Cú “bắt tay” của ngành gỗ và cao su
Trong bối cảnh ngành chế biến, XK gỗ ngày một chật vật vì thiếu nguyên liệu, ngành cao su lại loay hoay tìm lối đi khi giá bán liên tục sụt giảm thì việc “bắt tay” nhau, đẩy mạnh đưa gỗ cao su vào phục vụ ngành chế biến gỗ đang là “con tính” được cả DN đôi bên cân nhắc.
Lối mở
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan: Tính đến hết tháng 4, XK cao su thiên nhiên ước đạt 252.416 tấn với giá trị khoảng 360,67 triệu USD, tăng 33,9% về lượng nhưng giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đơn giá XK cao su bình quân 4 tháng chỉ đạt khoảng 1.429 USD/tấn, giảm tới gần 28%. Trên thực tế, trong vài năm gần đây, giá cao su đã liên tục sụt giảm mạnh, từ mức khoảng 5.000 USD/tấn năm 2011 xuống mức hơn 1.400 USD/tấn như hiện nay.
Từ đầu năm đến nay, tại nhiều cuộc họp lớn nhỏ có liên quan tới vấn đề khó khăn trong XK của nhiều mặt hàng nông sản nói chung, cao su nói riêng, bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đều nhấn mạnh, vấn đề lớn nhất của ngành cao su là giá bán liên tục sụt giảm, có nguy cơ bằng hoặc dưới giá thành, đẩy cả DN và người dân vào tình trạng lao đao. Nguyên nhân mấu chốt vẫn là bởi trên thị trường cao su thế giới cung đã vượt cầu. Dự kiến, hết năm nay và thậm chí cả trong năm 2016, tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong bối cảnh khó khăn triền miên, các DN đã phải tính toán nhiều phương án nhằm cố gắng qua “cơn bĩ cực”, chờ thời điểm giá cao su ổn định. Trong đó, tập trung khai thác, chế biến gỗ cao su cũng là giải pháp hiệu quả. “Thực tế, lượng gỗ cao su được chính các DN trong ngành cao su đưa vào chế biến ngày càng tăng. Thậm chí, thời gian qua, do lượng gỗ cao su bị hỏng đổ do thiên tai cũng như tái canh quá lớn khiến các cơ sở chế biến gỗ trong ngành cao su không sử dụng hết nguyên liệu phải đem đi XK”, bà Hoa khẳng định.
Theo bà Hoa, trong năm tới, DN “đầu đàn” trong ngành cao su là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dự kiến sẽ thanh lý khoảng 30 nghìn ha cao su đã hết thời gian khai thác mủ để khai thác gỗ, lượng gỗ khai thác dự kiến lên tới 8-9 triệu m3 nên gỗ cao su càng dư thừa. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nói riêng và các DN trong ngành cao su nói chung rất mong lượng gỗ NK sẽ giảm bớt để các DN trong ngành chế biến, XK gỗ sử dụng ngay nguyên liệu gỗ cao su trong nước, vừa giúp tiết kiệm chi phí lại giải quyết phần nào khó khăn cho ngành cao su.
Trong khi ngành cao su kinh doanh ế ẩm thì ngành chế biến, XK gỗ dường như lại ở vào tình thế trái ngược. Nhìn lại suốt thời gian qua, điều dễ thấy là kim ngạch XK gỗ tăng trưởng khá nhanh nhưng không bền vững do luôn thiếu nguyên liệu, phải phụ thuộc nguồn NK. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ Việt Nam đã, đang và sẽ còn thiếu nguyên liệu trong dài hạn. Hiện nay, Việt Nam nhập gỗ từ 60-70 quốc gia trên thế giới, tuy nhiên chỉ tập trung vào một số quốc gia như như Mỹ, Lào, Campuchia, EU,… Việc phụ thuộc nguồn gỗ nguyên liệu NK làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có phần bị động và chi phí cũng cao hơn. Trong bối cảnh ngành cao su thừa gỗ, ngành chế biến, XK gỗ lại thiếu nguyên liệu trầm trọng, nhiều chuyên gia cho rằng, thúc đẩy “cái bắt tay” giữa đôi bên là cách làm khá cần thiết và hiệu quả lúc này.
Vẹn cả đôi đường
Trên thực tế, tại buổi đối thoại DN với chủ đề “Vai trò của gỗ nguyên liệu NK trong ngành chế biến gỗ Việt Nam và hướng đi nào cho ngành chế biến dăm gỗ XK?” diễn ra mới đây tại Hà Nội, ở góc độ đại diện cho các DN trong ngành cao su, bà Trần Thị Thúy Hoa đã thẳng thắn đề nghị thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa DN hai ngành gỗ và cao su trong thời gian tới nhằm cùng nhau vượt khó. Đáp lại ý kiến này, không ít DN hoạt động trong ngành chế biến, XK gỗ bày tỏ thiện chí xúc tiến hợp tác.
Đánh giá về động thái này, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho rằng: Đây là cách làm tích cực, hiệu quả, góp phần giải quyết vướng mắc cho cả đôi bên. Trên thực tế, tại nhiều vùng trên cả nước, gỗ cao su đã được sử dụng để làm đồ nội thất XK đi Mỹ, Nhật Bản và được các thị trường “khó tính” này ưa chuộng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện một số DN khẳng định: Thông thường, chu kỳ trồng cao su khai thác mủ được khoảng 25 năm, có vùng chỉ dao động từ 18-20 năm là lượng mủ kém đi. Lúc đó, DN sẽ chuyển sang khai thác gỗ cao su và tiến hành tái canh. Do vậy, nếu hình thành được mạng lưới hợp tác chặt chẽ giữa DN cao su và DN chế biến, XK gỗ, trong tương lai các DN chế biến, XK gỗ vừa có được nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ mà các DN cao su cũng có nguồn thu để giảm bớt khó khăn. Nếu làm tốt, đồ gỗ mỹ nghệ làm từ gỗ cao su không chỉ XK đi Mỹ, Nhật mà còn có cơ hội đẩy mạnh XK sang nhiều thị trường khác. Hầu hết DN đều mong đợi việc thúc đẩy hợp tác được triển khai nhanh để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể cho mình.
Xung quanh câu chuyện hợp tác giữa hai ngành, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết: Trong tháng 6 tới, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và Hiệp hội Cao su Việt Nam sẽ có buổi làm việc trực tiếp để trao đổi kỹ lưỡng mọi khía cạnh. Cụ thể, đôi bên sẽ bàn bạc và thống nhất các vấn đề như nội dung phối hợp, cơ chế và nguyên tắc trong quá trình phối hợp… nhằm nhanh chóng hiện thực hóa cái “bắt tay” hướng đến mục đích cùng vượt khó.
Thanh Nguyễn
Theo báo Hải Quan
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh