Gỗ ghép thanh tắc đầu ra
Gỗ ghép thanh, được xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và cũng là đầu vào cho sản xuất chế biến các sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất để xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,... Lạm phát, suy thoái kinh tế, khiến các thị trường này không “ăn hàng” đồng nghĩa với gỗ ghép thanh tắc đầu ra.
Doanh nghiệp cắt giảm hơn 50 - 80% lao động
Im lìm, không hoạt động là tình trạng chung của những nhà xưởng chế biến gỗ nguyên liệu tại nhiều địa phương trên cả nước. Là doanh nghiệp đi sản xuất mặt gỗ ghép thanh tại khu vực miền Trung, Công ty TNHH thương mại sản xuất và dịch vụ Tân Thành Phú (địa chỉ tại Cụm Công nghiệp Bình Nguyên, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện đang trong tình trạng “ngủ đông”.
Bà Lưu Phụng Linh Tiên – Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất và dịch vụ Tân Thành Phú (địa chỉ tại Cụm Công nghiệp Bình Nguyên, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) – chia sẻ, thông thường, thời điểm này sẽ là cao điểm của ngành chế biến gỗ xuất khẩu, đồng nghĩa với việc thị trường gỗ ghép thanh rất nhộn nhịp. Tuy nhiên, năm nay hoàn toàn trái ngược. Hiện đơn vị đang còn tồn 800 m3 gỗ ghép thanh. Không có khách mua hàng, không có đơn hàng mới, doanh nghiệp giờ cũng chỉ biết cách chờ và hi vọng thị trường khởi sắc trở lại.
Theo đại diện doanh nghiệp này, hiện đơn vị đã cắt giảm 80% lao động và chỉ còn duy trì 1 nhóm lao động rất nhỏ. Dù rất tiếc nhưng chúng tôi đành phải buông. Xưởng xẻ đã dừng hoạt động từ tháng 10 vừa qua, xưởng ghép thanh dừng hoạt động từ tháng 9. Thời điểm này chỉ còn một ít thợ xẻ gỗ to do máy hộp không xẻ được. Và những loại gỗ này bắt buộc phải xẻ, nếu để sẽ bị hư gỗ.
“Những người lao động mất việc làm sẽ đi tìm công việc mới, đến khi doanh nghiệp có đơn hàng, thị trường khởi sắc trở lại thì việc tuyển dụng lao động rất khó và phải mất công đào tạo”, bà Lưu Phụng Linh Tiên.
Gỗ ghép thanh chất đầy kho cũng được ghi nhận tại Công ty TNHH Mộc Quyết Thắng (khu phố 8 – phường Long Bình, thành phố Biên Hòa). Bà Nguyễn Hoàng Lý – Giám đốc Công ty Mộc Quyết Thắng – dẫn chứng, tại phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có một làng nghề cưa xẻ cực lớn nhằm phục vụ nhu cầu cho hầu như cả miền Nam về phôi nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu. Nhưng đến nay, rất nhiều người trong làng nghề này đã phải trả xưởng, ngưng sản xuất.
Cũng theo bà Nguyễn Hoàng Lý, sự ảm đạm thị trường gỗ ghép thanh đã diễn ra gần 1 năm nay. Tuy nhiên, thông tin thị trường thường theo chậm hơn diễn biến thực tế của doanh nghiệp. Đây cũng là năm đầu tiên trong vòng 10 năm, mảng thị trường gỗ ghép thanh gặp phải tình trạng này.
“Thị trường gỗ ghép thanh ổn định trong vòng 10 năm trở lại đây. Đáng chú ý, thời điểm dịch Covid-19, thị trường gỗ ghép thanh phát triển rất tốt, có thời điểm sản xuất không kịp để bán và không có tình trạng tồn nguyên liệu trong kho”,bà Nguyễn Hoàng Lý chia sẻ.
Gỗ ghép thanh tồn tại Công ty Hải Oanh
Những chồng gỗ ghép thanh nối nhau san sát từ ngoài đường vào trong nhà xưởng tại Công ty TNHH sản xuất, xuất nhập khẩu Lâm sản Hải Oanh ở thôn Yên Thái, xã Tế Lợi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Ông Đỗ Văn Hải - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, xuất nhập khẩu Lâm sản Hải Oanh - cho biết, gia nhập thị trường ván ghép thanh vào năm 2018 – khi thị trường đang có nhu cầu lớn. Thời điểm đó, thị trường đắt khách nhưng chúng tôi vẫn còn “bỡ ngỡ”. Bước sang năm 2020, 2021 thì vẫn còn túc tắc đơn hàng. Tuy nhiên, bắt đầu sang năm 2022, khi đã quen với thị trường thì đơn hàng gần như dừng hẳn. Bắt đầu từ quý I/2022 là chúng tôi không bán được nữa.
Hiện tại chúng tôi đang tồn khoảng 1.400 m3 gỗ ván ghép thanh tương đương với đọng vốn khoảng 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang phải sức ép rất lớn. Hàng hóa không bán được, vẫn phải trả lãi vay và nhiều khoản chi phí khác. Công ty cũng đã phải cắt giảm lao động 80% từ thời điểm hết quý I/2022.
Trước đây, giá bán gỗ ghép thanh 12 triệu đồng/m3 (năm 2021), nhưng nay chúng tôi chào thị trường với giá 8 – 9 triệu đồng/m3, đây là dưới giá thành để thu hồi vốn nhưng chúng tôi cũng không bán được. Ở đây không phải do về giá mà do vấn đề không có thị trường đầu ra.
Doanh nghiệp “ngủ đông” đợi thị trường phục hồi trở lại
Theo các doanh nghiệp, gỗ ghép thanh là nguyên liệu đầu vào để sản xuất đồ gỗ nội thất, ngoại thất xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU. Lạm phát cao, kinh tế suy thoái tại các quốc gia này khiến phần đông người dân ưu tiên vào tiêu dùng lương thực, thực phẩm và có xu hướng giảm chi tiêu vào những mặt hàng xa xỉ.
Đồ gỗ được coi là mặt hàng không thiết yếu, nên sản phẩm này hiện rất khó tiêu thụ. Do không xuất khẩu sản phẩm được nữa, nên các nhà máy chế biến đồ gỗ ngừng mua gỗ nguyên liệu.
Hiện, một số doanh nghiệp ngưng hẳn sản xuất vì càng làm càng lỗ. Một số doanh nghiệp chỉ duy trì sản xuất từ 20 – 50%, cố gắng cầm cự từ những đơn hàng sản xuất, xuất khẩu nhỏ nhằm duy trì và giữ chân công nhân.
Thậm chí, có những đơn hàng đã ký nhưng khách hàng cũng giãn, hoãn giao hàng. Nguồn vốn quay vòng cực kỳ khó khăn. Trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Do đó, doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn kép cả về tài chính, đơn hàng và thị trường.
Trong bối cảnh thị trường gỗ ghép thanh ảm đạm thì thị trường dăm gỗ được đánh giá là bức tranh sáng trong ngành gỗ hiện nay. Bài toán được đặt ra đối với các doanh nghiệp là có nên chuyển hướng sang làm dăm gỗ?
Nhiều năm thâm niên trong ngành gỗ nguyên liệu, bà Nguyễn Hoàng Lý cũng rất băn khoăn và cho rằng định hướng đi này cũng không dễ, bởi theo bà nếu chuyển sang dăm gỗ liệu có kịp hay không khi mà dự báo ngành dăm chỉ “hot” trong vòng 1-2 năm nữa.
Nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức “ngủ đông” và kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU,… và tình hình xuất khẩu đồ gỗ nội thất khởi sắc trở lại, khi đó, gỗ ghép thanh sẽ bớt khó. Tuy nhiên, có chờ được đến lúc đó hay không lại tùy thuộc vào nội lực của mỗi doanh nghiệp.
Theo ông Đỗ Văn Hải nhận định, nếu thị trường gỗ nguyên liệu “ấm” lên, thì phải mất 6 - 8 tháng sau mới giải quyết hết hàng tồn, khi đó hoạt động sản xuất mới khôi phục được về trạng thái bình thường như trước đây.
Nhưng nếu tình trạng ngành sản xuất đồ gỗ “đóng băng” kéo dài, nguy cơ công ty không cầm cự được. Hiện tại ở Thanh Hóa đã có một số nhà máy chuyên sản xuất gỗ ghép thanh đang lâm vào tình thế phá sản phải rao bán nhà máy.
Đứng ở góc độ tích cực hơn, đó là doanh nghiệp chờ được đến khi thị trường khởi sắc, tuy nhiên, khi đó, doanh nghiệp lại đối diện với bài toán nguyên liệu đầu vào. Bởi lẽ, hiện nay, trong khi mặt hàng gỗ ghép thanh tụt giảm thê thảm thì dăm gỗ đang “hút hàng”. Nếu tình hình dăm gỗ tiếp tiếp tục tăng giá và chiếm lĩnh nguyên liệu của phôi xuất khẩu thì viễn cảnh sắp tới mà doanh nghiệp gặp phải sẽ là không có phôi nguồn nguyên liệu để sản xuất.
Sản xuất ván ghép thanh cho lợi nhuận cao gấp đôi so với làm dăm gỗ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có đầu ra cho sản phẩm chế biến sâu hay không. Câu chuyện thị trường là bài toán không dễ đối với các doanh nghiệp lúc này khi đang phải chịu những tác động không nhỏ từ biến động kinh tế từ thị trường thế giới.
Gỗ Việt
- Xuất khẩu viên nén gỗ Việt Nam có thể đạt hơn 1 tỷ USD vào năm 2023
- Doanh nghiệp gỗ gặp khó vì thị trường suy giảm
- 9 tháng đầu 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 12,4 tỷ USD
- Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời bàn, ghế từ Trung Quốc
- Góp ý cho Dự thảo Thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản
- Hoa Kỳ gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại
- Nửa đầu năm 2022, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Malaysia tăng 13,8%
- Tháng 8/2022: Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,35 tỷ USD
- THÔNG CÁO BÁO CHÍ: Về vụ việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều tra Gỗ dán và Tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam
- Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu