Tận dụng thời cơ ngành gỗ Trung Quốc thoái trào

11/06/2015 06:31
Tận dụng thời cơ ngành gỗ Trung Quốc thoái trào

Trung Quốc tuy là nước XK đồ gỗ lớn nhất thế giới nhưng cũng là thị trường lớn về tiêu thụ đồ gỗ. Trong khi nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ ở Trung Quốc đang tăng mạnh thì ngành gỗ nước này lại có dấu hiệu thoái trào. Đây là cơ hội tốt cho ngành gỗ Việt Nam.

Nhu cầu tiêu thụ gỗ ở Trung Quốc đang tăng cao, có thể thấy rất rõ qua những hội chợ đồ gỗ quốc tế được tổ chức gần đây ở Việt Nam hay ở những quốc gia khác. Hội chợ Đồ gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP.HCM 2013 (EXPO 2013), Hội chợ Đồ gỗ và Trang trí Nội thất Việt Nam 2013 (VIFA HOME 2013)… rất nhiều khách hàng Trung Quốc đã sang tham quan và đặt vấn đề mua các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Tại nhiều hội chợ đồ gỗ quốc tế, nếu như trước đây, các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc thường là những người mang đồ gỗ do họ sản xuất đến chào bán, thì một vài năm trở lại đây, đã xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp cũng đến từ Trung Quốc nhưng lại tìm mua đồ gỗ do nước khác sản xuất để phân phối trên thị trường nước này. Theo Tổng cục Hải quan, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của

Việt Nam còn thua Trung Quốc khá nhiều, nhưng xuất khẩu đồ gỗ của nước ta sang thị trường này lại đang tăng trưởng khá tốt. 10 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang Trung Quốc đã đạt 797 triệu USD, tăng gần 200 triệu USD so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, nếu xét riêng các thị trường đơn lẻ, Trung Quốc hiện đã là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam sau thị trường Mỹ. Ngoài gỗ dăm, gỗ nguyên liệu, gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được những đơn hàng đồ gỗ cao cấp với giá trị lớn từ các khách hàng Trung Quốc. Theo tiết lộ của đại diện Cty Nguyễn Thanh tại Hội chợ Đồ gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP.HCM 2013, công ty này đang sản xuất đồ gỗ nội thất do một công ty khác đặt hàng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ở đơn hàng ban đầu, số lượng lên tới 100 container/tháng. Ở những đơn hàng sau, số lượng có thể tăng thêm.

Ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP.HCM (HAWA) cho biết, phần lớn đồ gỗ nội thất của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là hàng cao cấp, làm từ gỗ cứng, gỗ có giá trị cao và được kết hợp với chạm trổ tinh xảo, để phục vụ cho khách hàng là những người có thu nhập cao. Theo nhận định của các chuyên gia ngành gỗ, tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Trung Quốc rất lớn. Bởi ở đất nước với 1,3 tỷ dân này, mức sống của người dân nói chung đang tăng nhanh, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc ngày càng đông đảo, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ ngày càng cao.

Trong khi đó, dù vẫn đang giữ vị thế nước sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất, ngành gỗ Trung Quốc lại đang gặp phải nhiều khó khăn. Trước hết, chi phí nhân công tăng cao đã khiến cho ngành gỗ nước này bị giảm lợi nhuận khá nhiều so với trước đây.

Nhiều doanh nghiệp gỗ Trung Quốc đã phải tính tới chuyện dẹp nhà máy trong nước, đi mở nhà máy ở nước ngoài để sản xuất đồ gỗ xuất khẩu trở lại vào nước này. Một trong những địa chỉ mà các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc đang tìm tới là Việt Nam, do có giá nhân công rẻ hơn.

Mặt khác, có một yếu tố rất quan trọng mà các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần phải chú ý tới, đó là sự thoái trào của ngành gỗ Trung Quốc. Ông Đặng Quốc Hùng cho biết, mấy năm nay, Chính phủ Trung Quốc dành sự quan tâm nhiều hơn tới những ngành công nghiệp như điện tử, lắp ráp máy móc…, là những ngành có hàm lượng chất xám cao, đem lại nhiều giá trị thặng dư.

Do đó, đã giảm sự quan tâm tới những ngành có hàm lượng chất xám và giá trị thặng dư thấp hơn như gỗ, dệt may…Chính vì thế, đây là cơ hội tốt để ngành gỗ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là với những mặt hàng cao cấp.

Ngoài chi phí đầu vào rẻ hơn so với ngành gỗ Trung Quốc, việc xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang nước này còn có những lợi thế khác như cước phí vận chuyển thấp do chỉ bằng 1/6 đoạn đường so với khi đưa hàng sang Mỹ. Sự gần gũi về mặt địa lý cũng giúp cho các doanh nghiệp gỗ nước ta thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, sửa chữa hàng.

Còn theo khuyến cáo của Phòng Nghiên cứu Phát triển thị trường (Cục XTTM, Bộ Công thương), khi định hướng xuất khẩu đồ gỗ sang Trung Quốc, các doanh nghiệp cần tránh những mặt hàng vẫn đang là lợi thế lớn của ngành gỗ nước này.

Cụ thể, hiện nay, ngành sản xuất, chế biến gỗ của Trung Quốc đã được tự động hóa cao. Vì thế, để cạnh tranh được với sản phẩm gỗ của Trung Quốc trên chính thị trường nước này, doanh nghiệp gỗ Việt Nam nên tập trung vào những sản phẩm sử dụng nhiều lao động thủ công (đồ gỗ nội thất, sản phẩm không tập trung các loại ván gỗ), không sử dụng nhiều đến máy móc.

Tuy nhiên, có một điều đang lo ngại là hiện nay, tỷ lệ xuất thô sang Trung Quốc còn chiếm quá lớn. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết, 3 mặt hàng gỗ chính đang được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch và tiểu ngạch là dăm mảnh, gỗ bóc và gỗ palet làm bao bì. Đây đều là những sản phẩm thô giá trị thấp. Nhưng nhờ lượng xuất lớn, mỗi năm tới vài triệu tấn, nên chiếm tỷ trọng cao trong giá trị xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc. Điều này đang gây đau đầu cho các doanh nghiệp gỗ trong nước bởi khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc thu mua gỗ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.

Thanh Sơn ​- Gỗ Việt Số 54