"Tín hiệu sáng" cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ
4 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trưởng khi tiêu dùng tại nhiều thị trường có tín hiệu tốt lên.
Doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2024 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 3/2024 và tăng 19,4% so với tháng 4/2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 893 triệu USD, tăng 0,7% so với tháng 3/2024 và tăng 14,1% so với tháng 4/2023.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,84 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024.
Trong đó, nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU… đang có sự phục hồi đã đem lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Nhìn lại "bức tranh" của ngành gỗ trong 4 tháng đầu năm, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho hay, tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên, nhờ đó thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng, trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
Theo ghi nhận từ hiệp hội, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý I/2024 khá lạc quan. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 6, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2024. Rất khác so với năm 2023, năm 2024 mở đầu với sức mua của thị trường thế giới ấm dần và ngành gỗ đang đón những tín hiệu tích cực.
Việt Nam với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ...
"Tiêu dùng tại các thị trường lớn phục hồi kỳ vọng cho ngành hàng này có cơ hội tăng tốc xuất khẩu trước mắt trong quý II và cả năm 2024" , ông Hoài nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch VIFOREST, với nhiều thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trên thị trường quốc tế. Ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp đang đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tính hiệu quả và năng suất hơn.
Xây dựng nhiều giải pháp
Dù nhận thấy những tín hiệu tích cực, lãnh đạo VIFOREST vẫn giữ một tâm thế thận trọng trước những biến động không lường trước của thế giới. Ông Hoài nhận định, doanh số xuất khẩu trong năm 2024 có thể chỉ ở mức tương đương với năm trước.
Cùng với đó, ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính… Nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.
"Để cụ thể hóa doanh số xuất khẩu, ngành gỗ đang tập trung vào nhiều vấn đề trọng tâm, trong đó đẩy mạnh thị trường theo hướng phát triển bền vững. Bởi nếu không xây dựng tốt thị trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu gỗ trong năm 2024" , ông Hoài cho hay.
Theo đó, trong quý I/2024, VIFOREST đã phối hợp tổ chức thành công một loạt sự kiện hội chợ ngành gỗ vào tháng 3, gồm: Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ & Nội thất (Hawa Expo) 2024 tại TP. Hồ Chí Minh và Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn (Q-FAIR) 2024. Đây cũng là hội chợ đầu tiên và lớn nhất của ngành gỗ về các hàng ngoài trời, là nơi giao thương và tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với khách hàng quốc tế.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành gỗ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao tham gia vào nhiều chương trình xúc tiến thương mại, mở hội chợ, thiết lập các văn phòng, kho hàng, trung tâm mua hàng lớn, đặc biệt là tại thị trường châu Âu và Mỹ. Đây là cơ hội vững chắc nhất để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Đáng chú ý, thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao.
"Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế", lãnh đạo VIFOREST đánh giá.
Gỗ Việt (Nguồn Báo Công Thương)
- Ngành gỗ châu Âu kêu gọi trì hoãn thực thi EUDR
- Mở rộng cánh cửa giao thương toàn cầu tại triển lãm Global Sourcing Fair Việt Nam 2024
- Đơn hàng tại nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã phục hồi tới 80 - 90%
- Bàn cách khai thác giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng
- Tháng đầu năm 2024, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Đông Nam Á tăng mạnh
- Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Canada tăng trong 2 tháng đầu năm 2024
- 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Nhật Bản tăng nhẹ
- Ngành gỗ họp bàn tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu năm 2024
- Khai mạc Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu
-
MIFF (Hội chợ đồ nội thất quốc tế Malaysia) khởi động cho mùa mua hàng Châu Á 2025
-
Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tọa đàm Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu