Thích ứng với quy định chống mất rừng của EU: Đề cao vai trò quản lý nhà nước

30/10/2023 19:37
Thích ứng với quy định chống mất rừng của EU: Đề cao vai trò quản lý nhà nước

Ngày 23/06/2023, EU ban hành Quy định chống mất rừng (EU Deforestation Regulation - EUDR), đối với 7 nhóm hàng nhập khẩu vào EU, trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ. Theo quy định này, gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ được kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm giảm thiểu những rủi ro liên quan tới mất rừng và suy thoái rừng.

Theo đó, các mặt hàng nhập khẩu chỉ được phép lưu thông tại thị trường này nếu đáp ứng được ba điều kiện

Thứ nhất, sản phẩm nhập khẩu là hợp pháp. Hợp pháp ở đây có nghĩa các hoạt động sản xuất, chế biến, vận chuyển, v.v. diễn ra tại quốc gia sản xuất đáp ứng được toàn bộ các quy định pháp luật của quốc gia này.

Thứ hai, quá trình sản xuất sản phẩm không gây mất rừng, với mốc thời gian mất rừng tính từ sau ngày 31/12/2020.

Thứ ba, doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này vào EU phải thu thập thông tin về chuỗi cung và dựa trên thông tin đó đánh giá rủi ro về các khía cạnh tuân thủ pháp luật của quốc gia sản xuất và về mất rừng, từ đó đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

Các thông tin về chuỗi cung, quá trình đánh giá rủi ro và đặc biệt các biện pháp giảm thiểu rủi ro cần được doanh nghiệp công bố trong Due Diligence Statement (tạm dịch là Cam kết thẩm định chuỗi cung). Doanh nghiệp cần phải nộp bản Cam kết này tới cơ quan quản lý nhập khẩu tại EU trước khi đưa mặt hàng này vào EU. Tùy theo quy mô của mình, các doanh nghiệp nhập khẩu có 18 tháng (doanh nghiệp quy mô lớn) hoặc 24 tháng (quy mô vừa và nhỏ) tính từ thời điểm EUDR có hiệu lực để chuẩn bị.

Đối với ngành gỗ Việt Nam, vai trò của quản lý nhà nước trong quá trình xếp loại rủi ro với quốc gia/ vùng sản xuất (country benchmarking) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính phủ Việt Nam cần chủ động tiếp cận và thực hiện đối thoại với EU, đồng thời cung cấp các thông tin cần thiết, đặc biệt là các hoạt động, nỗ lực chống mất rừng và quản lý rừng bền vững, nhằm giúp cho quá trình này diễn ra theo hướng khách quan và có lợi cho ngành gỗ Việt Nam.

Trong năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 5 cho EU với kim ngạch trị giá 679,7 triệu Euro (tương đương 734 triệu USD), tăng 38% so với năm 2021. Vì vậy, đáp ứng các qui định của EUDR là vô cùng quan trọng với các doanh nghiệp nói riêng và ngành gỗ nói chung.

Theo EUDR đặc điểm của chuỗi cung tại quốc gia/ vùng sản xuất là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá và xếp loại mức độ rủi ro của quốc gia/ vùng đó. Chuỗi cung càng phức tạp/ dài, với nhiều bên tham gia và nhiều hoạt động và nhiều bên tham gia tại khâu trung gian thì khả năng truy xuất nguồn gốc (traceability) càng khó khăn và ngược lại. Nói cách khác, chuỗi cung càng phức tạp thì tính rủi ro trong việc tuân thủ với các yêu cầu của luật pháp đối với các hoạt động tại các khâu trong chuỗi càng lớn.

Hiện tại, chuỗi cung của ngành gỗ đang khá phức tạp. Trừ nguồn cung từ các diện tích đã đạt chứng chỉ bền vững, các nguồn cung hiện tại khó có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Rủi ro về mất rừng liên quan tới quá trình sản xuất sản phẩm gỗ là thấp vì diện tích rừng trồng tại Việt Nam đã ổn định từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc thu thập và tài liệu hóa các bằng chứng để minh chứng cho điều này đòi hỏi cần có đủ nguồn lực về con người, kỹ thuật và tài chính do có hàng triệu hộ trồng rừng tham gia cung cấp nguyên liệu cho ngành gỗ.

Chúng tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam cùng với các doanh nghiệp và đối tác cần dành ưu tiên về nguồn lực để thực hiện việc này càng sớm càng tốt. 

Cần chủ động thiết lập kênh kết nối trực tiếp với EU

EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Vì vậy, kết quả EU xếp loại rủi ro cho Việt Nam có tác động quan trọng đối với các hoạt động xuất khẩu gỗ cũng như các mặt hàng nằm trong qui định của EUDR.

