Xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam từ năm 2012 - 2014
Ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ (ngành dăm) của Việt Nam liên tục phát triển trong khoảng một thập kỷ vừa qua. Kể từ năm 2011, Việt Nam đã trở thành quốc gia có lượng dăm gỗ xuất khẩu lớn nhất thế giới. Năm 2014 Việt Nam đã xuất khẩu được 6,97 triệu tấn dăm khô tương đương với 13,9 triệu m3 gỗ nguyên liệu, và đạt kim ngạch 958 triệu USD. Mặc dù khối lượng và kim ngạch xuất khẩu năm 2014 giảm so với năm 2013 bởi thị trường năm 2014 có biến động lớn, xu thế chung cho thấy thị trường xuất khẩu dăm vẫn tiếp tục được mở rộng trong tương lai.
Cả nước hiện có 130 cơ sở chế biến xuất khẩu dăm đang vận hành, tăng 16% so với con số 112 nhà máy của năm 2012. Với tổng công suất thiết kế của các nhà máy trên 8 triệu tấn dăm khô/năm, các nhà máy hoạt động hết công suất sẽ đòi hỏi một lượng gỗ nguyên liệu đầu vào tương đương với trên 16 triệu m3, hầu hết từ nguồn rừng trồng. Xu thế thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng như hiện nay là tín hiệu cho thấy số lượng các nhà máy dăm sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Thông tin từ các doanh nghiệp dăm cho thấy cơ cấu nguyên liệu dăm hiện tại bao gồm 70% là cây (rừng trồng) có đường kính dưới 10 cm và cành ngọn. Phần còn lại (30%) là từ phế liệu, gỗ tận dụng sau cưa xẻ để tinh chế các sản phẩm gỗ hoàn chỉnh. Sự phát triển của ngành dăm đã và đang làm nảy sinh những tranh luận gay gắt giữa ngành dăm và ngành chế biến gỗ, bởi hai ngành này cùng sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào là gỗ rừng trồng. Tranh luận cũng xoay quanh các cơ chế chính sách của Nhà nước liên quan đến quản lý và phát triển nguồn tài nguyên rừng trồng theo hướng giảm lệ thuộc vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu cho ngành chế biến thông qua việc hạn chế xuất khẩu dăm và khuyến khích trồng rừng gỗ lớn.
Theo quan điểm của các doanh nghiệp chế biến gỗ, sự hình thành và phát triển của ngành dăm đã làm mất cơ hội cho ngành chế biến gỗ, bởi 70-80% sản lượng gỗ rừng trồng hiện nay được đưa vào chế biến dăm phục vụ xuất khẩu. Các doanh nghiệp chế biến gỗ cũng cho rằng xuất khẩu dăm là xuất khẩu nguyên liệu thô, và chỉ mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội hạn chế. Dựa trên quan điểm này, ngành chế biến gỗ kiến nghị hạn chế sự phát triển của ngành dăm, nhằm phát triển rừng trồng gỗ lớn, từ đó tạo nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào cho ngành chế biến gỗ. Ngành gỗ tin rằng nếu làm được điều này, nguồn gỗ rừng trồng sẽ được đưa vào chế biến sâu, từ đó mang lại lợi ích cao hơn cho cả doanh nghiệp chế biến gỗ và người trồng rừng. Thêm vào đó, ngành chế biến gỗ sẽ có cơ hội giảm sự lệ thuộc vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu và điều này không những giúp cho các doanh nghiệp chế biến gỗ giảm được rủi ro có liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nhập khẩu mà còn giúp cho ngành gỗ phát triển bền vững.
Khác với quan điểm của ngành chế biến gỗ, các doanh nghiệp dăm cho rằng diện tích rừng trồng của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây là do sự hình thành và mở rộng của ngành dăm. Nói cách khác, ngành dăm hiện đang làm vai trò bà đỡ nguồn gỗ rừng trồng và điều này tạo động lực quan trọng đẩy nhanh việc mở rộng diện tích, góp phần cải thiện sinh kế cho hàng triệu hộ dân tham gia trồng rừng. Các doanh nghiệp dăm cho rằng hiện vẫn còn thiếu các yếu tố thúc đẩy hộ trồng rừng gỗ lớn làm nguyên liệu cho chế biến gỗ và do vậy trồng rừng làm nguyên liệu dăm vẫn đang là sự lựa chọn phù hợp của nhiều hộ gia đình. Cụ thể, nhiều hộ trồng rừng vẫn đang gặp khó khăn như hạn chế về nguồn thu tiền mặt, khó tiếp cận được nguồn tín dụng. Những khó khăn này làm hộ thiếu nguồn lực đầu tư nhằm kéo dài chu của rừng trồng, do vậy không tạo được gỗ lớn. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như thiếu nguồn cây giống tốt, rủi ro do thiên tai, khó tiếp cận với các doanh nghiệp chế biến gỗ cũng là các khó khăn hạn chế hộ phát triển gỗ lớn. Theo ngành dăm, để tạo gỗ lớn cơ chế chính sách cần phát triển theo hướng giải quyết thỏa đáng các khó khăn nội tại của hộ cũng như các yếu hạn chế bên ngoài.
