Chuỗi cung đứt gãy, cơ hội cho Trung Quốc tăng xuất khẩu vào Mỹ
Sự gia tăng gần đây của các ca nhiễm Covid-19 ở Đông Nam Á đã làm tắc nghẽn các cảng, đóng cửa các nhà máy chế biến, gây ra sự gián đoạn kéo dài với nguồn cung đồ nội thất bằng gỗ vào thị trường Mỹ.
Các nhà sản xuất đồ gỗ Trung Quốc đang đứng trước cơ hội tăng xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào thị trường Mỹ, khi chuỗi cung ứng đồ nội thất bằng gỗ vào Mỹ chịu gián đoạn một lần nữa, các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng.
Nguồn cung chính đứt gãy
Kế hoạch bổ sung lao động để mở rộng sản xuất “3 tại chỗ” nhằm giảm bớt áp lực về tiến độ giao hàng của Công ty Long Việt thời điểm cuối tháng 7 đã bị hủy bỏ, khi phát hiện 248 lao động dương tính với virus SARS-CoV-2. “Chúng tôi đã dành mọi nguồn lực vào bảo đảm an toàn cho công nhân”, Bùi Như Việt, Tổng Giám đốc Long Việt, cho biết. Ông cho đây là “giải pháp tốt” dù chỉ duy trì được 20% công suất, đáp ứng một phần các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ những tháng cuối năm.
Việt Nam, một nguồn cung chính đồ nội thất bằng gỗ vào thị trường Mỹ, đang khó trong sản xuất và phân phối. Theo báo cáo nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản có hơn 50% doanh nghiệp phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất. Do vậy, trong 3 tháng gần đây, giá trị xuất khẩu đã có sụt giảm đáng kể, bình quân 3 tháng 6,7,8 giảm hơn 16% so với các tháng liền kề trước đó. Riêng tháng 8 ước giảm hơn 22% so với tháng 7.
Tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam vào thị trường Mỹ đã chậm lại kể từ hồi tháng 7 và giảm mạnh vào tháng 8, khi nhiều tỉnh thành, địa phương cả nước thực hiện lệnh giãn cách, khiến hoạt động sản xuất chế biến gỗ bị ngưng trệ. Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ của Việt Nam trong tháng 8/2021 đã giảm 24,2% so với tháng 8/2020 - Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm sau chuỗi dài tăng trưởng liên tục kể từ tháng 6/2020.
Mỹ nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, xét về cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ. Việt Nam, thị trường cung cấp lớn nhất nội thất phòng khách và phòng ăn cho thị trường Mỹ, kế đến là thị trường Trung Quốc, EU, Mexico, Indonesia và Malaysia. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trong 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam cung cấp lớn nhất mặt hàng này cho Mỹ, đạt 4,9 tỷ USD tăng 81,9% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 39,5% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ.
Vẫn khó dù có cơ hội
Các nhà sản xuất đồ gỗ Trung Quốc có thể hưởng lợi khi nguồn cung từ Đông Nam Á đứt gãy, nhiều cảng biển phải đóng cửa cùng với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân công và nguồn cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất. Thế nhưng, những khó khăn này cũng gây không ít hệ lụy cho nền sản xuất của Trung Quốc.
Dữ liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương, cho thấy, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tiếp tục có dấu hiệu suy yếu rõ nét. Doanh số bán lẻ và hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Trung Quốc đã giảm tốc trong tháng 8/2021 trong bối cảnh hàng loạt biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8/2021 tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức dự báo tăng 5,8% và đánh dấu tốc độ tăng thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Doanh số bán lẻ cũng chỉ tăng 2,5% trong tháng 8/2021 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 7,0% và đánh dấu mức tăng chậm nhất từ tháng 8/2020.
