Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
Trước những vướng mắc của một số doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu gỗ về hồ sơ nguồn gốc gỗ khi xuất khẩu; về phân loại doanh nghiệp và tuân thủ hồ sơ nguồn gốc gỗ rừng trồng, Cục Kiểm Lâm cũng đã có công văn trả lời về vấn đề này.
Ngày 28/10, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có công văn số 1314/KL-ĐT phúc đáp Văn bản số 56/HHG-VP ngày 23/10/2024 của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam về kiến nghị các khó khăn, vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu.
Công văn số 56/HHG-VP ngày 23/10/2024 của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Cục Kiểm Lâm ba nội dung sau : Một là đề xuất Cục Kiểm lâm có hướng dẫn cụ thể cho cơ quan Hải quan địa phương, hải quan cửa khẩu và doanh nghiệp thống nhất thực hiện hồ sơ gỗ xuất khẩu theo đúng quy định tại Nghị định 102 và Nghị định 120; Hai là tổ chức các khóa tập huấn phổ biến các quy định cho DN khi thực hiện phân loại doanh nghiệp; Ba là hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong trường hợp bảng kê lâm sản đầu vào đã có xác nhận của hạt kiểm lâm địa bàn thì có cần phải xin xác nhận hồ sơ nguồn gốc xuất khẩu nữa không?
Trước các kiến nghị trên, Cục Kiểm lâm đã có văn bản phúc đáp số 1314/KL-ĐT, cụ thể, Cục Kiểm lâm có ý kiến như sau.
Thứ nhất, về hồ sơ xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ, tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP), quy định:“2. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với Ủy ban thực thi chung thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định này, Thủ tướng Chính phủ quyết định thời điểm thực hiện đối với quản lý gỗ xuất khẩu quy định tại Mục 2 Chương II, cấp giấy phép FLEGT quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định này”.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa quyết định thời điểm thực hiện đối với quản lý gỗ xuất khẩu quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định số 102/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP). Vì vậy, hồ sơ gỗ xuất khẩu hiện nay thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT).
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT) thì gỗ loài thực vật thông thường có nguồn gốc từ rừng trồng trong nước không thuộc đối tượng phải xác nhận Bảng kê lâm sản, cơ quan Kiểm lâm sở tại chỉ xác nhận khi có đề nghị của chủ lâm sản.
Thứ hai, về phân loại doanh nghiệp, quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất gỗ (sau đây viết tắt là Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT), có hiệu lực từ ngày 01/5/2022.
Hiện nay toàn quốc đã có 16 tỉnh thực hiện phân loại với 194 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được phân loại doanh nghiệp Nhóm I, thông tin doanh nghiệp Nhóm I được Cục Kiểm lâm tổng hợp và đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử: www.kiemlam.org.vn.
Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2024/NĐ-CP ngày 30/9/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP (sau đây viết tắt là Nghị định số 120/2024/NĐ-CP), quy định:“2. Quy định phân loại doanh nghiệp đối với đối tượng ngoài doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ tại Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành”.
Theo đó, các đối tượng doanh nghiệp mở rộng tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 16/3/2026. Hiện nay, Cục Kiểm lâm đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT để hướng dẫn phân loại doanh nghiệp phù hợp với các đối tượng theo quy định tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP.
Thứ ba, về tuân thủ hồ sơ nguồn gốc gỗ rừng trồng trong nước khi xuất khẩu, tại khoản 2 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), quy định:“2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.
Theo đó, khi quy định về quản lý gỗ xuất khẩu quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định số 102/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành thì việc xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP).
Trước đó, ngày 22/10, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận được văn bản kiến nghị của một số doanh nghiệp và Tiểu chi Hội Dăm gỗ Quảng Ninh (thuộc Chi hội Dăm gỗ Việt Nam) phản ánh về khó khăn và vướng mắc trong việc xác minh nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ về Quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp tại Việt Nam (Nghị định 102), Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 về Quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu (Thông tư 21) và Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 về Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản (Thông tư 26) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông liên quan đến Nghị định 120/2024/NĐ-CP ngày 30/9/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102 khi làm thủ tục Hải quan để xuất khẩu các lô hàng.
Các khó khăn mà doanh nghiệp vướng phải liên quan đến hồ sơ nguồn gốc gỗ khi xuất khẩu; về phân loại doanh nghiệp theo Thông tư 21 khi Nghị định số 120 có hiệu lực ; về tuân thủ hồ sơ nguồn gốc gỗ rừng trồng trong nước giữa quy định tại Thông tư 26 và Nghị định 102 (Nghị định 120 sửa đổi). Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kính mong và đề nghị Cục Kiểm lâm quan tâm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Gỗ Việt
- Đại hội Chi hội gỗ dán Việt Nam nhiệm kỳ III, giai đoạn 2024 – 2027
- Thị trường các bon - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng
- Thiệt hại nặng nề từ bão số 3, doanh nghiệp ngành dăm đề nghị sớm được hỗ trợ
- Chuỗi sản xuất – xuất khẩu ngành gỗ bị ‘lung lay’ bởi bão số 3
- Thúc đẩy triển khai các hành động thích ứng với EUDR
- Doanh nghiệp FDI đang chiếm 47,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ
- Các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái sẽ phải trả dịch vụ môi trường rừng
- Việt Nam tham dự Hội nghị nhóm quan chức cao cấp Asean về lâm nghiệp lần thứ 27
- Xuất khẩu sang Hoa Kỳ: Kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nửa cuối năm
- Bắc Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất của ngành gỗ nội thất
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu