Liệu pháp giảm sốc
Từ quý 1 năm 2023 đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, xuất khẩu gỗ và lâm sản chỉ đạt 3,1 tỉ USD, giảm 28,3%. Những thống kê nói trên, một lần nữa, cho thấy thực trạng khó khăn của ngành gỗ trong những năm trở lại đây.
Xoay xở trong khó khăn
"Các đối tác chưa có kế hoạch mua hàng bởi chính họ cũng chưa thể dự đoán được tình hình trong thời gian tới", ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh khái quát tình hình ngành gỗ một cách ngắn gọn. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đối mặt với tình trạng tương tự khi sức mua thị trường giảm mạnh do lạm phát tăng cao, với nhiều người, đây là thời điểm bị đát vì đơn hàng ở các thị trường lớn của doanh nghiệp như Mỹ, EU hay Hàn Quốc đều giảm tới hơn 20% trong những tháng vừa qua, trong đó, thị trường EU giảm tới 42,8% theo số liệu của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam. Nguyên nhân là lãi suất cao thì nhu cầu sẽ tiếp tục giảm khi người dân và doanh nghiệp đều hạn chế mua nhà, xây dựng công trình, hay đơn giản là các hoạt động sửa chữa. Theo các doanh nghiệp khác, cho đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp vẫn nhận được tín hiệu tốt từ thị trường và khách hàng nhưng sau lễ Giáng sinh năm ngoái thì tất cả đều thay đổi kế hoạch. Tuy không hủy đơn hàng nhưng đa số đều tạm dừng lại. Và tình hình này có thể kéo dài đến hết quý 3 năm nay. "Tình hình sẽ chỉ khả quan hơn trong giai đoạn đầu năm 2024, nếu như lạm phát được kiềm chế, cuộc xung đột Nga-Ukraine chấm dứt và sức mua ổn định trở lại", một chuyên gia trong ngành nhận định.
Trong thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp đều phải tự xoay xở để vượt qua khó khăn, đó là những giải pháp tự thân, được thúc đẩy bởi nhu cầu sống còn của doanh nghiệp và chưa có được những giải pháp tổng thể về chính sách và sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ cho biết, đã phải liên tục đàm phán với khách hàng cũ và tìm kiếm khách hàng mới tại Mỹ và Nhật Bản, không chỉ vậy, còn thực hiện chính sách giảm 10-15% lợi nhuận để tạo ra khung giá tốt hơn và thuyết phục khách hàng ra đơn ở thời điểm hiện tại. Nhưng ngay cả như vậy thì cũng không thể tạo ra sự thay đổi vì việc giảm giá để lôi kéo khách hàng không phải là giải pháp lý tưởng vì giá thành sản phẩm phụ thuộc vào nguyên, vật liệu đầu vào, nên khi giá thành nguyên, vật liệu có nhiều biến động thì càng khuyến mại ưu đãi, doanh nghiệp càng thua lỗ và khó khăn hơn. Trong khi để phát triển sản phẩm cần khoảng thời gian đến 6 tháng và một năm sau để tạo sự tin cậy với các đối tác mới, và điều đó ảnh hưởng đến việc mở rộng, tìm kiếm thị trường và thị phần mới. Đối với một số doanh nghiệp thì mở rộng dòng hàng nhanh nhất có thể bằng cách tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm, phát triển lại các dòng hàng có thị trường nhỏ hơn ở châu Á và Trung Đông.
Giải pháp lâu dài
Tất cả đều hi vọng, khi thị trường đã xuống điểm rơi thì sẽ tăng trưởng trở lại, dù chưa sôi động. Nhưng theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, đối với khó khăn như hiện nay, ngành gỗ cần những giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, những giải pháp ngắn hạn để giải quyết khó khăn trước mắt là duy trì sự ổn định và sự sống cho các doanh nghiệp, tập trung vào vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng. Hiện tại, theo khảo sát, hàng trăm doanh nghiệp đang bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng, có doanh nghiệp bị chậm hàng trăm tỉ đồng, đặc biệt các doanh nghiệp sử dụng gỗ nguyên liệu rừng trồng bao gồm doanh nghiệp sản xuất mặt hàng viên nén, ván bóc, dăm gỗ. Đây là những mặt vẫn tăng trưởng tốt trong quý 1 (viên nén tăng 8,6%; dăm gỗ tăng 9,3%) và có đơn hàng dài hạn trong năm. Điều này làm cho các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Để giải quyết tình trạng chậm trễ trong việc hoàn thuế như hiện nay, giúp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo Bộ Tài Chính, Tổng cục thuế và các Cục thuế địa phương thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh chóng, kịp thời. Thúc đẩy tiêu dùng nội địa là một trong những ưu tiên hàng đầu để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng đồ gỗ tại thị trường nội địa, có chính sách mua sắm công với đồ gỗ, trong đó ưu tiên và khuyến khích sử dụng đồ sử dụng gỗ rừng trồng trong nước trong các gói mua sắm sử dụng ngân sách, không sử dụng các sản phẩm đồ gỗ nhập khẩu làm từ gỗ rừng tự nhiên và các sản phẩm đồ gỗ sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ rừng tự nhiên.
Và thúc đẩy các sản phẩm trung gian của ngành gỗ như các loại ván, nguyên liệu giấy, viên nén.. để duy trì và mở rộng kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh đồ gỗ đang rơi vào suy thoái. Và để tăng cường các sản phẩm trung gian cần giảm thuế suất 5% với viên nén đen về 0%. "Để tìm thị trường, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh với giá sản phẩm tốt, sản phẩm phù hợp thị hiếu, đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt", ông Đỗ Xuân Lập nói về giải pháp trung hạn, "Nhưng để làm được điều này, các doanh nghiệp phải tái cấu trúc về công nghệ, hệ thống quản trị, sử dụng gỗ rừng trồng trong nước". Trong đó, đề cập đến các chính sách bảo hiểm, giãn nợ, không tính lãi bảo hiểm xã hội trong thời gian 6 tháng từ đầu năm 2023 và có các qui định phòng cháy chữa cháy phù hợp. Và với các giải pháp dài hạn, ông Lập đề nghị các bộ như Nông nghiệp, Công thương, bộ kế hoạch đầu tư có những chính sách lớn về đất đai, kĩ thuật, nguồn giống, tranh chấp thương mại quốc tế, kiểm soát nguyên liệu đầu vào chặt chẽ, các chính sách về xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp, các dự án đầu tư vào ngành gỗ... Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; tập trung, phát triển các dịch vụ logistic, khu ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp gắn với phát triển ngành chế biến gỗ, lâm sản. Trước mắt ủng hộ dự án của ngành gỗ mà hiện tại tỉnh Đồng Nai đã dành quỹ đất để ngành Gỗ phát triển khu Lâm nghiệp công nghệ cao trở thành hiện thực.
Gỗ Việt (Xuân Lâm – Gỗ Việt Số 154)
- Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản
- 2 kiến nghị được doanh nghiệp ngành gỗ gửi lên Thủ tướng
- Quý I/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh
- 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 2 con số
- Nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm mạnh trong hai tháng đầu năm 2023
- Cơ hội nào để ngành gỗ nội thất vượt khó
- Nhìn lại 2022: Chắt chiu những lợi thế
- Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 16,928 tỷ USD
- Xuất khẩu gỗ dăm và viên nén tăng, ngành gỗ kỳ vọng mang về 16,5 tỉ USD
- Gỗ ghép thanh tắc đầu ra
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu