Xu hướng kinh doanh nào cho ngành gỗ trong 3 tháng tới?

04/06/2023 16:49

Bức tranh sản xuất, kinh doanh của ngành chế biến gỗ kém sáng khi hầu hết các chỉ số được khảo sát đều thấp hơn các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác. Và trong quý II năm 2023, ngành hàng này được dự báo vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn.

Trong báo cáo nhanh xu hướng sản xuất kinh doanh ngành gỗ Việt Nam quý I/2023 và dự báo quý II/2023 vừa được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam công bố cho thấy, công suất sử dụng máy móc của ngành gỗ thấp hơn các ngành chế biến chế tạo khác.

Cụ thể, trong quý I/2023, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo là 72,3%. Có 43,8% doanh nghiệp chọn trong khoảng từ 70% đến dưới 90%; 25,9% doanh nghiệp chọn từ 90% đến 100%; 19,6% doanh nghiệp chọn từ 50% đến dưới 70% và 10,7% doanh nghiệp chọn dưới 50%.

Trong cùng kỳ, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) là 64,8%. Có 44,4% doanh nghiệp chọn trong khoảng từ 70% đến dưới 90%; 16,4% doanh nghiệp chọn từ 90% đến 100%; 21,1% doanh nghiệp chọn từ 50% đến dưới 70% và 18,1% doanh nghiệp chọn dưới 50%.

Tương tự, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của sản xuất giường, tủ, bàn, ghế là 65,3%. Có 39,6% doanh nghiệp chọn trong khoảng từ 70% đến dưới 90%; 17,2% doanh nghiệp chọn từ 90% đến 100%; 25,7% doanh nghiệp chọn từ 50% đến dưới 70% và 17,5% doanh nghiệp chọn dưới 50%.

Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2023 như sau, nhu cầu thị trường toàn ngành chế biến chế tạo trong nước thấp (52,4%), tính cạnh tranh của hàng trong nước cao (47,8%), lãi suất vay vốn cao (37%) và nhu cầu thị trường quốc tế thấp (32,2%).

Trong khi đó, đối với ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), nhu cầu thị trường trong nước thấp (58,6%), tính cạnh tranh của hàng trong nước cao (47,4%), nhu cầu thị trường quốc tế thấp (38,9%), lãi suất vay vốn cao (38,4%).

Với ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, nhu cầu thị trường quốc tế thấp (47%), nhu cầu thị trường trong nước thấp (45,9%), lãi suất vay vốn cao (39,6%); tính cạnh tranh của hàng trong nước cao (38,2%).

Dự báo, chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất kinh doanh của toàn ngành chế biến chế tạo quý II/2023 so với quý I/2023 là 23,5%. Trong đó, chỉ số cân bằng của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) chỉ là 11,8%, chỉ số cân bằng của ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế là -0,8%.

Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý II/2023 so với quý I/2023 của toàn ngành chế biến chế tạo là 23,2%, trong đó chỉ số cân bằng của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) là 11%, chỉ số cân bằng của ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế là 0,3%.

Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới của toàn ngành chế biến chế tạo quý II/2023 so với quý I/2023 là 20,7%. Trong đó, chỉ số cân bằng của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) là 12,2%; chỉ số cân bằng của ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế là -2,3%.

Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng xuất khẩu mới của toàn ngành chế biến chế tạo quý II/2023 so với quý I/2023 là 10,1%. Trong đó, chỉ số cân bằng của ngành Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) là -0,6%; chỉ số cân bằng của ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế là -25,4%.

Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm của toàn ngành chế biến chế tạo quý II/2023 so với quý I/2023 là -12,6%. Trong đó, chỉ số cân bằng của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) là -7,2%; Chỉ số cân bằng của ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế là -12,2%.

Chỉ số cân bằng tồn kho nguyên vật liệu của toàn ngành chế biến chế tạo quý II/2023 so với quý I/2023 là -12,3%. Trong đó, chỉ số cân bằng của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) là -8,5%; chỉ số cân bằng của ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế là -10,7%.

Dự báo, quý II/2023 so với quý I/2023, chỉ số cân bằng sử dụng lao động của toàn ngành chế biến chế tạo là 2,9%. Trong đó, chỉ số cân bằng của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) là -1,6% (12,9% tăng, 14,5% giảm); Chỉ số cân bằng của ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế là -18,6%.

Như vậy, trong quý II này, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn không mấy khả quan.

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương - cho hay, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn, hiện doanh nghiệp đang phải cắt giảm công suất 60%. “Tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay thị trường rất khó tiên liệu, lạm phát tại Hoa Kỳ vẫn tăng, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (Fed) vẫn tăng lãi suất, tất cả mọi tín hiệu thị trường đều kém sáng, doanh nghiệp cũng không biết sẽ định hướng như thế nào”, ông Nguyễn Liêm cho biết.

Nhận định về thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, ông Nguyễn Liêm cho rằng, việc này phụ thuộc vào các đối tác, khách hàng tại thị trường nhập khẩu, khi lượng hàng tồn kho giảm, thị trường tốt lên thì họ mới tiếp tục đặt hàng. Dự báo, khoảng đầu năm 2024 thì trường sẽ bớt khó khăn, doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng lại nhưng chỉ là những đơn hàng nhỏ, thị trường muốn phục hồi thì phải cuối năm 2024. Tốc độ phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế, chính trị thế giới.

Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong ngành gỗ kiến nghị, cơ quan chức năng đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu tại các thị trường chính và thị trường ngách. Giảm lãi suất vay vốn, giảm chi phí thủ tục vay vốn, tiếp cận vốn ưu đãi, cơ cấu thời hạn trả nợ mà không chuyển nhóm nợ xấu. Đồng thời, có các chính sách bình ổn giá nguyên nhiên vật liệu và giá các loại năng lượng (điện) ổn định. Có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh thông thoáng, ổn định.

Thông tin bài báo dựa trên nền Báo cáo của Tổng cục Thống kê, điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng quý tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Gỗ Việt Số 155 (Nhóm Nghiên cứu các Hiệp hội Gỗ)