Chiến lược Phát triển lâm nghiệp của Quốc gia đến 2020 nêu rõ “giảm dần chế biến dăm giấy xuất khẩu.” Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp năm 2013 nhấn mạnh “điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gỗ…nhất là các sản phẩm xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng giá trị lâm sản sử dụng nguồn nguyên liệu được gây trồng trong nước…. hạn chế tối đa xuất khẩu sản phẩm thô (bao gồm cả dăm gỗ).” Kế hoạch hành động nâng cao giá trị sản phẩm gỗ qua chế biến giai đoạn 2014-2020 đề ra mục tiêu “duy trì khối lượng dăm xuất khẩu 6 triệu tấn như hiện nay” và “đến năm 2020 chế biến dăm xuất khẩu 3 triệu tấn/năm (giảm 3 triệu tấn, tương đương với 50% so với năm 2015, bình quân 10%/năm.” Gần đây nhất, vào tháng 2 năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra Quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai phương án quản lý sản xuất dăm gỗ giai đoạn 2014-2020 trong đó nhấn mạnh: “rà soát, sắp xếp các cơ sở sản xuất dăm gỗ gắn với vùng nguyên liệu nhằm đổi mới nâng cao hiệu quả trong sản xuất dăm.” Nhằm giảm lượng dăm gỗ sản xuất theo lộ trình đã đề ra, Bộ kiến nghị áp dụng chính sách thuế theo hướng “tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ và giảm thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gỗ tinh chế xuất khẩu”.
Báo cáo này cho rằng hạn chế sự phát triển của ngành dăm với mục đích tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm gỗ rừng trồng là định hướng hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh ngành chế biến gỗ đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hạn chế sự phát triển của ngành dăm nếu tạo được gỗ lớn sẽ tạo cơ hội làm tăng giá trị cho sản phẩm gỗ, từ đó đem lại lợi ích kinh tế cho cả ngành chế biến gỗ và người trồng rừng.
Tuy nhiên câu hỏi quan trọng đặt ra ở đây là các cơ chế, chính sách nhằm hạn chế sự phát triển của ngành dăm, bao gồm cả việc áp dụng thuế xuất khẩu dăm cần phải được thiết kế và thực hiện như thế nào để tránh làm ảnh hưởng đến hàng triệu hộ gia đình đang tham gia trồng rừng hiện nay? Khi nào thì nên áp dụng thuế xuất khẩu dăm và nếu áp dụng thì với mức thuế nào là phù hợp? Áp dụng thuế xuất khẩu dăm sẽ tác động như thế nào đến các bên hiện đang tham gia chuỗi cung, và đến các ngành cùng sử dụng gỗ rừng trồng làm nguyên liệu đầu vào như ngành chế biến gỗ và ngành giấy?
Hạn chế xuất khẩu dăm nhằm tạo gỗ lớn sẽ đạt được hiệu quả nếu các cơ chế chính sách tạo được động lực cho các hộ gia đình đầu tư vào trồng rừng gỗ lớn.Để hộ làm được điều này thì áp dụng thuế xuất khẩu dăm là chưa đủ. Hộ trồng rừng cần phải tiếp cận được với nguồn giống cây con tốt, với nguồn tín dụng ưu đãi nhằm thực hiện đầu tư kéo dài chu kỳ cây. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế hiệu quả và an toàn ví dụ như bảo hiểm rừng trồng nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai cũng như dễ dàng trong việc tiếp cận thị trường nhằm tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Điều này đòi hỏi vai trò quan trọng của hệ thống thông tin và cơ sở hạ tầng khuyến khích và thúc đẩy việc thông thương các sản phẩm hàng hóa, bao gồm cả gỗ rừng trồng và sự tham gia hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp chế biến gỗ. Áp dụng chính sách thuế xuất khẩu dăm trong bối cảnh thiếu vắng các yếu tố làm tiền đề cho việc đầu tư trồng rừng gỗ lớn có nguy cơ làm ách tắc nguồn gỗ rừng trồng đầu ra hiện nay của hộ. Nếu các yếu tố hỗ trợ này tiếp tục thiếu vắng trong tương lai, hộ sẽ có thể mất động lực đầu tư vào trồng rừng và chuyển sang các loại hình sử dụng đất khác bất lợi cho nguồn tài nguyên rừng.
Theo Báo cáo Xuất khẩu dăm gỗ Việt Nam 2012 - 2014
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu