Hàng Việt bứt phá trên Amazon: Tăng trưởng hơn 300% trong 5 năm
Các doanh nghiệp Việt Nam đang ghi dấu ấn trên Amazon với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, số lượng sản phẩm bán ra tăng hơn 300% trong 5 năm. Mỗi năm, hàng triệu sản phẩm Việt được xuất khẩu và phân phối tới khách hàng toàn cầu.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Bứt phá Xuất khẩu: Thương hiệu Việt cất cánh toàn cầu”, đồng tổ chức bởi Cục Xúc tiến Thương mại (Vietrade) - Bộ Công Thương và Amazon Global Selling Việt Nam đã diễn ra ngày 23/7, tại Hà Nội.
Amazon trở thành kênh phân phối chiến lược
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Larry Hu, Tổng Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á cho hay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn và là động lực tăng trưởng của Amazon, với gần 2 triệu nhà bán hàng trên toàn cầu, chiếm 60% tổng doanh số bán hàng. Trong 25 năm qua, các doanh nghiệp này đã tạo ra doanh thu lên đến 2,5 nghìn tỷ USD.
Để kinh doanh thành công trên thương mại điện tử nói chung và Amazon nói riêng, theo ông Larry Hu, các nhà bán hành Việt cần tạo ra các sản phẩm mới, độc đáo, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu quốc tế; hiểu biết về khách hàng và thị trường, bằng cách sử dụng các công cụ phân tích của Amazon để nắm bắt xu hướng khách hàng và thị trường, từ đó định hướng đổi mới sản phẩm; quản lý mạng lưới logistics toàn cầu hiệu quả; xây dựng thương hiệu toàn cầu, kể câu chuyện độc đáo của thương hiệu đến khách hàng quốc tế; xác định đúng thị trường và đảm bảo tuân thủ quy định; tận dụng sức mạnh của AI để tạo danh mục sản phẩm, thiết kế nội dung hấp dẫn và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ hơn; duy trì tinh thần học hỏi và đổi mới dựa trên hiệu suất thực tế.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, cho biết việc chủ động đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số không còn là lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng và phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Lam Sơn – nhà sản xuất, sáng lập thương hiệu Green Mekong, thành viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) – cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực khi tham gia thương mại điện tử, đặc biệt là trên nền tảng Amazon.
Theo ông Sơn, ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện được đánh giá cao nhờ khả năng nội địa hóa mạnh. Nhiều sản phẩm xuất khẩu đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 80%, là lợi thế quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Trong đó, HAWA và VIFOREST đã xây dựng lộ trình phát triển sản phẩm từ gỗ rừng trồng trong nước, đặc biệt là gỗ keo – hiện nay đã được thị trường quốc tế chấp nhận rộng rãi.
Tuy nhiên, ngành vẫn đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí logistics – yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất và khả năng cạnh tranh. Các doanh nghiệp trong ngành đã chủ động kết nối, chia sẻ và hợp tác nhằm tìm ra giải pháp tối ưu cho bài toán chi phí này.
Chia sẻ về định hướng phát triển, ông Sơn cho biết Green Mekong đã chuyển đổi dần từ mô hình B2B sang B2C, tận dụng nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng toàn cầu. Khởi nghiệp trong ngành từ năm 1998, đến nay doanh nghiệp đã khẳng định được vị thế nhờ kiên định sử dụng nguồn nguyên liệu là gỗ rừng trồng trong nước, góp phần gia tăng giá trị cho người trồng rừng và phát triển bền vững.
Với định hướng đó, Green Mekong đã xây dựng câu chuyện thương hiệu gắn liền với nguồn gốc nguyên liệu và triết lý "từ cỏ cây đến tay người tiêu dùng". Amazon trở thành kênh phân phối chiến lược, giúp doanh nghiệp rút ngắn chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường và tạo dấu ấn nhất định trên thị trường quốc tế.
Trợ lực cho doanh nghiệp trên kênh thương mại điện tử
Trong khuôn khổ Hội nghị, đã diễn ra lễ công bố thiết lập quan hệ đối tác 3 năm cùng triển khai chương trình "Thương Hiệu Việt tăng trưởng toàn cầu" (V-Brands Go Global with Amazon). Hợp tác quan trọng này hướng tới mục tiêu chung trong việc tạo bệ phóng thành công cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thương mại điện tử toàn cầu.
Chương trình kéo dài từ 2025 - 2027, đặt ra hai mục tiêu: Cung cấp chương trình đào tạo toàn diện và chứng nhận xuất khẩu trực tuyến cho 1.000 doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời hỗ trợ 30 thương hiệu quốc gia tăng cường hiện diện quốc tế thông qua thương mại điện tử với Amazon.
Theo ông Vũ Bá Phú, Chương trình “V-Brands Go Global with Amazon” được công bố và khởi động tại Hội nghị là một sáng kiến mang tính chiến lược và thực tiễn, đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và Amazon Global Selling Việt Nam giai đoạn 2025 - 2027”.
“Thông qua hợp tác với Cục Xúc tiến Thương mại (Vietrade), chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tại các khu vực kinh tế đang phát triển đổi mới sản phẩm, chuyển đổi số hoạt động và vươn ra toàn cầu. Amazon nỗ lực cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam những công cụ và chuyên môn cần thiết để thành công với thương mại điện tử toàn cầu”,ông Larry Hu nói.
Hiện có hơn 60% số lượng sản phẩm bán trên Amazon đến từ các đối tác bán hàng bên thứ ba, trong đó có hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được tăng trưởng ấn tượng, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Mỗi năm, các doanh nghiệp này xuất khẩu và bán hàng triệu sản phẩm tới khách hàng Amazon trên toàn thế giới, cho thấy những bước tiến vững chắc trên thị trường quốc tế.
Trọng tâm chiến lược của Amazon Global Selling Việt Nam trong năm 2025 sẽ tập trung vào 4 ưu tiên: Thúc đẩy các nhà sản xuất Việt Nam nắm bắt cơ hội với xuất khẩu trực tuyến, phát triển hệ sinh thái của ngành, nâng cao năng lực logistics, và hỗ trợ đối tác bán hàng thành công thông qua các chương trình đào tạo.
Gỗ Việt
- Mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD trong năm 2025 của ngành gỗ Việt đang bị đe dọa
- Hơn 1.200 gian hàng Hội chợ quốc tế hàng phong cách ngoài trời 2025
- Doanh nghiệp gỗ Bình Định đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD trong năm mới
- Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
- Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
- Đại hội Chi hội gỗ dán Việt Nam nhiệm kỳ III, giai đoạn 2024 – 2027
- Thị trường các bon - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng
- Thiệt hại nặng nề từ bão số 3, doanh nghiệp ngành dăm đề nghị sớm được hỗ trợ
- Chuỗi sản xuất – xuất khẩu ngành gỗ bị ‘lung lay’ bởi bão số 3
- Thúc đẩy triển khai các hành động thích ứng với EUDR
-
Sáp nhập tỉnh thành mở ra cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam
-
Hàng Việt bứt phá trên Amazon: Tăng trưởng hơn 300% trong 5 năm
-
Kịch bản duy trì đà tăng trưởng cho mặt hàng gỗ
-
Mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD trong năm 2025 của ngành gỗ Việt đang bị đe dọa
-
MIFF 2026 hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm đẳng cấp