Tận dụng TPP để xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Mỹ: Tự kiểm soát tính pháp lý
Những rủi ro về pháp lý luôn là điều kiện tiên quyết cho mọi vấn đề phát triển của ngành gỗ. Nhất là khi Việt Nam vừa ký kết tham gia Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn tới các thị trường quốc tế cần đáp ứng được các yêu cầu ngặt nghèo về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu, môi trường, sở hữu trí tuệ…
Hội nhập luôn mang lại cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ, nhưng cũng đòi hỏi sự hiểu biết về thị trường đó, tính hợp pháp và xuất xứ của ngành gỗ. Bên cạnh việc mở rộng thị trường, khi tham gia TPP, quan hệ thương mại nội khối sẽ thuận lợi hơn, thu hút vốn đầu tư của các quốc gia trong ngành gỗ sẽ mạnh hơn. Trong số các nước tham gia TPP, Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng và cần được tận dụng nhất với các sản phẩm gỗ Việt Nam.
TỚI MĨ THẾ NÀO?
Theo thống kê, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 2,64 tỉ USD, cao nhất trong tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Và trong 5 tháng đầu năm 2016, Mỹ vẫn là một trong 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Câu hỏi đặt ra, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết dự báo sẽ mang nhiều cơ hội đến ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp sẽ làm gì để tăng giá trị xuất khẩu tới thị trường Mỹ lớn hơn nữa?
Câu trả lời đầu tiên, khi xuất khẩu gỗ sang Mỹ, các doanh nghiệp sẽ phải chứng minh được tính hợp pháp, xuất xứ của gỗ. Theo TS Tô Xuân Phúc, mốt số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ còn tiềm ẩn rủi ro, ví dụ như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có sử dụng lẫn một số loại gỗ có rủi ro như căm xe. Do tính hợp pháp của gỗ căm xe nhập khẩu vào Việt nam còn nhiều vấn đề tranh cãi. Điều này dẫn đến có khả năng một số ít sản phẩm xuất khẩu sử dụng loại gỗ này bị vi phạm Đạo luật Lacey của Mỹ.
Câu trả lời tiếp theo, thiếu thông tin về các yêu cầu của thị trường xuất khẩu là một trong những rủi ro lớn của doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam.. Nói về vấn đề này, TS Tô Xuân Phúc cho biết đa số các doanh nghiệp chế biến tại Việt Nam chủ yếu làm việc thông qua người mua hàng đại diện chứ không tiếp cận trực tiếp đến các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này khiến các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam thụ động khi tham gia thị trường.
CẦN PHẢI LÀM GÌ?
Để khắc phục rủi ro về nguồn gốc xuất xứ trong nguyên liệu sản xuất, theo Viện Chính sách và Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (IPSARD), trong thời gian tới, Việt Nam cần chuyển dịch, tăng nhập khẩu gỗ từ Australia, New Zealand, hạn chế nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Myanmar... để đảm bảo yêu cầu gỗ hợp pháp và nguồn gốc xuất xứ.
Thứ hai, các doanh nghiệp gỗ cần tiếp cận được công nghệ mới, quản trị mới của Mỹ để giúp chất lượng sản phẩm cao hơn. Tìm hiểu thị trường, đặc tính, thói quen tiêu dùng, các yêu cầu về chất lượng và mẫu mã sản phẩm, cũng như các qui định pháp lý về gỗ và sản phẩm gỗ. Thứ ba, các sản phẩm gỗ xuất khẩu vào thị trường TPP, đặc biệt là Mỹ, sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế suất. Tuy nhiên, khi vào TPP, để được hưởng các ưu đãi về thuế suất, các sản phẩm của Việt Nam phải đảm bảo tiêu chí như: 55% lượng gỗ nguyên liệu sử dụng phải có xuất xứ từ trong khối TPP. Các sản phẩm gỗ xuất khẩu phải đảm bảo về xuất xứ gỗ, về an sinh xã hội (lao động),....
Với yêu cầu đó, việc thực hiện sẽ gây ít nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi diện tích rừng có chứng chỉ của Việt nam hiện mới chỉ có khoảng 180 ngàn ha rừng có chứng chỉ FSC, quá ít so với nhu cầu. Cùng với đó là thực tế gỗ nhập khẩu khó kiểm soát về nguồn gốc.
Để chuẩn bị đảm bảo nguồn gỗ nhập khẩu có xuất xứ hợp pháp, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam đang phối hợp với các thương vụ để lấy danh sách danh sách các nước xuất khẩu gỗ có đủ chứng nhận FSC đầy đủ, hợp pháp để nhập gỗ. Ngoài ra, theo các chuyên gia, Việt Nam cũng cần quan tâm tới câu chuyện nguyên liệu trong nước. Theo đó, cần xây dựng chương trình liên kết các doanh nghiệp chế biến gỗ và người trồng rừng để trồng và khai thác gỗ hợp pháp.
GỖ VIỆT số 79
MẠNH HÀ
- Phiên đàm phán cấp cao lần thứ 6 giữa Việt Nam và EU về VPA/FLEGT: Đạt bước tiến quan trọng về các vấn đề chính
- Nhân lực ngành gỗ: Cần nhiều trí tuệ và sự sáng tạo
- Cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc:Tận dụng các hiệp định thương mại
- Giữ thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu
- Nhập khẩu gỗ nguyên liệu:Tránh rủi ro, tăng minh bạch
- 10 lời khuyên khi mua gỗ cứng Hoa Kỳ
- Ván lót sàn: Cám vàng ai biết?
- THUẾ DĂM GỖ: LẠI CÂU CHUYỆN CŨ
- Hội chợ VIFA HOME 2015: "Đồ gỗ Việt - giữ vững sân nhà - không phụ thuộc hàng nhập"
- Thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc năm 2012-2014: Thực trạng và xu hướng