Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST

31/12/2024 12:53
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST

Năm 2024, xuất khẩu lâm sản ngành gỗ đạt trên 16,2 tỷ USD, năm 2025 sẽ kỳ vọng ngành gỗ sẽ tiếp tục phát triển. Kết quả thu được một phần từ công tác xúc tiến thương mại.

Thông tin được ông Ngô Sỹ Hoài – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) – chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chiều ngày 30/12.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, năm 2024, xuất khẩu lâm sản ngành gỗ đạt trên 16,2 tỷ USD, năm 2025 sẽ kỳ vọng ngành gỗ sẽ tiếp tục phát triển. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến trên 160 quốc gia và vùng lãnh thỗ. Với việc hội nhập sau như vậy, ngành gỗ đang bị “nội soi” rất kỹ và ứng phó với nhiều vụ việc phòng về thương mại.

Năm 2025, ngành gỗ đến mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,5 tỷ USD. Để đạt được kết quả đề ra, công tác xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại, các hội chợ triển lãm về gỗ, sản phẩm phẩm gỗ trong và ngoài nước được các doanh nghiệp, hiệp hội địa phương tham gia tích cực, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp miền Nam, các DN phía Bắc tham gia không nhiều. Do đó, đề nghị Cục Xúc tiến thương mại có chính sách khuyến khích doanh nghiệp khu vực phía Bắc, các doanh nghiệp làng nghề tham gia các hội chợ nhiều hơn. Việc tham gia hội để ký được hợp đồng ngay là khó, nhưng đi dự hội chợ để “mở mang” là việc cần thiết.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Với hội chợ triển lãm gỗ và các sản phẩm gỗ trong nước, Việt Nam đã trở thành 1 trung tâm chế biến gỗ trên thế giới, hiện các hội chợ triển lãm ngành hàng gỗ lớn đã có ở Việt Nam, do vậy, mong Cục Xúc tiến thương mại thông qua các cơ quan tham tán thương mại ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu các hội chợ này từ đó thu hút sự quan tâm cao hơn của các thị trường quốc tế.

“Ngành gỗ có nghịch lý đó là diện tích rừng trồng và lao động phía Bắc nhiều, nhưng công nghiệp chế biến gỗ lại tập trung tại khu vực miền Nam và Bình Định. Hiện, ngành gỗ phía Bắc kém phát triển một phần là do công tác xúc tiến thương mại chưa được chú trọng”, ông Ngô Sỹ Hoài nói.

Do đồ gỗ là dạng cồng kềnh, việc tham gia các trang thương mại điện tử còn ít và khó thực hiện, do vậy đề nghị Cục Xúc tiến thương mại quan tâm tới công tác thương mại điện tử cho ngành Gỗ.

Liên quan đến các kiến nghị của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam nói riêng, nói về công tác xúc tiến thương mại nói chung, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2025, Cục sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến xuất khẩu khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng.

Chú trọng xúc tiến nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu đảm bảo nguồn cung đầu vào phục vụ phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương hiệu quả, hỗ trợ địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp trong nước tiếp nhận chuyển giao công nghệ, từng bước làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia chuỗi cung ứng quốc tế bền vững.

Ông Vũ Bá Phú,  Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị

Ngoài ra, sẽ tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin cập nhật về thị trường, các thay đổi về chính sách thương mại, các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu. Qua đó, góp phần tạo thế chủ động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường quốc tế.

Đồng thời, sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động đào tạo kỹ năng xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thiết kế sinh thái, kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Năm 2024, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại tham gia và hưởng lợi; tổng giá trị hợp đồng được ký kết trực tiếp tại các sự kiện thương mại quốc tế đạt gần 100 triệu USD; doanh số bán hàng tại các hội chợ, triển lãm cấp vùng đạt hàng trăm tỷ đồng, thu hút gần 100.000 lượt khách tham quan, mua sắm.

Gỗ Việt