Để bức tranh xuất khẩu sáng hơn

27/05/2024 12:44
Để bức tranh xuất khẩu sáng hơn

Dù ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2024 đạt 25% so với cùng kỳ nhưng ngành gỗ vẫn cần phải tích cực hơn nữa để duy trì giá trị tăng trưởng trong những tháng sắp tới.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,36 tỉ USD, tăng 4,7% so với tháng 3/2024 và tăng 24,7% so với tháng 4/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 938,7 triệu USD, tăng 5,8% so với tháng 3/2024 và tăng 19,9% so với tháng 4/2023.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,9 tỉ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,35 tỉ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực trong 4 tháng đầu năm 2024 được nhận định là nhờ nhu cầu tăng tại các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính như Hoa Kỳ và các thị trường trong khu vực châu Âu. 

Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới các thị trường chính đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực. Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 667,8 triệu USD, tăng 38,3%; Canada đạt 77,5 triệu USD, tăng 29,2%; Anh đạt 73,2 triệu USD, tăng 21,3%; Australia đạt 46 triệu USD, tăng 28,7%...

Tại thị trường Hoa Kỳ, chính phủ nước này đang có những động thái về cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực EU cũng đã vượt qua giai đoạn suy thoái, lượng tồn kho của giai đoạn trước đây đã hết, khu vực này cũng bắt đầu tăng nhập khẩu trở lại.

Trao đổi với Tạp chí Gỗ Việt, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương - cho hay, tăng trưởng xuất khẩu gỗ 4 tháng đầu năm 2024 mới chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp Việt Nam đơn hàng khá yếu, công suất hoạt động của doanh nghiệp ngành gỗ trong nước chỉ đạt khoảng 40-70%. Đơn hàng ngắn, thời gian đặt hàng ngắn, giá nguyên liệu tăng cao khiến chi phí tăng cao. Trong khi đó, các đối tác khách hàng lại đặt vấn đề giảm giá. Việc này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đối diện với khó khăn kép.

“Gỗ sồi trước đây giá mua vào chỉ 480 USD/ m3 thì nay lên 630 USD/m3, tăng hơn 20%. Gỗ thông cũng tăng 40- 50 USD/m3. Gỗ keo tăng không đáng kể nhưng gỗ keo cây lớn không có nhiều. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chịu chi phí vận chuyển tăng”, ông Nguyễn Liêm chia sẻ, "Nhiều mặt hàng làm thiết kế rất đẹp, nhưng đôi khi các nhà mua hàng đặt vấn đề cái chân hay cái vai sản phẩm nhỏ đi 1 chút, điều này đồng nghĩa với tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí vận chuyển,… để hạ giá thành". 

Tuy nhiên, với đối ngành hàng gỗ, đôi khi việc này còn tốn thêm chi phí. Bởi hàng làm xuất khẩu đi Hoa Kỳ chủ yếu hàng được sản xuất theo cả dây chuyền công nghệ. Nguyên liệu mua đầu vào đã theo quy cách, với yêu cầu này, doanh nghiệp lại tốn thêm công để xử lý.

Không chỉ ngành gỗ nội thất, ngành ván ép cũng đang đối diện với khó khăn tại thị trường Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Văn Đông - Thư ký chi hội Gỗ dán Việt Nam - thông tin, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu ván ép vào thị trường Hoa Kỳ, đa phần gặp khó, do giá thành xuống quá thấp. Trước đây, doanh nghiệp bán hàng vào thị trường này khoảng 380 - 400 USD/m3 thì nay xuống còn 305 USD/m3.

Theo các doanh nghiệp trong ngành, việc này do các công ty thương mại ép giá, sức mua yếu khiến chính các nhà bán hàng tại thị trường Hoa Kỳ cạnh tranh nhau mua và bán, để có giá tốt nhất để bán. Do đó, họ yêu cầu các nhà bán hàng phải giảm giá.

“Cùng một sản phẩm, nhưng hàng Indonesia giá bán cao hơn. Câu hỏi này doanh nghiệp cũng khó có câu trả lời, vì liên quan đến dòng tiền của nhà mua hàng và nhiều vấn đề khác nữa”, ông Nguyễn Văn Đông cho hay. Tuy nhiên, trong bối cảnh các khách hàng Hàn Quốc, Malaysia thường nhập khẩu dòng ván ép giá rẻ thì với sự quay trở lại tăng tốc nhập khẩu của nhà mua hàng Ấn Độ cũng xoa dịu bớt những khó khăn với các doanh nghiệp làm mặt hàng này.

Hoa Kỳ đang chuẩn bị bầu cử tổng thống. Mọi việc vẫn đang chưa rõ ràng. Lãi suất tại thị trường này chưa giảm như chờ đợi. Những nhà mua hàng sỉ (nhập khẩu) nếu có tồn kho họ sẽ phải vay với lãi suất 7,5 - 8%, con số này cao hơn Việt Nam. Đây cũng là lý do họ không đặt hàng với số lượng lớn. Trong kinh doanh, không doanh nghiệp nào dám vay, dám mượn. Với các doanh nghiệp nhập khẩu, tồn kho giảm bao nhiêu thì họ nhập hàng bấy nhiêu, việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, bởi bị áp lực thời gian giao hàng, doanh nghiệp phải làm tăng ca và nhiều chi phí phát sinh khác khiến doanh nghiệp thu hẹp lợi nhuận.

Ông Nguyễn Liêm cho hay, trong bối cảnh việc quay trở lại thị trường trong nước cũng không dễ, do thị trường bất động sản đứng im, thị trường gỗ công nghiệp cung cấp cho chung cư cũng chưa có cửa sáng. Do đó, trong bối cảnh khó khăn chung, giải pháp mà doanh nghiệp đưa ra đó là cố gắng duy trì đơn hàng và tìm kiếm đơn hàng mới, tăng được chút nào tốt chút đấy.

Nguyễn Hạnh (Gỗ Việt - Số 166)