3 nhóm kiến nghị được cộng đồng doanh nghiệp gửi lên Thủ tướng
Doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn, 3 nhóm kiến nghị vừa được cộng đồng doanh nghiệp gửi lên Thủ tướng Chính phủ.
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã phối hợp cùng Báo điện tử VnExpress tiến hành cuộc khảo sát trực tuyến vào cuối tháng 4/2023 để đánh giá bức tranh hiện trạng cùng các triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023 từ góc nhìn doanh nghiệp.
82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh
Báo cáo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vừa được Ban IV gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 25/5 nêu rõ, trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô là 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,5%.
Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.
Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp. Theo đó, có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4,2% các doanh nghiệp được khảo sát. Tương tự, có đến 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/rất tiêu cực, trong đó có 29,6% là rất tiêu cực.
Và trong bức tranh “tối màu” chung đó, doanh nghiệp ngành xây dựng; các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn.
Báo cáo chỉ rõ, các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt là gồm: Khó khăn về đơn hàng (59,2%); khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51,1%); thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%); nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%).
Trong bối cảnh khó khăn đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.
Ghi nhận những hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Ban IV, vấn đề đặt ra ở đây là khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng. Do đó, cần có cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới để nỗ lực của Chính phủ và hệ thống hành chính thực sự đem lại giá trị cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nguyên nhân của những khó khăn hiện tại đối với doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đến từ chu kỳ khó khăn của kinh tế thế giới mà còn do những vấn đề nội tại gây ra. Đây là thách thức rất lớn nhưng cũng mở ra những cơ hội lớn để Chính phủ thực hiện những cải cách triệt để nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao sản lượng kinh tế trong dài hạn.
Tháo gỡ các nút thắt ngay trước mắt nhằm củng cố niềm tin và gia tăng nội lực
Trong báo cáo đưa ra, Ban IV và cộng đồng doanh nghiệp cũng đưa ra 3 nhóm kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.
Thứ nhất, các đề xuất giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Cụ thể, kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn Covid-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023. Chi phí lao động cần được giảm. Cụ thể, cần tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập doanh nghiệp mới để phù hợp với bối cảnh mới.
Đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp tránh kéo dài như hiện nay. Một số cơ chế đặc biệt cần được suy nghĩ tới, ví dụ “cho phép doanh nghiệp “được” hoàn thuế VAT trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng” và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông các đoanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.
Đưa thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu về mức 5 - 10% để tạo sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác...
Thứ hai, các đề xuất để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Theo đó, Ban IV và cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất.
Cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt vì lượng trái phiếu này có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của các doanh nghiệp trong nước.
Xem xét giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội để số đông công nhân, người lao động có cơ hội tiếp cận việc thuê, mua nhà từ nguồn hỗ trợ tín dụng. Đồng thời, Nhà nước xem xét các cơ chế để doanh nghiệp tham gia tín chấp, bảo lãnh cho người lao động trong quá trình này so với quy trình xét duyệt phức tạp theo diện “đối tượng chính sách” như hiện nay để chủ trương phát triển nhà ở xã hội đi vào thực tiễn...
Thứ ba, các đề xuất để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, Ban IV và cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại để doanh nghiệp ổn định tư tưởng, tập trung sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần có nghị quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự như những năm 1997 - 2000. Hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (không quá 1 lần/năm) và không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính. Có cơ chế và quy định pháp lý rõ ràng đối với các chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp để cán bộ các cấp có thể thực hiện mà không lo bị phạm lỗi.
Phân quyền cho phép cơ quan phòng cháy chữa cháy cấp quận/huyện thẩm duyệt và nghiệm thu cho các nhà máy có vốn đầu tư dưới 200 tỷ và ngành nghề không đặc biệt gây nguy cơ cháy nổ để giảm thời gian chờ đợi kéo dài vì các khâu xét duyệt đang hầu hết tập trung về một vài đầu mối ở trung ương như hiện nay.
Đề nghị thay đổi Luật và quy định về đấu thầu. Theo đó, bỏ quy định dùng giá của hợp đồng cũ làm dự toán. Cho phép áp dụng công thức giá trong chào bán sản phẩm dựa vào các biến động giá nguyên vật liệu và tỉ giá ở thời điểm sản xuất dựa trên các chỉ số giá được công bố công khai trên thế giới.
Xem xét cải thiện các quy định liên quan tới mở tài khoản đồng ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận với các nguồn cung mới, các thị trường mới trong bối cảnh khó khăn đặc biệt về thị trường như hiện nay. Quy trình này hiện còn khá phức tạp và kém linh hoạt cho doanh nghiệp...
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng đưa ra các đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Trong đó, phát huy trọng tâm vai trò của ngoại giao kinh tế và đàm phán thương mại vào việc phát triển, đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra để giảm sự phụ thuộc các thị trường truyền thống. Nghiên cứu xây dựng các kênh thông tin tập trung để phân tích, dự báo về các xu hướng kinh tế, kinh doanh quốc tế, cập nhật các ưu đãi phát triển và cảnh báo rủi ro... để hỗ trợ doanh nghiệp.
Gỗ Việt (Nguồn Congthuong.vn)
- Quý I/2023, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc giảm mạnh
- Liệu pháp giảm sốc
- Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản
- 2 kiến nghị được doanh nghiệp ngành gỗ gửi lên Thủ tướng
- Quý I/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh
- 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 2 con số
- Nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm mạnh trong hai tháng đầu năm 2023
- Cơ hội nào để ngành gỗ nội thất vượt khó
- Nhìn lại 2022: Chắt chiu những lợi thế
- Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 16,928 tỷ USD
-
Đại hội Chi hội gỗ dán Việt Nam nhiệm kỳ III, giai đoạn 2024 – 2027
-
Thị trường các bon - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng
-
Ngành Lâm nghiệp đồng hành cùng doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng với EUDR
-
Thiệt hại nặng nề từ bão số 3, doanh nghiệp ngành dăm đề nghị sớm được hỗ trợ
-
Đáp ứng EUDR đối với sản phẩm gỗ và cao su thiên nhiên theo tiêu chuẩn PEFC EUDR