THUẾ DĂM GỖ: LẠI CÂU CHUYỆN CŨ

03/11/2015 04:15
THUẾ DĂM GỖ: LẠI CÂU CHUYỆN CŨ

Những năm vừa qua kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ luôn chiếm từ 13 - 16% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ. Theo số liệu báo cáo của hiệp hội gỗ và lâm sản Việt nam, năm 2013 mặt hàng này xuất khẩu trên 7 triệu tấn dăm khô  đạt 983 triệu USD  trên 5,4 tỉ usd (chiếm 18,2%), năm 2014 là 6,9 triệu tấn dăm khô đạt 958 triệu usd trên 6,23 tỉ usd (chiếm 15,4%). 

Nhưng với công văn số 12084/BTC- CST Biểu thuế XXNK của Bộ tài chính lấy ý kiến về việc nâng mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dăm gỗ từ 0% lên 5%, một lần nữa câu chuyện về tình trạng vừa làm vừa lo lại đặt các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ về vấn đề cũ.

CẦN CÂN NHẮC LỢI HẠI

Dự thảo của Bộ tài chính  trong đó có đề nghị áp dụng mức thuế xuất khẩu đối với dăm gỗ là 5% đã gây ra tâm lý lo ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu dăm. Ông Nguyễn Nị - Chủ tịch hội dăm gỗ Quảng Ngãi cho rằng: Với sản lượng xuất khẩu như trên đã giải quyết hàng triệu việc làm nông nhàn, và tạo việc làm cho lực lượng vận tải.  Nhờ đó đã góp phần xóa đóa giảm nghèo và thực hiện mục tiêu, chính sách của nhà nước về nông thôn mới. Từ năm 2003 cho tới nay, việc gắn kết tốt chế biến với trồng rừng trong khắp cả nước các tổ chức, người dân đều tham gia trồng rừng mạnh nhất là các tỉnh miền trung và Đông Bắc Bộ, đến nay đầu ra cho gỗ rừng trồng cho người trồng rừng khá ổn định. Hơn thế nữa  thực trạng việc sử dụng gỗ rừng trồng những năm gần đây đã đạt được tỷ lệ tận dụng nguyên liệu cao. Ông Nị đưa ra dẫn chứng: nếu như năm 2005, giá gỗ tròn để xẻ tinh chế là 700.000 đồng/tấn, năm 2010: 950.000 đồng/tấn và 2015 là 1.450.000 đồng/tấn trong khi giá gỗ nhỏ và bìa sau tinh chế làm gỗ dăm tương ứng là: 2005: 550.000 đồng/tấn, 2010: 750.000 đồng/tấn và 2015 là 1.250.000 đồng/tấn. Có thể thấy rằng giá gỗ lớn chỉ tăng hơn gỗ nhỏ khoảng từ 15 đến 20% giá trị, nhưng gỗ nhỏ và bìa sau cưa xẻ cho gỗ dăm là tận thu nên có giá trị gia tăng lớn và trước đây những loại phế liệu này chỉ làm củi đốt và chất đốt cho các lò gạch thì nay đã được sử dụng để băm dăm. 

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt nam đã có kiến nghị về vấn đề này. Nếu muốn người  dân trồng rừng gỗ lớn thì cần có chính sách về vốn vay dài hạn, thành lập tổ hoặc hợp tác xã trồng rừng liên khoảnh, liên vùng tránh phát sinh người chặt bán, người để lại dễ gây cháy rừng và chặt chộm. Nếu có các khu rừng liền vùng, liền khoảnh sẽ thuận lợi cho việc làm chứng chỉ rừng bền vững, tăng giá trị. Thực tại nếu gỗ 5 - 7 năm chặt đốn chỉ đạt 120 tấn/1 ha; nếu để 10 năm sẽ sinh khối lượng đạt trên 300 tấn/ 1 ha. Để đạt được năng xuất đó nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, hỗ trợ để người dân thực hiện.

Hiện nay gỗ rừng trồng dân tự phát triển từ các loại giống không đồng đều, chưa có chứng chỉ rừng bền vững. Gỗ chủ yếu có đường kính nhỏ. Vì vậy các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu thiếu gỗ trong nước phải nhập gỗ rừng trồng ở nước ngoài có chứng chỉ FSC với khối lượng gỗ lớn để chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Gỗ nhỏ ở trong nước chủ yếu để sản xuất các loại ván nhân tạo, dăm gỗ và bột giấy.

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt nam chia sẻ:  gỗ có đường kính 15 cm trở lên được sử dụng để sản xuất bàn ghế ngoài trời xuất khẩu, gỗ xây dựng, gỗ bóc, ván ép. Hiện nay dăm mảnh xuất khẩu chỉ sử dụng các cây gỗ có đường kính từ 5cm trở lên, gỗ cành ngọn và phế liệu trong quá trình chế biến đồ mộc được băm thành gỗ dăm mà trước đây loại phế liệu này chỉ dùng  làm củi đốt và làm chất đốt cho các lò gạch và thủ công mỹ nghệ. Khi có các khu rừng gỗ lớn thì những chủ rừng sẽ không đốn gỗ để sản xuất dăm mảnh nữa mà họ chỉ sử dụng phế liệu của gỗ lớn để sản xuất dăm mảnh.

HÃY ĐỂ THỊ TRƯỜNG QUYẾT ĐỊNH

 Câu chuyện về dự kiến áp thuế xuất khẩu 5% đối với dăm gỗ luôn làm cho nhiều doanh nghiệp “đau đầu” - Ông Lê Công Cẩn- Giám đốc công ty TNHH Cát Phú Vũng Tàu - bức xúc, nhiều người đang gán cho ngành dăm gỗ một thứ tội là xuất khẩu nguyên liệu thô, làm cạn kiệt tài nguyên, nguồn lợi quốc gia.

Đồng quan điểm đó Ông Trần Thế Chung - Giám đốc công ty dăm gỗ Vinachip Quảng ninh - Việc nói rằng xuất khẩu dăm gỗ là xuất khẩu thô điều này chưa chắc đã đúng? Xuất khẩu thô  hay  tinh hãy để Quy luật cạnh tranh mua bán diễn ra tự nhiên trong thực tế khẳng định. Không thể dùng xe công nông cải tiến để cạnh tranh với xe container, hoặc lấy nhiều xe công nông để cạnh tranh với xe container.

 Áp dụng 5% thuế xuất khẩu đối với dăm gỗ sẽ tác động đến hộ gia đình trồng rừng, họ đều sinh sống ở miền núi, vùng sâu vùng xa, cuộc sống của họ còn khó khăn và thuộc diện giảm nghèo. Xem xét chưa nên áp dụng thuế xuất khẩu đối với dăm gỗ xuất khẩu với mức 5% vào thời điểm hiện tại. Vì dăm gỗ xuất khẩu chủ yếu là: gỗ tận thu từ cành ngọn, gỗ nhỏ và các loại phế liệu từ sản xuất sản phẩm gỗ.

GV số 72 - tháng 10/2015