Kinh tế Trung Quốc đã phục hồi đáng kể trong những tháng đầu năm khi số ca nhiễm giảm, nhưng tăng trưởng đã chậm lại trong vài tháng qua khi Covid-19 bùng phát trở lại. Trước rủi ro ngày càng tăng, giới đầu tư Trung Quốc kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) trong ngắn hạn sẽ sớm hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc sau đợt cắt giảm trong tháng 7/2021 nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Một khó nữa Trung Quốc phải vượt qua để có được tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ cao hơn vào thị trường Mỹ. Việc một số mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam có mức tăng trưởng cao tiềm ẩn rủi ro về gian lận thương mại. Thông báo điều tra 5 công ty của Mỹ nhập khẩu ván ép từ Việt Nam, động thái của chính phủ Mỹ cho thấy họ nghi ngờ các công ty này nhập khẩu ván được sản xuất từ Trung Quốc, dán mác Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Thị trường nội thất Mỹ rộng mở cho nguồn cung chính như Việt Nam, nhưng cũng áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe và kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, tính hợp pháp của sản phẩm gỗ. Các cơ quan quản lý Hoa Kỳ sử dụng nhiều công cụ khác nhau để đảm bảo sự tuân thủ quy định gỗ hợp pháp thông qua giám sát chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến sản phẩm.
Sự nghi ngờ này là có cơ sở. Năm 2018, khi Chính phủ Hoa Kỳ áp đặt mức thuế cao tới 25% đối với hầu hết các loại đồ nội thất Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu nội thất nước này vào Mỹ liên tục giảm mạnh. Nhưng phải đến năm 2019, thị trường mới chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất xuất khẩu nội thất Trung Quốc vào thị trường Mỹ, giảm tới 28% xuống còn 9,7 tỷ USD, theo Furniture Today, một trong những tạp chí chuyên ngành nội thất.
Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia của tổ chức Forest Trends, nhận thấy, mức thuế mới sẽ khiến các nhà nhập khẩu của Mỹ hạn chế nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Trung Quốc. Để tránh rủi ro, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải tìm đến nguồn hàng từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Dẫu vậy, cuộc chiến này, ông Vinh cảnh báo có thể dẫn tới sự dịch chuyển trong đầu tư vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam từ các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và làm gia tăng những tác động tiêu cực đối với ngành gỗ của Việt Nam. Theo Báo cáo “Thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc 2015 – 2020 của Tổ chức Forest Trends và các hiệp hội gỗ, tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Trung Quốc sang Việt Nam tăng khoảng 4,3%/năm.
Với tình hình tiêm vaccine và tiến tới miễn dịch toàn cầu hiện nay, những tháng cuối năm, thị trường còn tiếp tục có những thông tin lạc quan hơn, trong khi cuối năm là thời điểm chỉnh trang nhà cửa để đón Giáng sinh và năm mới. Trong bối cảnh đó, các nguồn cung từ Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, sẽ không dễ dàng từ bỏ mục tiêu đặt ra cho năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15 tỷ USD. Hiện Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ việc tiêm vaccine cho người dân. Theo dữ liệu của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến trưa 16/9, Việt Nam đã thực hiện được 32,375,467 mũi vaccine COVID-19.
Nguyễn Hoàng (Gỗ Việt số 137, tháng 9 năm 2021)
- Quy mô sản xuất đồ nội thất của Trung Quốc tăng mạnh trở lại
- Tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất và tái phục hồi: VIFOREST gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ
- Kịch bản nào cho tăng trưởng xuất khẩu ngành gỗ?
- Phương án sản xuất thời dịch: Tăng tính tự chủ của doanh nghiệp
- Đã qua rồi thời “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
- Nhập khẩu ván sợi từ Trung Quốc tăng đột biến trong nửa đầu năm 2021
- Giá logistics tăng cao thúc đẩy bán CIF
- Sản xuất “3 tại chỗ”: Doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án diễn tập với mọi tình huống
- Thị trường gỗ xây dựng khan hiếm và đang tăng giá mạnh tại EU
- Xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc tăng mạnh
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh