêu phân loại để đánh giá mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp, các quy định, tiêu chí, trình tự, thủ tục, tần suất, phương pháp phân loại và trách nhiệm của các bên liên quan sẽ được xây dựng với sự tham vấn rộng rãi và được công khai. Bên cạnh đó sẽ có các cơ chế để kiểm tra, giám sát việc phân loại thông qua cơ chế khiếu nại, đánh giá độc lập nhằm bảo đảm tính công bằng và minh bạch đối với các doanh nghiệp. 
Dự kiến tới năm 2020 sẽ có lô hàng đầu tiên được cấp giấy phép FLEGT. Vậy đối với các doanh nghiệp không xuất khẩu vào thị trường EU và tiêu thụ nội địa họ có phải tham gia vào việc phân loại doanh nghiệp không? Và họ phải làm những thủ tục gì để xuất khẩu và tiêu thụ đồ gỗ nội địa? 
Như đã nêu trên, theo Hiệp định VPA/FLEGT, Hệ thống phân loại tổ chức áp dụng đối với tất cả các tổ chức tham gia vào chuỗi cung ứng VNTLAS, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp không xuất khẩu sang EU và doanh nghiệp thực hiện việc tiêu thụ nội địa.  Khi xuất khẩu thị trường ngoài EU: Gỗ thuộc đối tượng xác minh tại tất cả các giai đoạn của chuỗi cung trước khi xuất khẩu. Tại giai đoạn xuất khẩu, nhà xuất khẩu (Tổ chức/doanh nghiệp) sẽ lập và nộp hồ sơ lâm sản xuất khẩu. Điểm mới theo VPA là việc xác minh sẽ chuyển từ theo nguồn gốc gỗ sang theo Nhóm Tổ chức/loại doanh nghiệp. Việc xác minh hồ sơ lâm sản xuất khẩu sẽ áp dụng đối với tổ chức/doanh nghiệp như sau: 
+ Đối với tổ chức Nhóm 1: không xác minh bổ sung
+ Đối với tổ chức Nhóm 2: Kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế các lô hàng (Kiểm tra thực tế tối thiểu 20% khối lượng của mỗi lô hàng). 
Trình tự lập, xác minh hồ sơ gỗ xuất khẩu đối với tổ chức nhóm 1, như sau:
Bước 1: Thực hiện đo đếm, tính toán khối lượng đối với từng chủng loại gỗ để lập bảng kê lâm sản và thực hiện tự xác nhận vào bảng kê lâm sản;
Bước 2: Tổ chức xuất hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính phù hợp với bảng kê lâm sản;
Bước 3: Lập hồ sơ lâm sản xuất khẩu, thành phần hồ sơ gồm Hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính và Bảng kê lâm sản đã được thực hiện ở Bước 1 và 2, và Một hoặc các tài liệu bổ sung khác theo các giai đoạn cụ thể của chuỗi cung ứng gỗ của các nguồn gốc gỗ khác nhau (VD như Biên bản đóng búa kiểm lâm) để cung cấp bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ cho chuyến hàng như được quy định trong Phụ đính 2 của Phụ lục V. 
Xuất khẩu sang thị trường ngoài EU: Tổ chức nộp hồ sơ lâm sản xuất khẩu và hồ sơ Hải quan như mô tả tại Nguyên tắc VI Phụ lục II của Tổ chức cho Cơ quan Hải quan cửa khẩu để thực hiện xuất khẩu gỗ.
Trình tự lập, xác minh hồ sơ gỗ xuất khẩu đối với tổ chức nhóm 2, gồm:​
Bước 1: Thực hiện đo đếm, tính toán khối lượng đối với từng chủng loại gỗ để lập bảng kê lâm sản;
Bước 2: Tổ chức xuất hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính phù hợp với bảng kê lâm sản;
Bước 3: Lập hồ sơ lâm sản xuất khẩu, thành phần hồ sơ gồm Hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính và Bảng kê lâm sản đã được thực hiện ở Bước 1 và 2, và Một hoặc các tài liệu bổ sung khác theo các giai đoạn cụ thể của chuỗi cung ứng gỗ của các nguồn gốc gỗ khác nhau (VD như Biên bản đóng búa kiểm lâm) để cung cấp bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ cho chuyến hàng như được quy định trong Phụ đính 2 của Phụ lục V. 
Bước 4: Nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ lâm sản xuất khẩu (bản chính) đề nghị xác nhận lâm sản tại cơ quan Kiểm lâm sở tại.
Bước 5: Sau khi nhận được hồ sơ lâm sản, Cơ quan Kiểm lâm sở tại tiến hành các bước xác minh sau: 
Cơ quan kiểm lâm sở tại xác minh trong cơ sở dữ liệu phân loại doanh nghiệp về tính chính xác Nhóm rủi ro do nhà xuất khẩu kê khai trong hồ sơ lâm sản xuất khẩu (Nhóm 2);
a) Cơ quan kiểm lâm sở tại kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ lâm sản xuất khẩu.
b) Cơ quan kiểm lâm sở tại kiểm tra tính tuân thủ và xác thực của tài liệu.
c) Cơ quan kiểm lâm sở tại sẽ kiểm tra hồ sơ vi phạm trong các cơ sở dữ liệu vi phạm. Trong trường hợp tổ chức có vi phạm liên quan đến Định nghĩa hợp pháp/Phụ lục II, cơ quan kiểm lâm sở tại sẽ từ chối xác nhận bảng kê lâm sản xuất khẩu cho đến khi chấp hành xong quyết định xử phạt. 
d) Trong trường hợp không vi phạm, kiểm tra thực tế sẽ được thực hiện tối thiểu 20% khối lượng của lô hàng. Cơ quan kiểm lâm sở tại sẽ xác nhận bảng kê ngay nếu kiểm tra thực tế không phát hiện vi phạm. Trường hợp cần thiết sẽ tiến hành xác minh liên quan đến nguồn gỗ trước khi xác nhận, Cơ quan kiểm lâm sở tại sẽ thông báo ngay cho tổ chức về việc xác minh những nghi ngờ liên quan tới hồ sơ gỗ, nguồn gốc gỗ, số lượng, khối lượng và/ hoặc chủng loại gỗ.
e) Nếu phát hiện bất cứ vi phạm khi kiểm tra thực tế cơ quan kiểm lâm sở tại từ chối xác nhận bảng kê lâm sản xuất khẩu và cơ quan kiểm lâm sở tại sẽ có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật. 
Bước 6: Sau khi xác nhận bảng kê lâm sản, hồ sơ lân sản xuất khẩu sẽ được gửi lại nhà xuất khẩu và các tổ chức thực hiện thủ tục xuất khẩu. 
Xuất khẩu sang thị trường ngoài EU: Tổ chức nộp hồ sơ lâm sản xuất khẩu và hồ sơ Hải quan cho Cơ quan Hải quan cửa khẩu để thực hiện xuất khẩu gỗ. 
- Tổ chức/doanh nghiệp tiêu thụ nội địa: Gỗ thuộc đối tượng xác minh tại tất cả các giai đoạn của chuỗi cung trước khi xuất khẩu, như vậy khi tiêu dùng nội địa thì các doanh nghiệp này sẽ không phải thực hiện việc lập, xác minh hồ sơ xuất khẩu. Như đã nêu trên, việc phân loại cũng nhằm mục đích khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và làm ăn chân chính nếu thuộc Nhóm 1 thì doanh nghiệp sẽ có uy tín, đảm bảo sự tuân thủ sẽ có nhiều cơ hội phát triển, mở rộng thị trường và khách hàng. 
Đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm 2, khi  xác minh xuất khẩu, cơ quan Kiểm lâm sở tại sẽ tiến hành kiểm tra thực tế với tỷ lệ tối thiểu 20% khối lượng của lô hàng và xác nhận Bảng kê lâm sản nếu không phát hiện vi phạm. Vậy việc kiểm tra lô hàng này được tiến hành khi nào? Trước hay sau khi lô hàng đã được đóng container thưa ông? 
