Đối thoại với doanh nghiệp: Cần tìm hướng đi phù hợp

27/08/2016 15:08
Đối thoại với doanh nghiệp: Cần tìm hướng đi phù hợp

Nhận định về thị trường gỗ của Việt Nam, trong hội thảo “Vai trò của gỗ nguyên liệu nhập khẩu trong ngành chế biến gỗ Việt Nam và hướng đi nào cho ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu” mới đây, ông Tô Xuân Phúc thuộc Tổ chức Forest Trends cho biết, Việt Nam hiện đã trở thành một trong những trung tâm chế biến trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với các sản phẩm chế biến được tiêu thụ trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do không phải là quốc gia có nguồn cung gỗ nguyên liệu nên ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tương đối lớn vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu (trong đó bao gồm nhóm gỗ tròn và gỗ xẻ). Trong khi các quốc gia nhập khẩu gỗ của Việt Nam ngày càng quy định chặt chẽ về tính hợp pháp của gỗ, việc nhập khẩu lượng lớn gỗ nguyên liệu từ các quốc gia nơi có nguồn gốc gỗ vẫn còn nhiều tranh cãi cho thấy sự phát triển của ngành vẫn tiềm ẩn nhiều rủi do về mặt thị trường.

 Trong khi đó, ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ liên tục phát triển trong một thập kỉ qua được cho là nguyên nhân làm mất cơ hội cho ngành chế biến gỗ. Bởi hai ngành này cùng sử dụng nguyên liệu đầu vào là gỗ rừng trồng và 70-80% sản lượng gỗ rừng trồng được đưa vào chế biến dăm phục vụ xuất khẩu. Với các doanh nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu dăm là xuất khẩu nguyên liệu thô, mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội hạn chế.
 Các doanh nghiệp dăm lại cho rằng, diện tích rừng trồng của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây do sự hình thành và mở rộng của ngành chế biến dăm gỗ - ngành đã góp phần cải thiện sinh kế cho hàng triệu hộ dân tham gia trồng rừng. 
 Tranh luận tại buổi đối thoại cũng xoay quanh các cơ chế chính sách của Nhà nước liên quan đến quản lý và phát triển nguồn tại nguyên rừng trồng theo hướng giảm lệ thuộc vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu thông qua việc hạn chế xuất khẩu dăm và khuyến khích trồng rừng gỗ lớn. 
 Theo ông Tô Xuân Phúc, việc hạn chế sự phát triển của ngành dăm nếu tạo được gỗ lớn sẽ tạo cơ hội cho việc gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó đem lại lợi ích kinh tế cho cả ngành chế biến gỗ và người trồng rừng. Việc hạn chế xuất khẩu dăm nhằm tạo gỗ lớn sẽ đạt được hiệu quả nếu các cơ chế chính sách tạo được động lực cho các hộ đầu tư vào trồng rừng gỗ lớn. Để các hộ làm được điều này chỉ áp dụng chính sách thuế xuất khẩu dăm sẽ là chưa đủ. Hộ trồng rừng cần nguồn giống cây tốt, nguồn tín dụng ưu đãi… để đầu tư cho chu kỳ dài hơn so với chu kỳ nguyên liệu cho dăm. 
 Ông Lê Công Cẩn, Giám đốc Công ty TNHH Cát Phú Vũng Tàu bày tỏ, chủ trương làm tăng giá trị gỗ rừng trồng, tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm xuất khẩu của nhà nước là chủ trương đúng và cần được ủng hộ. Tuy nhiên, mỗi hécta rừng trồng đúng tuổi sẽ cung cấp cho ngành chế biến gỗ 70% sản lượng, 30% sản lượng còn lại cho chế biến dăm gỗ, ván dép, viên than nén… Nếu dăm gỗ bị đánh thuế xuất khẩu và quản lý bằng hạn ngạch thì giá trị 30% còn lại sẽ bị giảm, như vậy thu nhập người trồng rừng cũng sẽ giảm. Do vậy, các chính sách mới phải thúc đẩy ngành trồng rừng phát triển theo hướng tăng diện tích, năng suất, giá trị; thu nhập người trồng rừng phải có lãi, có tích lũy để tái đầu tư. 
 Theo các chuyên gia lâm nghiệp, các doanh nghiệp chế biến gỗ cần tăng giá thu mua gỗ để khuyến khích người trồng rừng tăng chu kỳ khai thác gỗ. Việc xác định ưu tiên cho ngành chế biến gỗ hay ngành dăm đòi hỏi phải có những nghiên cứu sát thực về thực trạng của nguồn cung nguyên liêu hiện tại cho cả hai ngành và các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn cung này. 
 Kế hoạch hành động nâng cao giá trị sản phẩm gỗ qua chế biến giai đoạn 2014-2020 đề ra mục tiêu “duy trì khối lượng dăm xuất khẩu 6 triệu tấn” và “đến năm 2020, chế biến dăm xuất khẩu 3 triệu tấn/năm (giảm 3 triệu tấn, tương đương giảm 50% so với năm 2015, bình quân 10%/năm”.
 Đẩy mạnh xuất khẩu 6 tháng cuối năm:  
 
Tại hội nghị Bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm tổ chức tại TP.HCM mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương đã ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp xuất khẩu. 
 Trong 6 tháng cuối năm mặc dù theo chu kì, hoạt động xuất khẩu được dự báo sẽ cao hơn 6 tháng đầu năm. Nhiều mặt hàng bắt đầu được hưởng lợi từ các FTA mới kí kết tạo tiền đề cho phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, mặc dù có nhiều cơ hội để tăng trưởng XK nhưng hoạt động xuất khẩu cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Sự suy yếu của các nền kinh tế và bất ổn chính trị tại các thị trường chủ lực làm giảm nhu cầu tiêu dùng, kéo giá xuất khẩu giảm; biến động khó lường về giá dầu và biến động tỉ giá, tiền tệ của các nước gây tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều nước tăng cường áp dụng các biện pháp hàng rào kĩ thuật yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu… 
 Từ thực tế hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương nhận định việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2016 là một nhiệm vụ khó khăn. Để phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao nhất ngoài việc thực hiện tốt các giải pháp về tài chính, thuế, tiền tệ, cải cách thủ tục hành chính phát triển nguồn hàng. Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, địa phương và Hiệp hội tập trung thực hiện tốt các giải pháp cụ thể đối với từng ngành hàng. 
 Ngoài các giải pháp cụ thể đối với từng ngành hàng, Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ, ngành triển khai các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp như quy hoạch vùng nguyên liệu đảm bảo cung ứng lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao; ổn định rà soát cơ chế chính sách để khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ chế biến cao, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp về lãi suất, thuế, hải quan… 
 Đối với ngành gỗ, mặc dù hoạt động xuất khẩu trong năm 2016 được đánh giá là khá khả quan, tuy nhiên theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch HAWA, để hoạt động xuất khẩu đồ gỗ thuận lợi hơn, Bộ Tài chính nên xem xét mức thuế xuất khẩu đối với một số mã hàng dăm gỗ vừa được điều chỉnh từ 0% lên 2%. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần kéo dài thời gian cho vay ngoại tệ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhẩu khẩu gỗ nguyên liệu. Đồng thời, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tạo điều kiện khuyến khích DN tham gia thị trường gỗ nội địa, hình thành các trung tâm giao dịch gỗ lớn trong cả nước và cung cấp thông tin về hội nhập. 
 Ghi nhận các khó khăn và vướng mắc của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ giải quyết nhanh những khó khăn cho doanh nghiệp như thành lập đường dây nóng và giao cho Cục XNK xử lý các vướng mắc. Thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, ban hành các văn bản về hướng dẫn các cơ hội, thách thức từ các FTA… Ngoài ra, đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền của Bộ Công Thương sẽ được tập hợp và chuyển đến các bộ, ngành liên quan và tham mưu cho Chính phủ để tháo gỡ ngay khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2016. 
GỖ VIỆT số 80
GV TỔNG HỢP