Nhân lực ngành gỗ: Cần nhiều trí tuệ và sự sáng tạo

25/05/2016 04:12
Nhân lực ngành gỗ: Cần nhiều trí tuệ và sự sáng tạo

Theo Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chế biến gỗ là 1 trong 10 ngành mang lại nguồn thu lớn nhất từ xuất khẩu và có đóng góp đáng kể vào GDP cả nước. Hiện nay cả nước có trên 4200 doanh nghiệp, trong đó 95% doanh nghiệp tư nhân (16% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI), 5% doanh nghiệp nhà nước, 340 làng nghề chế biến gỗ. Còn Ngân hàng thế giới (WB) thì đánh giá, ngành chế biến gỗ có tiềm năng phát triển, có năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Nhân lực cao hiếm
 Công ty Woodlands là doanh nghiệp hàng đầu trong chế biến đồ gỗ ngoại thất với doanh thu trên 36 triệu USD năm 2015. Lượng lao động với khoảng 3000 công nhân là cán bộ lao động trực tiếp và sản xuất chế biến gỗ từ rừng, ngoài ra còn có hàng chục lao động trong các khâu khác. Nhưng trong số này, chỉ có 33 người là kĩ sư, trong đó có 8 người tham gia trực tiếp tại xưởng như cán bộ quản lý, số còn lại làm ở bộ phận PC, nguyên liệu… Thực tế này cho thấy, công ty đang thiếu cán bộ có chuyên môn cao và những người có làm chế biến trực tiếp lại có vẻ không thích thú với việc lao động chân tay và chỉ ưa công việc văn phòng nhàn hạ, bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng giám đốc công ty nói với sự ưu tư và trăn trở.
 Nhìn rộng ra cho thấy, với quy mô khoảng 300.000 lao động trong ngành chế biến gỗ hiện nay thì số lượng cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành chế biến lâm sản chỉ chiếm 2-3%, công nhân kỹ thuật chiếm 20-30%, số còn lại là lao động phổ thông. Trong khi đó yêu cầu số lượng kỹ sư cần từ 7-10% /tổng số lao động (30.000 kỹ sư), như vậy có thể thấy số lượng kỹ sư chế biến lâm sản cần thiết cho ngành phải còn thiếu đến hàng nghìn người/năm. Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt nam, năm 2015 cả nước có trên 4200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, như vậy tính trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ có chưa tới một kỹ sư chế biến gỗ.
 Kỹ sư chế biến lâm sản thường làm công tác quản lý và thực hiện nhiều công việc có liên quan đến gỗ, vật liệu gỗ và làm việc ở các nhà máy chế biến gỗ, công ty sản xuất đồ gỗ, các công ty thiết kế nội thất và sản xuất đồ gỗ, các cơ sở kinh doanh, thương mại về xuất nhập khẩu về gỗ và sản phẩm gỗ trên địa bàn cả nước, các sở ban ngành. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành chế biến gỗ, các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ thì hiện nay nguồn nhân lực ngành Chế biến gỗ đang thiếu trầm trọng.
 Và trước nhu cầu hội nhập ngày càng cao của Việt Nam, khi các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực, cơ hội cho ngành gỗ ngày càng rộng mở, ngành gỗ không thể chỉ chờ đợi vào việc tăng khối lượng xuất khẩu hay mở rộng thị trường, mà còn cần tính tới việc xuất khẩu giá trị sản phẩm ở các khía cạnh như thương hiệu, thiết kế có tính thẩm mỹ và tính ứng dụng cao, thể hiện sự sáng tạo, cũng như trí óc của nhà thiết trong nước.
Tìm hướng đào tạo
 Trong suốt thời gian qua, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam đã đào tạo được 4000 kỹ sư phục vụ cho ngành chế biến gỗ. Nhu cầu tuyển dụng năm 2016, theo tính toán cần đến hơn 200 người. Nhưng đến hết năm 2016 số sinh viên của trường tốt nghiệp năm 2016 sẽ chỉ có 100 sinh viên. Theo ông Vũ Huy Đại, PGS.TS, Viện trưởng Viện công nghiệp gỗ, việc đào tạo là theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng vấn đề hiện tại là nhu cầu của doanh nghiệp nhiều, nhưng lượng sinh viên vào trường không nhiều, đó chính là thực tế không dễ thay đổi trong thời gian trước mắt.
 Đồng tình với ý kiến này, bà Đỗ Thị Bạch Tuyết nêu ra những suy nghĩ của mình, đó là bản thân mỗi sinh viên tham gia học bộ môn này cần phải xác định đây có phải là nghề chính của mình hay không, hay chỉ để đáp ứng nhu cầu có bằng cấp. Đó là câu hỏi rất khó để trả lời, khi đây là một quyết định lớn với mỗi bạn trẻ, những người có xu hướng lựa chọn những ngành học liên quan đến ngân hàng, tài chính hay quản trị kinh doanh.
 Ông Trần Hữu Quân - Phó hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp cho biết thêm, Viện công nghiệp gỗ cũng đã hỗ trợ cho sinh viên rất nhiều những năm qua. Các kỹ sư được thực tập tại các công ty và được các doanh nghiệp trả lương, tìm đầu ra và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và đào tạo., do vậy cơ hội việc làm đối với sinh viên không phải khó khăn mà tay nghề và năng lực của sinh viên tới đâu.
 Trăn trở lớn hiện nay là chuyển đổi hình thức đào tạo theo nhu cầu xã hội và quốc tế cần, vì Việt Nam đã tham gia vào TPP, nên cần định hướng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài đào tạo dài hạn, cũng cần đào tạo những chương trình ngắn hạn, phát triển các mô hình hợp tác đào tạo như Nhà trường – Doanh nghiệp, Nhà trường – Doanh nghiệp – Chính phủ trong đó vai trò của chính phủ là hỗ trợ cho các ngành nghề do nhà nước đặt hàng, vai trò của doanh nghiệp là tham gia quá trình đào tạo và được hưởng lợi từ mức ưu đãi về thuế.
 Để bảo đảm cho nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ nói riêng và các ngành nghề khác nói chung, PGS.TS Vũ Huy Đại cho rằng, các cơ quan chức năng của Nhà nước nên có những dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành nghề trong xã hội trong một giai đoạn nhất định, chẳng hạn hiện tại và 5 năm tới sẽ như thế nào dựa trên sự phát triển của các ngành nghề đó và công bố cho xã hội biết về vấn đề đó và có lựa chọn ngành nghề cho phù hợp, tránh hiện tượng lãng phí như hiện nay “thừa thầy, thiếu thợ”, nhiều người học xong không có việc làm, trong khi đó các ngành khác thiếu nguồn nhân lực.
GỖ VIỆT số 78
Trần Toản