Nhìn từ vụ kiện chống phá giá ván gỗ công nghiệp Thái Lan và Malaysia: Bước đột phá trong bảo vệ quyền lợi ngành gỗ

03/06/2019 18:01
Nhìn từ vụ kiện chống phá giá ván gỗ công nghiệp Thái Lan và Malaysia: Bước đột phá trong bảo vệ quyền lợi ngành gỗ

Theo thống kê của Bộ Công thương và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, tính đến hết năm 2018, có 141 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, Mỹ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất đối với các sản phẩm của Việt Nam lên tới 27 vụ, chiếm khoảng 20%. 

Theo các chuyên gia, Việt Nam là đối tượng bị kiện nhiều nhất trong các vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ, tiếp đến là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, EU, Canada, Brazil... Tuy nhiên, một số nước láng giềng ở cạnh Việt Nam là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, những nước trước năm 2011 chưa từng kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam thì từ năm 2011 trở lại đây, lại kiện dồn dập, và đây cũng là những nước bị kiện chống bán phá giá nhiều trên thế giới. Đó không phải là thông tin gây bất ngờ, và chúng ta đã làm quen với những vấn đề như vậy từ khi tham gia vào WTO, mỗi năm số vụ kiện chống bán phá giá với các hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam ngày càng nhiều lên, và chủ yếu ở những mặt hàng xuất khẩu như nông thủy sản, sắt thép, da giày và dệt may. Riêng với ngành gỗ, các chuyên gia cũng cảnh báo thường xuyên nguy cơ Việt Nam bị kiện chống phá giá ở Mỹ, đặc biệt là ở thời điểm này, khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn biến căng thẳng, và các doanh nghiệp Trung Quốc muốn chuyển hướng sang Việt Nam để lẩn tránh mức thuế nhập khẩu của Mỹ, tận dụng lợi thế “Made in Việt Nam” thì có khả năng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam đã ý thức được nguy cơ sản phẩm của mình nằm trong tầm ngắm bị kiện phá giá của Mỹ, nên cho đến nay vẫn đảm bảo được các đơn hàng và sự tăng trưởng. Nhưng sự kiện Cục phòng vệ thương mại Bộ Công thương ban hành quyết định số 940/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm ván gỗ công nghiệp có xuất xứ từ Thái Lan và Malaysia nhập khẩu vào Việt Nam đã tạo ra một nhận thức mới mang tính đột phá trong việc bảo vệ các doanh nghiệp chế biến gỗ nói riêng, và các doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung.

 

Cục phòng vệ thương mại cho biết, vụ việc được khởi xướng điều tra dựa trên Hồ sơ yêu cầu do đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào ngày 18/10/2018. Cụ thể, gồm hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan và Malaysia; thiệt hại của ngành sản xuất ván gỗ công nghiệp Việt Nam và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất ván gỗ công nghiệp. Cụ thể, vụ việc được khởi xướng điều tra dựa trên hồ sơ yêu cầu do đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào ngày 18/10/2018. Bên yêu cầu là 4 công ty đại diện cho ngành sản xuất ván gỗ công nghiệp Việt Nam, gồm: Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang, Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Dongwha, Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị và Công ty cổ phần Kim Tín MDF. Theo đó, bên yêu cầu đã cáo buộc các sản phẩm ván gỗ công nghiệp nhập khẩu từ Thái Lan và Malaysia đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam với biên độ phá giá từ 18,59% đến 50,6%; việc bán phá giá này là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất ván gỗ công nghiệp của Việt Nam. Theo quy định pháp luật, sau khi khởi xướng điều tra, Bộ Công thương sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá các nội dung cáo buộc gồm: hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan và Malaysia; thiệt hại của ngành sản xuất ván gỗ công nghiệp Việt Nam và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất ván gỗ công nghiệp. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời để ngăn chặn hành vi bán phá giá tiếp tục gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Đó là sự kiện mang tính đột phá với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng, khi chúng ta sẵn sàng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp trong nước và phù hợp với qui định thương mại quốc tế. Nhiều năm qua, chúng ta có xu hướng coi chống bán phá giá hàng nước ngoài ở Việt Nam và đối phó với chống bán phá giá hàng Việt Nam ở nước ngoài là hai lĩnh vực khác nhau và không liên quan đến nhau. Nhưng sự kiện một cơ quan quản lý của Việt Nam thụ lý đơn kiện đối với các sản phẩm nhập khẩu gây thiệt hại cho ngành gỗ đã chứng tỏ chúng ta đã nhìn nhận việc sử dụng các biện pháp phòng vệ là tích cực giúp Việt Nam tránh phải đương đầu với các vụ kiện của các đối tác, nâng cao giá trị hàng hóa sản phẩm sản xuất trong nước. Cũng như nâng cao ý thức pháp luật cho các doanh nghiệp ngành gỗ trong thời gian tới, và tầm quan trọng của việc sử dụng các hàng rào thương mại đúng đắn đem lại lợi ích như thế nào.

TRẦN TOẢN - GV 111