Phát triển rừng trồng gỗ lớn: Bắt đầu từ nguồn giống tốt
Để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, việc chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đã được đặt ra. Hiện tại mới chỉ có hơn 2000 ha rừng gỗ nhỏ được chuyển sang rừng gỗ lớn, và cả nước mới chỉ có 175.000 ha rừng gỗ lớn (chiếm 4,4% diện tích rừng cả nước), đó là con số khiêm tốn.
Đa số người trồng rừng đều ở tình trạng thiếu vốn, nên phải bán non rừng. Trong khi đó, việc phát triển và quản lý giống trong lâm nghiệp còn nhiều bất cập, đó là một trong những lí do khiến việc chọn lựa giống trồng rừng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
BẮT ĐẦU CƠ CẤU TỪ CÂY GIỐNG
“Ngành gỗ muốn cạnh tranh được với các nước, thì về công nghệ phải ngang bằng nhau, bắt đầu từ khâu giống, giống cây phải có chất lượng như các nước phát triển mạnh nguồn nguyên liệu. Và từ công nghệ, cũng như kĩ thuật trồng phải tương ứng với giống cây, đồng thời phát huy lợi thế của thiên nhiên, để có rừng trồng nhanh hơn, chất lượng hơn”, đó là một trong những nhận định thời còn làm quản lý Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn của ông Cao Đức Phát. Ông cũng nhận định, ngành lâm nghiệp nói chung và ngành gỗ nói riêng phải bắt đầu từ thị trường, theo thị trường, chứ không phải nhìn thực địa rồi chọn cây trồng.
Với 14 năm trồng rừng, anh Nguyễn Quốc Khánh ở Sơn Dương, Tuyên Quang chỉ trồng duy nhất một loại cây là keo, và đầu ra của rừng keo chỉ cung cấp cho các nhà máy làm bột giấy và giấy. Sau 7 năm trồng rừng keo đầu tiên, anh thu lãi được 570 triệu đồng. Theo anh Khánh, trong thời gian tới, sẽ không có giống cây lâm nghiệp nào khác ngoài keo được trồng ở đây, vì người trồng rừng như anh không có lựa chọn khác.
Hơn 4 ha rừng keo của anh Khánh sau 7 năm cho thu hoạch hơn 400 m3 khối gỗ, đó là con số lớn. Và sau khi thu hoạch đợt 1, anh cũng như các hộ trồng rừng khác sẽ tiếp tục trồng keo trong đợt hai. Vấn đề nảy sinh ở đây là dù thu lại được kinh tế lớn từ cây keo, nhưng điều đó cho thấy người trồng rừng không chỉ nghèo về cơ cấu giống, mà ngay cả năng suất giống của ngành gỗ cũng là câu chuyện đáng bàn.
Công ty Lâm Nghiệp Sơn Dương, Tuyên Quang là một trong những công ty thực hiện việc cung ứng giống lâm nghiệp, mỗi năm công ty cung ứng 800 nghìn cây giống ra thị trường. Trong 5 năm gần đây, công ty cho biết sự thay đổi cơ cấu giống là rất ít, khiến người trồng rừng không có nhiều lựa chọn. Vấn đề khiến công ty trăn trở chính là nếu muốn trồng keo, phải tạo ra giống keo tốt nhất. Theo bà Vi Thi Hồng, hiện trong cơ cấu loài bắt đầu từ năm 2015, công ty Sơn Dương đã trồng tới 80% keo hom, và nguồn gốc là từ cây keo mô.
Tỉnh Tuyên Quang đã qui hoạch và xác định tổng thể vùng nguyên liệu kinh doanh gỗ lớn trên 11.000 ha. Thế nhưng, theo các nhà quản lý, việc quản lý và phát triển giống cây vẫn còn mang tính tự phát cao. Theo ông Nguyễn Công Nông, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh chưa tự nghiên cứu chưa ra được giống mới của keo vì cơ sở hạ và đội ngũ kĩ thuật nghiên cứu giống là chưa có và chưa đủ điều kiện để nghiên cứu. Theo ông, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cùng các viện khoa học kĩ thuật về cây trồng nên là những đơn vị nghiên cứu và chuyển giao giống cây mới cho các địa phương mới mang lại hiệu quả.
Theo anh Khánh, gia đình anh sẽ bắt đầu chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, nhưng nếu ngay từ thời điểm
này, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp không giúp những người như anh có được nguồn giống tốt, thì việc khai thác gỗ lớn cho ngành công nghiệp gỗ sẽ không thật sự hiệu quả.
CẦN TỔNG CHỈ HUY ĐỂ CUNG CẤP GIỐNG
GS – TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ cho biết, vì Việt Nam có quá nhiều giống cây, nên rất khó chọn. Hiện tại, một số loài có thể trồng để lấy gỗ nguôn liệu thì lại được nước ngoài sang mua giống, như cây trò chỉ được tìm mua nhiều nhất, sau đó là cây xoan đào, tiếp theo là một số cây dổi, một số cây trò hay cây dầu.. Nhưng vấn đề là những cây truyền thống này có thể được trồng trong rừng gỗ nhỏ, trồng ở những rừng nghèo kiệt, nhưng đòi hỏi người đầu tư phải có kĩ thuật và phải có vốn.
Theo các hộ trồng rừng keo được cấp chứng chỉ FSC tại Quảng Trị, họ không chỉ tuân thủ theo mô hình chứng chỉ rừng toàn cầu, mà còn bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng giống cây trồng, để nâng cao hiệu quả kinh tế. Và họ cũng chính là những đại diện tiêu biểu cho ngành gỗ Việt Nam hội nhập với thế giới.
Theo ông Lung, mô hình trồng keo ở Quảng Trị cần được nhân rộng trên cả nước, không chỉ ở khía cạnh tuân thủ luật pháp quốc tế về gỗ, mà còn ở khía cạnh chọn lựa và quản lý giống cây trồng lấy gỗ thật tốt để phát triển kinh tế rừng hiệu quả.
GỖ VIỆT số 80
TRẦN TOÀN
- Nguyên liệu xuất khẩu: Giống cây quyết định khả năng phát triển
- Tác động của Brexit đến ngành gỗ của Việt Nam: Chủ động ứng phó với Brexit
- Cần phát triển bền vững
- Giải bài toán dăm gỗ
- Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Những thách thức mới
- Nhập gỗ nguyên liệu từ các nước tiểu vùng sông Mê Kông: Thận trọng và tránh rủi ro
- Tận dụng TPP để xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Mỹ: Tự kiểm soát tính pháp lý
- Phiên đàm phán cấp cao lần thứ 6 giữa Việt Nam và EU về VPA/FLEGT: Đạt bước tiến quan trọng về các vấn đề chính
- Nhân lực ngành gỗ: Cần nhiều trí tuệ và sự sáng tạo
- Cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc:Tận dụng các hiệp định thương mại
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu