Ngành gỗ nhìn từ mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Mỹ
Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam vào đầu tháng 9 vừa qua để mở ra kỉ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước, và việc nâng cấp quan hệ là bước tiến quan trọng, mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương, trong 8 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn và tỉ lệ lạm phát tăng cao tại Hoa Kỳ làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể. Việc FED liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đã làm nhu cầu tiêu dùng tại Hoa Kỳ đi xuống vì lãi suất cao.
Bên cạnh đó, yếu tố chu kỳ, dự trữ hàng tồn kho tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng cho năm 2023, khi nhiều tổ chức đánh giá FED đã đi đến giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất sức mua và niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ đang tăng trở lại.
Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.
Cũng đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với dân số 338 triệu người, hằng năm Hoa Kỳ nhập khẩu trên 200 tỉ USD các loại nông lâm thủy sản để đáp ứng nhu cầu trong nước. Các sản phẩm Hoa Kỳ nhập khẩu lớn là thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.
Như đã biết, Hoa Kỳ luôn nằm trong nhóm thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói riêng và ngành gỗ nói chung. Năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 8,67 tỉ USD (giảm 1%), nhưng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ năm 2022 đạt 13 tỉ USD, chiếm 24,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ra toàn thế giới, tuy nhiên chỉ chiếm khoảng 6,7% giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản của Hoa Kỳ, do vậy tiềm năng để Việt Nam mở rộng thị trường Hoa Kỳ còn rất lớn.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện.
Đặc biệt, bất chấp việc cạnh tranh và sự thu hẹp tại trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam rất tích cực bám sát thị hiếu và liên tục thay đổi để thích nghi với tình hình hiện tại. Đồng thời, sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị-kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khuyến nghị, với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn "sản xuất xanh", chuỗi cung ứng "sạch và bền vững".
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các tiêu chuẩn “sản xuất xanh".
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm ngành gỗ, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ. Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, doanh nghiệp cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm các thị trường ngách, để giảm thiểu rủi ro.
Hoa Kỳ là một thị trường nhập khẩu cực lớn, tuy nhiên đây cũng là một thị trường siêu cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp gỗ phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu, cũng như phát triển thị trường, đầu tư cho việc nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hoá, để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các quy định về phát triển bền vững ngày càng cao.
Tại thị trường Hoa Kỳ, sự hiện diện của các nhà sản xuất và nhà cung ứng hàng đầu trên thế giới đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam luôn phải sẵn sàng cho sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả và dịch vụ.
Để cạnh tranh hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần nâng cao chất lượng sản phẩm hay giảm giá thành sản xuất mà còn phải đảm bảo quản lý và chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, gần đây cùng với chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất nội địa, Hoa Kỳ ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại, để bảo vệ các lợi ích của các doanh nghiệp trong nước. Các rào cản phi thuế có thể làm hạn chế tiếp cận thị trường và tăng chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, Hoa Kỳ gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, trong đó, các sản phẩm gỗ cũng là một trong những đối tượng được quan tâm nhiều nhất, nên các doanh nghiệp chế biến gỗ cần phải nâng cao nhận thức và tuân thủ các chính sách pháp luật của hai nước.
Gỗ Việt (Số 159 - Hà Anh)
- Noble House Home Furnishings -nhà sản xuất và bán lẻ đồ nội thất tại Hoa Kỳ nộp đơn xin bảo hộ phá sản
- Giành lại tăng trưởng cho ngành hàng tỷ USD
- Ngành gỗ chắt chiu từng đơn hàng đạt mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD
- Sơ bộ phán quyết cuối của DOC với mặt hàng gỗ dán cứng Việt Nam
- Nhức nhối hoàn thuế giá trị gia tăng
- THÔNG CÁO BÁO CHÍ: Về tình hình chế biến - xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và khó khăn trong việc hoàn thuế GTGT
- Hoa Kỳ gia hạn thời gian điều tra xem xét phạm vi sản phẩm đối với tủ gỗ từ Việt Nam
- Xu hướng kinh doanh nào cho ngành gỗ trong 3 tháng tới?
- Hoa Kỳ tiếp tục gia hạn ban hành kết luận cuối cùng điều tra lẩn tránh thuế đối với gỗ dán
- Bộ Tài chính: Không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng
-
Đại hội Chi hội gỗ dán Việt Nam nhiệm kỳ III, giai đoạn 2024 – 2027
-
Thị trường các bon - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng
-
Ngành Lâm nghiệp đồng hành cùng doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng với EUDR
-
Thiệt hại nặng nề từ bão số 3, doanh nghiệp ngành dăm đề nghị sớm được hỗ trợ
-
Đáp ứng EUDR đối với sản phẩm gỗ và cao su thiên nhiên theo tiêu chuẩn PEFC EUDR