Ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam trong tương lai: Hướng tới tăng trưởng bền vững và chất lượng
Ngành chế biến lâm sản xuất khẩu của Việt Nam là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm qua, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 8 tỉ USD, một con số cao kỉ lục, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thế giới, đặc biệt tại Hoa Kỳ và châu Âu có các thay đổi theo hướng khuyến khích sản xuất và tiêu dùng nội địa.
Có rất nhiều yếu tố tạo ra động lực phát triển cho ngành gỗ, như sự năng động của các doanh nghiệp, lợi thế về yếu tố đầu vào, về vị trí địa lý với hệ thống cảng biển phát triển tạo ra những thuận lợi quan trọng về điều kiện giao thương. Bên cạnh đó còn là cơ chế chính sách liên quan đến nhập khẩu gỗ nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm gỗ tương đối thuận lợi. Và quan trọng nhất là Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực hội nhập với các quốc gia đối tác, tạo đà cho việc mở rộng thông thương cho các sản phẩm gỗ từ Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi là một số thách thức mà ngành chế biến gỗ đang phải đối mặt như nguồn nguyên liệu và sử dụng nguyên liệu. Mặc dù nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào còn tương đối sẵn có, độ ổn định của nguồn nguyên liệu chưa cao, còn tiềm ẩn các yếu tố chưa bền vững. Nguồn cung gỗ trong nước, đặc biệt từ nguồn gỗ rừng trồng lớn, bình quân khoảng 24 triệu m3/năm, 70-80% lượng cung từ nguồn này là gỗ nhỏ, phục vụ ngành chế biến dăm. Lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu lớn, khoảng 4-4,5 triệu m3 quy tròn mỗi năm, tương đương gần 2 tỉ USD về kim ngạch, trong đó bao gồm một số nguồn có rủi ro cao về mặt pháp lý. Sử dụng gỗ nguyên liệu của ngành vẫn ở mức cao, bình quân chiếm khoảng 40-60% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Thứ hai, chất lượng lao động của ngành thấp, các sản phẩm tạo ra có hàm lượng lao động và khoa học công nghệ cao còn hạn chế. Thứ ba, hội nhập thị trường đang tạo ra những sức ép lớn, không chỉ riêng đối với các doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu mà còn cả cho các doanh nghiệp tham gia các khâu khác nhau của chuỗi cung ứng. Các yêu cầu của thị trường về tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ của Việt Nam tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại Hoa Kỳ, EU và gần đây là một số nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng chặt chẽ. Nếu không đáp ứng được hoặc vi phạm các yêu cầu này, không những các doanh nghiệp mất cơ hội của thị trường mà hình ảnh của cả ngành gỗ của Việt Nam còn bị ảnh hưởng. Thứ tư, liên kết hình thành chuỗi trong ngành chế biến gỗ còn hết sức hạn chế, một số doanh nghiệp còn có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Đến nay hình ảnh của ngành trên trường quốc tế còn chưa rõ nét.
Để ngành gỗ phát huy tối đa các lợi thế của mình, điều quan trọng cần thực hiện là nâng cao tính cạnh tranh của ngành. Trong đó, có các điều kiện về nhân tố đầu vào, như lao động tay nghề cao, vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, kiến thức. Ngành chế biến gỗ của Việt Nam hiện nay vẫn còn mang đậm nét của các yếu tố cơ bản, với việc sử dụng nguyên liệu thô, lao động tay nghề thấp, tiêu hao năng lượng còn phổ biến. Để chuyển đổi sang ngành với các yếu tố tiên tiến ngành cần phải có những chuyển đổi cơ bản. Cơ chế chính sách cần ưu tiên, khuyến khích đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, hạn chế tiêu hao nguyên liệu gỗ đầu vào, chuyển đổi các nguồn gỗ nhập khẩu rủi ro cao sang nguồn nhập khẩu rủi ro thấp, hoặc sang nguồn gỗ rừng trồng trong nước. Cần có cơ chế khuyến khích cho việc hình thành các cơ sở đào tạo nghề, với các nghề đào tạo hình thành dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, chú trọng các loại hình kiến thức và tay nghề tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Khuyến khích doanh nghiệp cải tiến công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu đầu vào, giảm giá thành sản xuất.
Trong khi đó, ở các điều kiện về cầu, bao gồm nhu cầu đa dạng của thị trường về sản phẩm và quy mô của thị trường. Cầu càng đa dạng, càng phức tạp, đòi hỏi công ty phải liên tục đổi mới. Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam hiện nay mang đậm nét của một ngành gia công sản phẩm. Hầu như toàn bộ các khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm, phương thức bán hàng… là do người mua nước ngoài đảm nhận. Có thể nói, tương tác trực tiếp giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự bó buộc về tính đa dạng của cầu.