Trước khi EUDR chính thức đi vào thực thi, Việt Nam cần chủ động thiết lập kênh kết nối trực tiếp với EU nhằm cung cấp thông tin, thảo luận và thống nhất về các tiêu chí xếp loại rủi ro. Điều này góp phần giảm thiểu các thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam trong tương lai.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, đánh giá chuỗi cung của ngành gỗ, chủ động chia sẻ thông tin với EU về thực trạng của chuỗi cung, tăng cường hoạt đông kiểm soát và truy xuất chuỗi, bảo vệ rừng tự nhiên. Đây là nguồn thông tin đầu vào quan trọng giúp quá trình xếp loại mức độ rủi ro đối với quốc gia/vùng sản xuất của EU diễn ra thuận lợi và khách quan. Thiếu các thông tin đầu vào này có thể dẫn đến kết quả Việt Nam bị xếp vào nhóm rủi ro cao. Điều này sẽ mang lại tác động tiêu cực lớn cho ngành.

Theo EUDR, EU sẽ đánh giá rủi ro mất rừng ở cấp quốc gia sản xuất hoặc vùng địa lý trực thuộc quốc gia đó dựa trên một số tiêu chí liên quan đến nguy cơ mất rừng ở quốc gia/vùng này, bao gồm tốc độ mất rừng và suy thoái rừng tại quốc gia, tốc độ mở rộng diện tích đất sản xuất các loại sản phẩm liên quan và các xu thế sản xuất các sản phẩm liên quan. 

Bên cạnh đó, EU cũng có thể quan tâm đến các thông tin khác phục vụ quá trình xếp loại rủi ro đối với quốc gia/vùng sản xuất, bao gồm: thông tin cung cấp bởi cơ quan quản lý từ quốc gia /vùng sản xuất, thông tin từ công ty, từ các tổ chức phi chính phủ, từ bên thứ ba, v.v. về nỗ lực giảm phát thải trong nông, lâm nghiệp và các loại hình sử dụng đất, các hiệp định hoặc cơ chế khác mà quốc gia đã ký với EU có liên quan tới khía cạnh giải quyết nguyên nhân làm mất rừng và suy thoái rừng. Việc quốc gia sản xuất có đang thực hiện Điều 5 Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (chống mất rừng và suy thoái rừng qua vận hành của thị trường các bon) hay không và mức độ chia sẻ và phổ cập thông tin về các hoạt động thực thi pháp luật, bao gồm cả việc bảo vệ quyền của cộng đồng, quyền người bản địa cũng là một tiêu chí quan trọng.

Khi thực hiện đánh giá và xếp loại quốc gia/ vùng sản xuất, EU sẽ chú trọng đến các khía cạnh như sự chủ động tham gia chống mất và suy thoái rừng của quốc gia đó hay mức độ đảm bảo các quyền và sinh kế của cộng đồng người dân tộc thiểu sống sinh sống gần rừng tại quốc gia/ khu vực đó. EU sẽ công khai các dữ liệu, tiêu chí được sử dụng là cơ sở quyết định xếp loại rủi ro hoặc thay đổi xếp loại, cũng như phản hồi của các quốc gia được xếp loại.

Trong quá trình xếp loại các quốc gia/vùng sản xuất, EU sẽ thực hiện tham vấn và đối thoại với các quốc gia có nguy cơ bị xếp vào nhóm “rủi ro cao”. Đồng thời, EU sẽ chính thức thông báo cho quốc gia ý định của EU trong việc thay đổi xếp loại rủi ro của quốc gia/ vùng và đề nghị các quốc gia/vùng cung cấp bất cứ thông tin có giá trị nào nhằm phục vụ việc thay đổi xếp loại này.

Để thích ứng tốt với các yêu cầu của EUDR, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành liên quan khác, đặc biệt là Bộ tài nguyên và môi trường với mục tiêu thống nhất cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng và đất nông/lâm nghiệp. Theo quy định của EUDR, nhà nhập khẩu cần cung cấp thông tin tọa độ của thửa đất sản xuất kèm theo các bằng chứng khác để chứng minh quá trình tạo ra sản phẩm không gây mất rừng. Tuy Việt Nam ít có nguy cơ bị xếp loại rủi ro cao về mất rừng do diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên đã ổn định trước thời điểm 31/12/2020 từ lâu, việc chứng minh điều này không đơn giản trên thực tế.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý và các hiệp hội ngành hàng cần rà soát, đánh giá chuỗi cung của ngành gỗ, thiết kế và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao tính minh bạch trong chuỗi cung, đặc biệt là về khía cạnh truy xuất nguồn gốc, đồng thời chủ động chia sẻ thông tin về thực trạng của chuỗi cung với EU.

Việc chủ động, tăng cường đối thoại với EU bằng tinh thần cầu thị sẽ góp phần thúc đẩy EU có những đánh giá khách quan về Việt Nam trong các khía cạnh rủi ro khi xếp loại quốc gia/ vùng sản xuất.

Điều này không chỉ quan trọng đối với việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR mà còn để chuẩn bị cho việc đáp ứng yêu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn khác của Việt Nam như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Canada, Australia… bởi các quốc gia này cũng đang cân nhắc áp dụng các cơ chế tương tự như EUDR đối với các loại hàng hóa nhập khẩu.

Gỗ Việt (Tô Xuân Phúc & Kim Anh - Forest Trends)