Giải bài toán dăm gỗ

28/07/2016 04:36

 Nếu như 2015 được coi là một năm thắng lợi rực rỡ của ngành gỗ khi xuất khẩu nông, thủy sản đều sụt giảm mạnh mà gỗ vẫn theo đà tăng trưởng tốt thì nửa đầu năm nay, mọi thứ không đi theo như kế hoạch, vì xuất khẩu gỗ giảm nhẹ 0,1%. Nguyên nhân là vì kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ trong 6 tháng qua đã sụt giảm đáng kể về lượng lẫn trị giá.

 Từ năm 2015 trở về trước, bình quân xuất khẩu dăm gỗ đạt khoảng 3,5-4 triệu tấn với doanh thu khoảng 850 triệu USD. Tuy nhiên, từ ngày 1-1- 2016, thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ đã được điều chỉnh từ 0% lên 2%. Điều này khiến đối tác giảm cả khối lượng lẫn giá mua dăm gỗ, đặc biệt là đối tác ở Trung Quốc. Thị trường xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc cho nên khi có biến động sẽ gây tác động rất lớn. Hiện, giá xuất khẩu dăm gỗ đã giảm từ 8-10 USD/tấn. 
BÀI TOÁN CHO DĂM
 Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay tại các tỉnh phía Bắc như Phú Thọ, Quảng Ninh…, lượng dăm gỗ tồn đọng rất nhiều, do để lâu không bán được nên có nhiều dăm gỗ gần như sắp hỏng. Tại làng Ấm Hạ, làng nghề có nhiều xưởng bóc, xẻ và băm dăm, những năm trước đây khu vực này có tới 4 xưởng dăm thì hiện chỉ còn 1 xưởng đang còn hoạt động. 
 Theo anh Tưởng Văn Hiển, hiện dăm đang ế trầm trọng, nếu như năm 2015 trung bình 100 tấn ngày/xưởng, giờ thì không bán được, có hộ chuyển dần sang ván bóc, có hộ thì dừng hoạt động. Các xưởng dăm trước làm ăn được, giờ do giá dăm xuống thấp, không có lãi do vậy không làm. Trước đây dăm gỗ chạy, thì các loại bìa bóc của cây gỗ xẻ ra vẫn bán băm dăm. Keo, bạch đàn, sau khi bóc, xẻ phần dư thừa loại đi thì vẫn làm dăm được. Nhưng hiện tại thị trường đang dừng lại, và giá rất thấp do vậy người dân không làm, hoặc làm bán đi với giá rất rẻ. Vào thời điểm năm ngoái, nguyên liệu phụ của xẻ và bóc còn bán được từ 700-800 nghìn/tấn, giờ thì giá bán chỉ còn 500 nghìn/tấn, có lúc còn không tiêu thụ được.
 Cũng theo anh Hiển, áp thuế dăm gỗ là cần thiết, để giúp ổn định và cân bằng đối với các sản phẩm khác. Tuy nhiên, cần phải xem xét lại thời điểm áp thuế 2%, ở thời điểm hiện tại, Phú Thọ là vùng nguyên liệu, khi gỗ băm dăm nếu mua 1 triệu/tấn thì làm dăm có lãi, nhưng nếu mua 1triệu/tấn mà đưa vào bóc là lỗ
 Một khó khăn khác với dăm gỗ ở Ấm Hạ, anh Nguyễn Văn Trang cho biết, xưởng dăm của anh được đầu tư từ năm 2012, và bán cho công ty ở Quảng Ninh. Nhưng vài tháng trở lại đây, tỉnh này không cho các tàu cơi nới, không đủ chất lượng vào cảng Cái Lân, tàu dăm không vào được đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh. Từ chỗ 300 tấn tươi trên hai xưởng/ngày, giờ chỉ còn khoảng 600tấn/tháng đã cho thấy tình hình khó khăn thế nào.
 Mặt khác, giá dăm rẻ, giá mua nguyên liệu rẻ nên người dân không khai thác rừng nữa, mà giá rẻ là do mức thuế suất, đi kèm với phí vận tải đắt đỏ và bị nhà nhập khẩu ép giá, nên công ty đang chật vật để tồn tại. Hơn hết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không được ưu tiên về chính sách, nguồn vốn thì tự đầu tư, thuế xuất đề xuất để có mức thuế phù hợp, khiến cho mọi thứ càng gian nan hơn. 
 Theo chuyên gia kiểm soát chất lượng của công ty Vijachip tại Phú Thọ, năm nay dăm đang “đuối” hơn rất nhiều và giảm rất sâu. Công ty nhập nhiều nhưng đầu ra đang bị giảm giá, do vậy ảnh hường tới toàn bộ chuỗi cung.Cắt giảm nhân công, ngày công, và cả lương cũng phải giảm. Năm 2015, công ty xuất được 26 tàu một tháng ở cảng Cái Lân, thì năm nay thì không xuất nổi quá 2 tàu.
THÁO GỠ THUẾ VÀ VẬN CHUYỂN
 Để giải quyết các vướng mắc, cần phải xem lại bài toán về áp thuế. Trong khi miền Trung không bị ảnh hưởng về chất lượng dăm gỗ, nhưng lại bị áp giá trung khi xuất khẩu. Nếu thị trường xuất khẩu dăm mất đi thì việc quay lại thị trường đó sau này sẽ rất khó. Theo ông Thăng Văn Thông, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Hào Hưng ở Hải Phòng, trước đây người nông dân bán được rừng với giá cao. Nhưng trong 6 tháng đầu năm, do biến động về giá dăm xuất khẩu, giá xuất khẩu dăm gỗ trên thế giới thấp thêm vào đó là việc áp thuế xuất khẩu 2%, làm giá mua rừng cũng giảm đi phần nào. Trong khi các thị trường nhập khẩu của Việt Nam đang yêu cầu giảm giá, nếu tăng giá bán dăm, thì đối tác nhập khẩu của Việt Nam sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác. 
 Khi thuế áp 2%, mỗi tấn dăm mất 2,5 - 2,8 USD/tấn, ngoài ra ở phía Bắc các chính sách quản lý chưa hợp lý, một vài tỉnh thì dăm gỗ phải đóng cửa, còn vận tải đường thủy gặp khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Thông, các nhà quản lý cần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp về chính sách và vận tải.
 Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, để cải thiện tình hình, có thể giảm thuế để bù vào giá dăm trên thế giới đang thấp. Cần có sự quy hoạch cho ngành dăm gỗ thì sự phát triển sẽ tốt hơn, chính do sự phát triển tràn lan, gây ra cạnh tranh mua, cạnh tranh bán. Cần có chính sách để hoạch định lại dăm gỗ, khống chế sự phát triển nóng của thị trường này. Và các hiệp hội nên được phép quy hoạch theo nhu cầu, để đảm bảo sự phát triển hài hòa và bền vững. Các nhà quản lý cần tạo cơ chế thoáng hơn trong chính sách phát triển của ngành. Dăm tuy là một phần nhỏ của lâm sản nhưng cũng có những đóng góp tích cực vào bản đồ phát triển đối với ngành công nghiệp gỗ. Bên cạnh đó, có những chính sách hỗ trợ cho những người trồng rừng, và khuyến khích ngành phát triển đúng hướng, cốt lõi, không phát triển tràn lan.
GỖ VIỆT số 80
NAM ANH