Đối với Doanh nghiệp thuộc Nhóm 2, việc xác minh xuất khẩu sẽ được Cơ quan Kiểm lâm sở tại thực hiện theo Bước 5 của câu hỏi số 3 nêu trên, trình tự, thời gian, thủ tục xác minh sẽ được quy định, hướng dẫn chi tiết trên nguyên tắc sẽ tham vấn rộng rãi, vì lợi ích doanh nghiệp như giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian. 
Trong danh mục hàng hóa đưa vào đàm phán, mặt hàng ghế ngồi với mã HS 9401 không đưa vào đàm phán, trong khi đó mặt hàng này chiếm trên 27% tổng giá trị xuất khẩu vào EU (năm 2016), vậy các doanh nghiệp vừa xuất khẩu mặt hàng có trong danh mục và mặt hàng ngoài danh mục đàm phán sẽ làm như thế nào khi VPA/FLEGT có hiệu lực?
Trong quá trình đàm phán VPA với EU, Tổng cục Lâm nghiệp đã tham vấn các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời xem xét thực trạng xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang EU theo mã HS để lựa chọn các mã HS đưa vào Phụ lục I, đối tượng phải cấp phép. 
Theo quy định Hiệp định VPA khi đi vào vận hành thì chỉ gỗ và các sản phẩm gỗ như được mô tả trong Phụ lục I (sau đây gọi tắt là gỗ) khi xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu (sau đây gọi chung là EU) thuộc đối tượng cấp phép FLEGT. Như vậy, khi cơ chế cấp phép FLEGT vận hành thì gỗ (Các mã HS thuộc Phụ lục I) và gỗ (các mã HS không thuộc Phụ lục I) khi xuât khẩu sang EU sẽ được phân biệt và có quy trình, thủ tục khác nhau. Khi đó gỗ không thuộc các mã HS trong phụ lục I có thể sẽ thực hiện trách nhiệm giải trình theo Qui chế Gỗ 995 của EU.
Danh mục HS thuộc Phụ lục I sẽ không phải là cố định, do vậy, trong quá trình thực hiện Việt Nam và EU thông qua Ủy Ban thực thi Chung (JIC) sẽ cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp. 
Trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang EU từ 800- 900 triệu USD, với hàng trăm nghìn lô hàng mỗi năm. Cơ quan CITES Việt Nam được giao cấp phép FELGT, liệu cơ quan này có đảm bảo yêu cầu của doanh nghiệp không? Và có xảy ra tình trạng ách tắc trong quá trình cấp phép? Các biện pháp khắc phục tình trạng này như thế nào? ​
EU hiện là thị trường xuất khẩu gỗ đứng thứ tư của Việt Nam, việc đàm phán VPA/FLEGT không chỉ nhằm mục đích duy trì thị trường này mà có ý nghĩa quan trọng với các thị trường khác. Trong quá trình đàm phán, Tổng cục Lâm nghiệp đã có nghiên cứu, khảo sát và biết về hiện trạng số lượng rất lớn các lô hàng gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU trong những năm qua cùng áp lực về mùa vụ xuất khẩu để xem xét tính hiệu quả và khả thi trong việc tham mưu phương án cấp phép FLEGT khi đi vào thực thi. 
Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ định là Cơ quan cấp phép FLEGT. 
Nhằm đảm bảo lợi ích, tạo điều kiện trên nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục hành chính, chi phí và thời gian cho doanh nghiệp xuất khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ chỉ được thực thi khi sẵn sàng và đáp ứng yêu cầu, không gây ra tình trạng ách tắc. 
Quy trình, thủ tục cấp phép sẽ được xây dựng trên cơ sở tham vấn sâu rộng, đặc biệt là các Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu. Sau khi ban hành sẽ tiến hành tuyên truyền, phổ biến và nâng cao năng lực đảm bảo cơ quan cấp phép và nhà xuất khẩu thực hiện hiệu quả. Cơ chế cấp phép FELGT sẽ được áp dụng phương thức cấp phép điện tử, thủ tục đăng ký và cấp phép sẽ được ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo nhanh, minh bạch và hiệu quả. 
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! ​
GỖ VIỆT số 97
CẨM LÊ