Thị trường các bon - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng
Trong khi chờ đến năm 2028, Việt Nam hình thành thị trường các bon chính thức thì nhà nước cần có bước đi linh hoạt để định hình thị trường.
Đây là chia sẻ của ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội thảo “Các bon rừng - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng” do Cục Lâm nghiệp phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 3/10, tại Hà Nội.
Lâm nghiệp là lĩnh vực duy nhất cho phát thải ròng âm
Ngày 3/10, Cục Lâm nghiệp phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Các bon rừng - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng”, với sự tài trợ của Tổ chức Forest Trends và UK PACT.
Lâm nghiệp là lĩnh vực duy nhất cho phát thải ròng âm
Việt Nam là thành viên của Công ước Khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris, đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, tại COP26 năm 2021, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Cam kết này mở ra những cơ hội mới cho ngành lâm nghiệp trong việc thiết lập và vận hành cơ chế tài chính nhằm huy động nguồn lực quốc tế và trong nước, thông qua việc phát triển thị trường và thúc đẩy trao đổi tín chỉ các bon rừng.
Lâm nghiệp hiện là lĩnh vực duy nhất có khả năng phát thải ròng âm, nhờ vào quá trình bảo vệ và phát triển rừng của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế. Tuy nhiên, thị trường các bon rừng ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Thực trạng và tiềm năng Việt Nam hiện đang triển khai duy nhất một Chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải/tín chỉ các bon rừng thông qua Thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới. Kết quả là đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tấn CO2 và tiếp nhận 51,5 triệu USD trong giai đoạn 2018-2019.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đàm phán, ký kết Thỏa thuận mua bán giảm phát thải cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ với Tổ chức Tăng cường Tài chính Lâm nghiệp (Emergent).
Thị trường các bon rừng có tiềm năng mang lại nguồn thu lớn cho lâm nghiệp, giúp đầu tư vào bảo vệ rừng, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Tuy nhiên, các nguồn lực tài chính cho hoạt động lâm nghiệp hiện vẫn còn nhiều khó khăn và thiếu ổn định, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế của ngành.
Sớm xây dựng khung chính sách
Tại Hội thảo các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thị trường các bon, chính sách quản lý tín chỉ các bon và phát triển thị trường các bon trong nước. Đồng thời, tập trung thảo luận về thực trạng và tiềm năng của các bon rừng, xác định những cơ hội thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang đối mặt trong việc phát triển thị trường các bon rừng. Từ đó, đề xuất các giải pháp và định hướng phát triển bền vững cho thị trường này.
Theo ông Tô Xuân Phúc - Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp (Tổ chức Forest Trends), hiện có thị trường các bon tự nguyện và bắt buộc. Với thị trường tự nguyện, các tổ chức và cá nhân có thể mua tín chỉ để giảm phát thải, thông thường để phục vụ mục tiêu net-zero. Với thị trường bắt buộc, tín chỉ được mua bán để minh chứng cho việc tuân thủ với các chương trình hệ thống giao dịch phát thải và thuế các bon.
Với thị trường tự nguyện, cơ chế giá được xác định bởi động lực cung – cầu. Giá biến động lớn phụ thuộc vào loại hình dự án/chương trình và giá chung khoảng 5 USD/tấn. Với thị trường bắt buộc, cung và cầu xác định bởi các quy định về giảm phát thải. Nếu quy định cho phép mức phát thải được phép cao (doanh nghiệp được phát thải nhiều) sẽ dẫn đến giá các bon thấp và ngược lại và mức giá cũng tùy thị trường, khoảng vài chục USD/tấn.
Ông Tô Xuân Phúc cũng cho biết, hệ thống giao dịch phát thải các bon (ETS) lớn hiện không cho phép việc mua tín chỉ quốc tế. Một số quốc gia như Hàn Quốc hoặc Singapore cho phép một lượng nhỏ tín chỉ quốc tế được giao dịch trong hệ thống. Một số quốc gia khác cho phép tín chỉ các bon lâm nghiệp nội địa được sử dụng để hoàn thành nghĩa vụ giảm phát thải nội địa. Trong khi đó, thị trường các bon tự nguyện có xu hướng giảm cả về lượng và giá trị, nhất là với các dự án lâm nghiệp.
Theo ông Hà Công Tuấn - nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn năm 2011-2018, với sự hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam đã tính toán được tổng lượng giảm phát thải từ rừng đạt 56-57 triệu tấn mỗi năm. Đây cũng chính là cơ sở để Việt Nam có ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đầu tiên.
Ông Hà Công Tuấn nhận định, giảm phát thải từ rừng thời gian tới sẽ không còn nhiều. Bởi, trồng rừng hiện nay chủ yếu là trồng lại diện tích rừng sản xuất đã khai thác. Trong khi giai đoạn trước, diện tích rừng trồng hàng năm chủ yếu là rừng trồng mới. Như vậy, dư địa tăng hấp thụ chủ yếu là tăng chất lượng rừng. Nhưng để nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sẽ phải mất hàng chục năm.
Theo ông Hà Công Tuấn, trong khi chờ đến năm 2028, Việt Nam hình thành thị trường các bon chính thức thì nhà nước cần có bước đi linh hoạt để định hình thị trường vào năm 2028.
Ông Hà Công Tuấn đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì thị trường giao dịch tự nguyên trên cơ sở hợp tác quốc tế, trong hợp tác khung về biến đổi khí hậu. Coi đây là hoạt động thí điểm để năm 2028 vận hành thị trường giao dịch các bon.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp - thông tin, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với các nhà nghiên cứu, các đối tác hỗ trợ quốc tế khảo sát, đánh giá sơ bộ tiềm năng giảm phát thải tại nhiều địa phương trên cả nước, trên cơ sở đấy xác định khả năng tham gia vào thị trường các bon, từ đó, xây dựng chính sách để các tỉnh, địa phương có thể chủ động tham gia thị trường, hoặc thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kết nối với các đối tác có nhu cầu chuyển nhượng.
Tuy nhiên, hiện vẫn đang trong giai đoạn thí điểm. Để thị trường các bon đi vào đúng nghĩa, có trao đổi chuyển nhượng hạn ngạch cũng như trao đổi giá cả một cách minh bạch thì cần phải có những quy định về chính sách pháp lý.
Hiện việc này, Chính phủ đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan có lĩnh vực giảm phát thải xây dựng hình thành chính sách.“Chúng tôi hi vọng, với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, thị trường các bon nói chung và thị trường các bon trong lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng sẽ sớm được hình thành, từ đó, tạo tiền đề rất lớn cho việc huy động nguồn lực tài chính tham gia cho việc bảo vệ và phát triển rừng”, ông Trần Quang Bảo nói.
Gỗ Việt
- Thiệt hại nặng nề từ bão số 3, doanh nghiệp ngành dăm đề nghị sớm được hỗ trợ
- Chuỗi sản xuất – xuất khẩu ngành gỗ bị ‘lung lay’ bởi bão số 3
- Thúc đẩy triển khai các hành động thích ứng với EUDR
- Doanh nghiệp FDI đang chiếm 47,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ
- Các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái sẽ phải trả dịch vụ môi trường rừng
- Việt Nam tham dự Hội nghị nhóm quan chức cao cấp Asean về lâm nghiệp lần thứ 27
- Xuất khẩu sang Hoa Kỳ: Kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nửa cuối năm
- Bắc Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất của ngành gỗ nội thất
- Cơ hội xuất khẩu đồ nội thất của Indonesia sang UAE có thể tăng lên
- Xuất khẩu đồ nội thất của Đức giảm nhẹ