Nhà nước phục vụ - Mô hình cho phát triển doanh nghiệp tư nhân

13/06/2015 17:17
Nhà nước phục vụ - Mô hình cho phát triển doanh nghiệp tư nhân

Định hướng chuyển sang mô hình nhà nước phục vụ và phải hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh được nhiều người quan tâm, cũng như tạo ra nhiều ý kiến đóng góp cho gợi ý này.

Theo ông Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dù rất khó và có rất nhiều việc phải làm để thực hiện được hai định hướng đó. Nhưng đó là việc cần phải làm và triển khai sớm ngay từ thời điểm này. Trong điều kiện Việt Nam (VN) hiện tại, để đạt được mục tiêu này có nhiều việc cần làm. Trước hết,  như ví von của ông, ở VN vẫn còn tình trạng được nói đến rất nhiều, như “hành là chính”, “coi doanh nghiệp như bò sữa”...

Cũng theo ông Thiên, Nhà nước phải tuyên bố rõ các quyền chính đáng của người dân và phải là người bảo vệ các quyền đó. Đây là chức năng bao trùm, quan trọng nhất của nhà nước đối với các công dân của mình. Bên cạnh đó, cần định nghĩa lại cho rõ chức năng nhà nước trong hệ thống kinh tế thị trường - toàn cầu hóa. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng “hành là chính” là do chức năng của bộ máy nhiều nơi không rõ, dẫn tới chỗ xung đột và vô hiệu hóa lẫn nhau.

Thứ ba, mục tiêu phục vụ, hỗ trợ phát triển của nhà nước cần tập trung vào tạo kết cấu hạ tầng đầy đủ và thuận lợi nhất để phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội. Cả hạ tầng “cứng” (hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp và đô thị) lẫn hạ tầng “mềm” (hệ thống thể chế, hạ tầng thông tin).

Hỗ trợ doanh nghiệp tư phải đồng bộ

Việc Bộ trưởng Bộ kế hoạch – đầu tư Bùi Quang Vinh nêu định hướng phải hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân là một hướng đúng và cần được thực hiện càng sớm càng tốt.  Để hỗ trợ doanh nghiệp tư, quan trọng nhất là Nhà nước bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.

Theo bà Đặng Minh Phương, chủ tịch Câu lạc bộ CEO,  thời gian qua, nhiều cải tiến, sửa đổi mà Nhà nước nỗ lực thực hiện đã hỗ trợ nhất định cho doanh nghiệp dù chưa nhiều. Tuy nhiên, việc chuyển tải thông tin, quá trình hội nhập kinh tế thế giới, những thay đổi về mặt chính sách có lợi cho doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

 Các doanh nghiệp tư nhân đa số đi lên từ mô hình gia đình, không được đào tạo bài bản, họ cũng chưa chủ động tiếp cận những chính sách mới. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc tuyên truyền, phổ biến thêm những thông tin mới về các vấn đề mở cửa thị trường, tận dụng cơ hội cũng như đón nhận thách thức thông qua các hiệp hội, tổ chức ngành nghề...

Trong thời gian tới, theo cam kết WTO, VN sẽ từng bước mở cửa nhiều thị trường như trong ngành logistics, phân phối, bán lẻ các doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư 100% vào VN, các doanh nghiệp tư nhân trong ngành này rất cần được sự định hướng phát triển, thông tin từ phía cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nói họ vẫn chưa hiểu tác dụng cũng như hiệu quả từ những FTA mang lại, sân chơi sẽ lớn như thế nào, cơ hội nắm bắt, hay quy định này sẽ có hiệu quả ra sao... Theo bà Phương, nếu được hỗ trợ từ phía Nhà nước với những định hướng lâu dài, khối kinh tế tư nhân sẽ đóng góp rất nhiều cho phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, hệ thống các luật liên quan đến doanh nghiệp cũng cần được thông qua và điều chỉnh để giúp doanh nghiệp có thể phát triển, cạnh tranh và bình đẳng.

Doanh nghiệp tư vẫn tự xoay xở là chính, và để cạnh tranh với những doanh nghiệp FDI được ưu đãi nhiều là điều không đơn giản. Nhiều chính sách tốt, nhưng doanh nghiệp phải thấy được tôn trọng, Nhà nước nói là làm thật, làm triệt để thì doanh nghiệp mới bỏ vốn ra kinh doanh.

Ở góc độ khác, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thêm nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau chứ không nhất thiết chỉ từ kênh ngân hàng, bằng cách cung cấp thông tin, phương thức tiếp cận, kiến thức của các tổ chức xã hội, ngành hàng trong và ngoài nước có thể tài trợ, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần được xem xét./.

Gỗ Việt