Giành lại tăng trưởng cho ngành hàng tỷ USD
Chuẩn bị bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hơn, với gánh nặng xuất xứ và kiểm dịch, Việt Nam đòi hỏi phải có cách tiếp cận khác trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Ngành gỗ dần thích ứng được với những thay đổi của thị trường toàn cầu và lấy lại tăng trưởng. Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương trong tháng 7, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 3% so với tháng 6 nhưng giảm 15% so với tháng 7/2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 747 triệu USD, giảm nhẹ so với tháng 6 và giảm 13% so với tháng 7/2022.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,9 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 do các thị trường chính chịu tác động nặng nề bởi lạm phát, người tiêu dùng dành sự ưu tiên cho các sản phẩm thiết yếu hơn đồ gỗ. Năm 2022, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu trên 17 tỷ USD.
Bình Dương, một trong các trung tâm chế biến đồ gỗ lớn nhất Việt Nam, đang lo ngại “doanh số xuất khẩu đồ gỗ không đạt khi “thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi”, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, cho hay. “Các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đồng thời xúc tiến vào các thị trường mới, như Trung Đông. “Hiện nay, số đơn hàng mới về chưa nhiều nhưng đủ để các doanh nghiệp chống chịu qua giai đoạn này”, ông nói.
Theo ông Liêm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho doanh nghiệp và giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, nhưng đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại chưa thực hiện đầy đủ chủ trương này. “Doanh nghiệp chưa nhận được thông báo giảm lãi cho các khoản vay cũ, chủ yếu chỉ áp dụng cho các khoản vay mới, thậm chí một số ngân hàng chỉ cho vay khi doanh nghiệp có đơn hàng”, ông Liêm nói.
Thực tế, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng mức tăng liên tiếp trong tháng 6 và tháng 7 cho thấy ngành gỗ đang có dấu hiệu phục hồi. Theo Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương, một số doanh nghiệp trong ngành gỗ đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới, đây là tín hiệu tích cực đối với ngành gỗ.
Hiện nay, yếu tố thị trường là sự quan tâm nhất của ngành gỗ. “Chúng ta kỳ vọng thị trường sẽ khôi phục trở lại vào những tháng cuối năm và ngành sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 khoảng 17 tỷ USD”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận xét. Ông cho biết đã thấy tín hiệu phục hồi kinh tế ở Mỹ, thị trường chính của Việt Nam, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ.
Theo ông Lập, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố tăng trưởng GDP (số liệu điều chỉnh lần thứ 3) là 2%, tăng từ mức 1,3% công bố đợt tháng 5 và cao hơn 0,3% so với dự báo của các cơ quan phân tích, dữ liệu mới đã góp phần khiến bức tranh kinh tế của Mỹ giai đoạn đầu năm trở nên khả quan hơn. Đồng thời, giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định sơ bộ quyết định điều tra chống bán phá giá, chống chợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Do vậy, dự báo khả năng mặt hàng này xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại.
Ngành gỗ đang hướng đến các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững, theo ông Lập. Để nâng cao năng lực cạnh tranh thì ngành gỗ đang tập trung giải quyết vấn đề giải pháp và công nghệ. Vấn đề kỹ thuật và công nghệ là then chốt để nâng cao thương hiệu ngành gỗ, cải thiện năng suất, nâng cao quản trị, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện thị trường như hiện tại để thúc đẩy ngành gỗ trở lại đà tăng trưởng.
Giới phân tích nhận định mặc dù khó khăn đang tiếp diễn nhưng khả năng phục hồi của thị trường đồ gỗ đã đến gần hơn. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, việc định giá cổ phiếu đang ở mức hợp lý do nhu cầu toàn cầu giảm và áp lực tới biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp gỗ vẫn còn, ít nhất cho đến quý 4/2023. Nhận định này của VNDIRECT căn cứ vào lượng hàng tồn kho đã bán hết, khách mua hàng quốc tế đã bắt đầu đến Việt Nam ngày càng nhiều để tìm kiếm sản phẩm cho các đơn hàng mới. Thêm vào đó, giá cước vận chuyển đường biển đã giảm sâu cũng giúp các nhà mua hàng giảm đáng kể áp lực về chi phí và mạnh dạn hơn trong kế hoạch đặt hàng trở lại. VNDIRECT tin rằng sự kiên trì, linh hoạt và đầu tư đúng hướng của các doanh nghiệp sẽ sớm đưa ngành xuất khẩu gỗ trở lại đà tăng trưởng.
Gỗ Việt (Số 158 - Nguyễn Hoàng)
- Ngành gỗ chắt chiu từng đơn hàng đạt mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD
- Sơ bộ phán quyết cuối của DOC với mặt hàng gỗ dán cứng Việt Nam
- Nhức nhối hoàn thuế giá trị gia tăng
- THÔNG CÁO BÁO CHÍ: Về tình hình chế biến - xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và khó khăn trong việc hoàn thuế GTGT
- Hoa Kỳ gia hạn thời gian điều tra xem xét phạm vi sản phẩm đối với tủ gỗ từ Việt Nam
- Xu hướng kinh doanh nào cho ngành gỗ trong 3 tháng tới?
- Hoa Kỳ tiếp tục gia hạn ban hành kết luận cuối cùng điều tra lẩn tránh thuế đối với gỗ dán
- Bộ Tài chính: Không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng
- 3 nhóm kiến nghị được cộng đồng doanh nghiệp gửi lên Thủ tướng
- Quý I/2023, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc giảm mạnh