Tạo ra thể chủ động trên thị trường đòi hỏi cần có những thay đổi căn bản trong ngành. Các doanh nghiệp cần ưu tiên và có những đầu tư dài hạn nhằm phát triển mảng nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Điều này cần phải có đầu tư dài hạn, không chỉ cần nguồn đầu vào là lao động tay nghề cao (ví dụ sử dụng trong thiết kế mẫu mã) mà còn đòi hỏi thông tin cập nhật về xu hướng tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu. Các cơ quan xúc tiến và quản lý thương mại, bao gồm cả tham tán thương mại hoạt động tại các quốc gia, đặc biệt tại các thị trường lớn của Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc tiếp cận với các thông tin thị trường, cung cấp cho doanh nghiệp. Chính phủ cũng nên ưu tiên kêu gọi các chương trình, dự án hợp tác quốc tế giữa các đối tác nước ngoài và ngành gỗ Việt Nam, nhằm trao đổi, học hỏi các thông tin và kinh nghiệm quốc tế về phát triển sản phẩm, tiếp cận thị trường.
Để ngành gỗ phát triển còn cần có hệ thống các ngành công nghiệp phụ trợ, bao gồm các ngành công nghiệp đầu vào và các ngành có liên quan. Liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sẽ góp phần tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao lợi nhuận cho các bên liên quan. Tuy nhiên, liên kết cần tập hợp các điều kiện, bao gồm môi trường thể chế thông thoáng, minh bạch, điều kiện tự nhiên phù hợp và thời gian để xây dựng lòng tin. Các hiệp hội gỗ đại diện cho các doanh nghiệp của ngành có vai trò quan trọng trong việc hình thành và thúc đẩy liên kết. Nhà nước nên trao quyền cho các hiệp hội, nhằm tạo ra vị thế mới, từ đó thực hiện kết nối các thành viên của mình thông qua việc hình thành và phát triển các chuỗi cung, vì mục tiêu chung của ngành.
Và việc cải thiện môi trường kinh doanh thông qua thay đổi thể chế là một trong những ưu tiên của Chính phủ hiện nay. Môi trường thể chế cần thay đổi theo hướng tạo thông thoáng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng mở nhất. Xây dựng văn hóa làm việc doanh nghiệp cũng cần được thực hiện, nhằm phát triển mối quan hệ bình đẳng, cùng có lợi giữa người lao động và chủ doanh nghiệp.
Các chính sách tổng thể của nhà nước cũng có tác động quan trọng đến sự phát triển của ngành. Mặc dù các chính sách hiện nay có liên quan đến sự vận hành và phát triển ngành chế biến gỗ tương đối cởi mở, tình trạng chính sách không được thực thi, hoặc thực thi không đầy đủ còn xảy ra. Chính phủ cần bố trí đủ nguồn lực, bao gồm cả con người và tài chính để thực hiện các chính sách này một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những cơ chế và chính sách mới, tập trung ưu tiên vào việc tăng trưởng có chất lượng và tăng trưởng bền vững, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy các mô hình liên kết, hình thành các chuỗi liên kết giữa ngành gỗ và các ngành khác có liên quan.
Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và trên đà phát triển. Mặc dù ngành phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm cả các thách thức mới, hình thành do hội nhập, ngành vẫn còn được coi là còn một số dư địa để phát triển. Tuy nhiên, để định dạng và tối đa hóa các dư địa này đòi hỏi bản thân ngành và các cơ quan quản lý có cách tiếp cận mới, nhận biết các rào cản, đặc biệt là rào cản về thể chế, có liên quan đến hạn chế về các điều kiện của yếu tố đầu sản xuất, bó buộc cầu thị trường, thiếu ưu tiên cho các ngành công nghiệp phụ trợ, thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy các hoạt động của doanh nghiệp. Thay đổi thể chế theo hướng thông thoáng là động lực quan trọng để ngành phát triển theo hướng tăng trưởng về chất lượng và bền vững trong tương lai.
GỖ VIỆT số 97
TÔ XUÂN PHúC - Chuyên Forest Trends
- HIỆP ĐỊNH VPA/FLEGT VỚI NGHÀNH GỖ VIỆT NAM: Minh bạch thông tin, mở đường phát triển
- Xuất khẩu lâm sản đạt 8 tỉ USD: Bước tiến lớn trong năm 2017
- ĐỐI TÁC ĐẾN TỪ TRUNG QUỐC ĐANG CẦN MUA VÁN SÀN TỰ NHIẾN TỪ GỖ TREAK
- ĐỐI TÁC NGƯỜI ẤN ĐỘ ĐANG CẦN MUA 200-300M3 GỖ THÔNG XẺ MỖI THÁNG
- ĐỐI TÁC NGƯỜI INDONESIA ĐANG CẦN MUA THỬ 120M3 VÁN BÓC LÕI KEO MỖI TUẦN
- CƠ HỘI XUẤT KHẨU 17.000 CHIẾC GỖ PALLET SANG INDONESIA
- CẦN HỎI MUA 1600M3 VÁN MDF XUẤT SANG Ả RẬP SAUDI
- CƠ HỘI XUẤT KHẨU 3 CONTAINER 40FT GỖ KEO XẺ SANG HÀN QUỐC
- XUẤT KHẨU 40FT VÁN GHÉP THANH GỖ CAO SU, GỖ KEO HOẶC GỖ THÔNG SANG TRUNG QUỐC
- CẦN MUA 100-150M3 GỖ CAO SU XẺ MỖI THÁNG XUẤT SANG MALAYSIA
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu