Sửa đổi, bổ sung pháp luật về lâm nghiệp: Động lực để phát triển kinh tế lâm nghiệp

04/05/2024 06:05
Sửa đổi, bổ sung pháp luật về lâm nghiệp: Động lực để phát triển kinh tế lâm nghiệp

Cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung pháp luật về lâm nghiệp, nhằm đảm bảo hiệu lực thi hành của Luật Đất đai (sửa đổi), vì đây là cơ hội lớn đối với ngành Lâm nghiệp.

 

Kịp thời thay đổi

"Đất đai là tài sản đặc biệt, là nguồn nội lực quan trọng và là nguồn vốn to lớn của đất nước; là tư liệu sản xuất chủ yếu đặc biệt trong sản xuất lâm nghiệp. Vì vậy, chúng ta cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách lâm nghiệp trên cơ sở Luật Lâm nghiệp 2017, đảm bảo hài hòa với Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường", nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhận định.

Là người đi từ những ngày đầu cùng Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, ông Tuấn hiểu được tính cấp thiết của việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về lâm nghiệp, nhằm đảm bảo hiệu lực thi hành của Luật Đất đai (sửa đổi). 

Để khắc phục được thực trạng thống kê, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp thiếu nhất quán hiện nay, là cơ sở để phát triển lâm nghiệp một cách bền vững hơn, Điều 9 của Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nhóm đất nông nghiệp gồm 7 loại: Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất chăn nuôi tập trung; Đất làm muối; Đất lâm nghiệp khác.

Nhóm đất chưa sử dụng đã được sửa đổi là đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê. Đây là quy định mới so với luật hiện hành. Theo đó, đất lâm nghiệp gồm cả đất có rừng và chưa có rừng sau khai thác trắng hoặc đất trống, đồi núi trọc, núi đá, diện tích đất có mặt nước nội địa xen kẹp nằm trong hệ sinh thái tự nhiên bền vững không thể tách rời, được quy hoạch cho phát triển rừng bằng biện pháp trồng rừng mới, trồng tái canh hoặc khoanh nuôi tái sinh.

Ngoài ra, Điều 79 của Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định chi tiết 32 trường hợp thu hồi đất, đảm bảo sự minh bạch, cụ thể hóa, khắc phục được tính chất chung chung tại các quy định hiện hành. "Ngành lâm nghiệp cần tranh thủ môi trường thuận lợi này để phát triển nhanh khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu sản xuất, chế biến lâm sản tập trung, quy mô lớn, trồng, bảo tồn gen cây đặc sản và dược liệu giá trị cao", ông Tuấn nhấn mạnh.

Về giao đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, ông Hà Công Tuấn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát quy định hiện hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các quy định xây dựng công trình kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng trên đất lâm nghiệp; di dân, tái định cư ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.

4 động lực lớn tăng tốc kinh tế lâm nghiệp

Quá trình hoạch định Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là rất công phu và kéo dài trong vài năm. Lúc đó chúng ta chưa dự báo được hoặc dự báo chưa đầy đủ những thay đổi đang diễn ra ở hiện tại. Đó là hậu quả dai dẳng của dịch bệnh Covid-19, xung đột địa chính trị, lạm phát tăng cao ở các nền kinh tế lớn trên thế giới, thậm chí có thời điểm lạm phát sâu đã tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Cùng với đó là những yếu tố mới mà ngành lâm nghiệp cần nhận diện và thích ứng, trong đó việc Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050; Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU;… Mặc dù vậy, nền tảng nền kinh tế cũng như phát triển lâm nghiệp tương đối ổn định trước những khó khăn, thách thức. Chính phủ cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách cho phát triển lâm nghiệp.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn trình bày tham luận tại hội thảo về chiến lược phát triển lâm nghiệp sáng 27/2/2024

Trở lại với Luật đất đai 2024, ông Hà Công Tuấn cho rằng, có rất nhiều việc đặt ra trong công tác quản lý của ngành lâm nghiệp để tận dụng thời cơ của Luật mới này. Trong đó, có yêu cầu về tích tụ đất đai nhằm phát triển khu nguyên liệu; thống nhất quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trong hệ thống quản lý đất đai; việc phát triển khu lâm nghiệp công nghệ cao. Đây là những quy định rất mới trong Luật Đất đai 2024. Đây là những cơ hội mà chúng ta cần phải tận dụng để phát triển.

Lâm nghiệp vẫn có khả năng duy trì, khôi phục đà tăng trưởng sau 11 năm thực hiện Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo Quyết định 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 8/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, 9 nhóm giải pháp tại Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 và 8 nhóm giải pháp về Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp cũng vẫn còn nguyên giá trị.

"Vì vậy, chúng ta cần nhận diện rõ, xác định được giải pháp cũng như động lực mới trong tình thế hiện tại, để có thể bứt phá, tranh thủ được thời cơ, phục hồi được sự phát triển kinh tế lâm nghiệp", ông Tuấn nhận mạnh đến 4 động lực lớn.

Đầu tiên, ngành Lâm nghiệp phải quyết liệt hơn trong việc thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là ứng dụng trong chuyển đổi số. Đây không phải là giải pháp mới, nhưng chúng ta làm mới các giải pháp hiện có. Trong đó, tập trung vào việc hình thành, thúc đẩy thống nhất việc quản lý chuỗi cung, trong đó, tập trung ứng dụng khcn, công nghệ mới.

Cùng với đó, thúc đẩy và hình thành sàn thương mại điện tử về lâm sản thống nhất trên toàn quốc, không chỉ là sàn giao dịch hàng hóa mà đến một lúc nào đó còn là công cụ chống rủi ro thương mại, đảm bảo quyền lợi mang tính chất bảo hiểm cho người bán và người mua trên sàn.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào việc hình thành thị trường lâm sản trong nước với mục tiêu mà chúng ta mong muốn đó là 5 tỷ USD vào năm 2025, bởi vì “nước đã đến chân rồi”, ông Tuấn nói.

Động lực thứ 2 không mới nhưng sẽ tạo sự thúc đẩy đó chính là cơ chế chính sách. Theo đó, cần thể chế hóa rất nhiều quy định của pháp luật để triển khai đồng bộ giữa quy định của lâm nghiệp và đất đai. Trong đó, Luật Đất đai 2024 là cơ hội để phát triển ngành lâm nghiệp chứ không phải là khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, cần rà soát, sớm trình Chính phủ và đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm sớm ban hành chính sách đặc thù đầu tư cho lâm nghiệp. Cùng với đó, cơ chế chính sách đồng bộ trong quản lý truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp trong tình hình mới.

Động lực thứ 3 dù không mới hoàn toàn nhưng phải làm mới nó đó là tổ chức sản xuất. Trong đó, tập trung phát triển liên kết chuỗi, thúc đẩy hợp tác xã lâm nghiệp để thực hiện việc liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để thực hiện quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng và triển khai chứng chỉ CO2.

Thứ tư, ngành Lâm nghiệp tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách, quy định về dịch vụ môi trường rừng một cách đầy đủ, chi tiết hơn phù hợp với thông lệ và xu hướng quốc tế. Đồng thời mong muốn ngành lâm nghiệp đi đầu trong thí điểm hình thành thị trường tín chỉ CO2 (cả tự nguyện và bắt buộc),…

Luật Đất đai (sửa đổi) yêu cầu về truy xuất nguồn gốc gỗ từ thị trường xuất khẩu, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... đòi hỏi ngành lâm nghiệp phải có những biện pháp kịp thời.

Cao Cẩm (Gỗ Việt số 165, tháng 4 năm 2024)