Tiến trình đàm phán FLEGT giữa Việt Nam và EU:Tìm điểm chung để ngành gỗ vươn xa

13/06/2015 17:32
Tiến trình đàm phán FLEGT giữa Việt Nam và EU:Tìm điểm chung để ngành gỗ vươn xa

Tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) thuộc Chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) (gọi tắt là VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2015. Đây, sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam vào thị trường EU, nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp. Tạp chí Gỗ Việt đã có cuộc trao đổi với ông Cao Chí Công, phó tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) để làm rõ hơn về quá trình đàm phán này.

GV: Năm 2014, tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 6,4 tỉ USD vượt so với dự tính ban đầu  200 triệu USD, xin ông hãy cho biết triển vọng về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam trong năm 2015 này?

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sơ bộ 03 đầu tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ các loại ước đạt 1.428 triệu USD giảm so với cùng kỳ năm 2014; tuy nhiên, riêng đồ gỗ xuất khẩu đạt 995,2 triệu USD, tăng 2,07 % so với cùng kỳ năm 2014. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của nước ta sang một số thị trường chủ lực tăng: thị trường Hoa Kỳ tăng 14,3%, Nhật Bản tăng 22,47%, Hàn Quốc tăng 6,7%, Anh tăng 13,2%, Canada tăng 22,8%. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang một số thị trường như Trung Quốc, Đức, Pháp lại giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chính của việc tăng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ là do các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường này trong thời gian qua, nguyên nhân nữa là việc đồng USD tăng giá dẫn đến các doanh nghiệp có lợi khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Trái lại, các thị trường châu Âu có xu hướng giảm do đồng Euro giảm giá so với đồng USD.

Theo xu hướng, về cơ bản kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng so với năm 2014 do duy trì được các thị trường Mỹ, Nhật bản, Hàn Quốc… và do giá xăng dầu giảm đang ở mức thấp, dẫn đến chi phí sản xuất giảm theo. Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó khăn ở thị trường châu Âu do người dân thắt chặt chi tiêu và đồng Euro giảm giá. Do vậy để đẩy mạnh xuất khẩu, các cơ quan quản lý nhà nước phải theo dõi sát diễn biến của thị trường xuất khẩu và có những giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh cung cấp gỗ nguyên liệu trong nước đáp ứng được yêu cầu sản xuất và từng bước giảm nhập khẩu gỗ nguyên liệu, tìm kiếm thị trường mới.

GV: Việt Nam và EU đang trong quá trình đàm phán, quá trình này đã kéo dài trên 3 năm, ông có thể đánh giá bước đầu về những kết quả đã đạt được?

Việt Nam và EU chính thức đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyên VPA/FLEGT từ tháng 11/2010. Hai năm đầu tiên hai bên chưa thực sự đàm phán mà đó là thời gian hai bên tìm hiểu thông tin . Đặc biệt là phía EU cần tìm hiểu thông tin về về hệ thống quản lý ngành lâm nghiệp, thực trạng ngành chế biến xuất khẩu gỗ và chuỗi cung ứng gỗ của Việt Nam. Hai bên thực sự đàm phán từ tháng 12/2012, tập trung vào 7 nội dung chính:

- Danh mục hàng hóa đưa vào hiệp định VPA để cấp phép FLEGT;

- Khuôn khổ định nghĩa gỗ hợp pháp Việt Nam

- Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp TLAS

- Qui trình thủ tục cấp phép FLEGT

- Đánh giá độc lập hệ thống TLAS

- Cung bố thông tin cho công chúng

- Chức năng nhiệm vụ của Ủy bản Hỗn hợp thực hiện Hiệp định  

Đến  nay, hai bên đã nhất trí được nhiều nội dung trong đó có Danh mục hàng hóa đưa vào Hiệp định để cấp phép FLEGT, các nguyên tắc, tiêu chí và chỉ sổ của định nghĩa gỗ hợp pháp, qui trình, cơ quan xác minh và cơ quan cấp phép FLEGT, công bố thông tin cho công chúng và Chức năng nhiệm vụ của Ủy bản Hỗn hợp thực hiện Hiệp định; 

GV: Theo ông, Việt Nam gặp những vướng mắc gì trong quá trình đàm phán Flegt và lộ trình đàm phán tiếp theo của hai bên?

Sự khác biệt về hệ thống quản lý rừng và về đối tượng tham gia trong chuỗi cung ứng giữa EU và Việt Nam, dẫn đến  quan điểm về xây dựng hệ thống TLAS còn có một số nội dung khác nhau giữa hai bên. Trong khi ở EU các chủ rừng thường quản lý diện tích lớn hàng trăm ha, tự đầu tư vốn, hoạt động như một doanh nghiệp, thì ở Việt Nam các chủ rừng là hàng triệu hộ gia đình được nhận đất lâm nghiệp thông qua chính sách giao đất giao rừng và đầu tư trồng rừng của Chính phủ trong những năm qua. Tương tự, ở Việt Nam có hàng nghìn cơ sở  thu mua, chế biến gỗ hoạt động theo mô hình kinh doanh gia đình hơn là kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp như của EU. Do vậy, nếu áp tất cả các chuẩn mực quốc tế về đất đai, lao động, tài chính như hệ thống TLAS đòi hỏi là không phù hợp. Hai bên đang cố gắng đề xuất và đưa ra giải pháp cho những điểm còn khác biệt để có thể kết thúc đàm phán VPA vào cuối năm 2015.

GV: Ông có thể đưa ra những nhận định nào về sự tác động của VPA/FLEGT đối với các doanh nghiệp  chế biến gỗ Việt Nam?

Nếu Việt Nam ký kết được hiệp định VPA/FLEGT với EU thì tác động đầu tiên mang lại đó là tiếp cận thị trường EU một cách dễ dàng hơn vì các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU đã được cấp phép FLEGT không phải làm trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ theo qui chế 995 của EU. Tương tự như thị trường EU, các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc đã áp dụng qui định chặt chẽ  về nguồn gốc gỗ hợp pháp sẽ mở cửa hơn cho các lô hàng gỗ của Việt Nam vì họ tăng niềm tin vào Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam đã được thiết lập sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU.

Tất nhiên, việc thêm khâu xác minh và cấp giấy phép FLEGT theo qui định của hiệp định VPA/FLEGT sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính cho cả phía cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU. Do vậy, để hạn chế chi phí (tài chính và thời gian) do thủ tục hành chính này phát sinh, phía ta đang đàm phán với EU sử dụng những biện pháp như: cấp phép FLEGT theo doanh nghiệp, phân loại doanh nghiệp để xác minh và sàng lọc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật dễ dàng được cấp phép FLEGT.

Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Gỗ Việt