Nguyên liệu xuất khẩu: Giống cây quyết định khả năng phát triển

27/08/2016 12:04

Chế biến gỗ xuất khẩu là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, song do nguồn nguyên liệu trong nước hạn hẹp, phải nhập từ nước ngoài nên giá trị đạt được không cao. Trước sức ép của hội nhập kinh tế thế giới, ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam đang phải tìm một hướng phát triển bền vững hơn. Trong đó, giống cây trồng có thể là một khâu đột phá mới để tìm đường phát triển nguồn nguyên liệu vốn đang gặp nhiều khó khăn này. 

THIẾU NGUỒN GIỐNG CHẤT LƯỢNG
 Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành gỗ chậm lại nhưng tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chất lượng vùng nguyên liệu để chế biến gỗ xuất khẩu chưa cao, công tác nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật hạn chế; công tác tạo giống cây rừng chưa phát huy hiệu quả. Diện tích rừng trồng hiện nay đạt 1,9 triệu ha; trong đó 170.000 ha rừng được cấp 
chứng nhận FSC (Hội đồng quản lý rừng) phục vụ nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu gỗ. 
 Trong diện tích này chỉ áp dụng được 30% giống mới vào sản xuất, chủ yếu là 2 loại keo và bạch đàn.Tuy nhiên, khâu quản lý giống chưa tốt nên chưa trẻ hóa vùng nguyên liệu, không lưu giữ được giống gốc cho các vùng nguyên liệu khác. Mật độ trồng rừng hiện rất dày, chưa tuân thủ đúng quy trình trồng rừng nên các cây gỗ không đủ không gian phát triển lớn hơn. Đến năm thứ 4 hầu như cây phát triển chậm hoặc không tiếp tục phát triển, dẫn tới đường kính cây gỗ không đạt yêu cầu cho các doanh nghiệp thu mua. Theo ông Hà Công Tuấn, bộ sẽ tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp và người trồng rừng để có chính sách về giống tốt hơn.  
 GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ thêm, nguồn nguyên liệu gỗ vốn kém nhưng cách sử dụng nguyên liệu kém hơn gây lãng phí lớn. Cụ thể, với 11 triệu m3 gỗ dăm chỉ mang lại kim ngạch 900 triệu USD, còn 4 triệu m3 gỗ chế biến có thể mang lại 6,3 tỷ USD. Trình độ quản 
trị kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp khiến năng suất của doanh nghiệp Việt Nam kém hơn doanh nghiệp nước ngoài. Nguồn nhân lực của ngành gỗ cũng chưa được đào tạo bài bản. 
TRỒNG RỪNG ĐỂ TẠO VÙNG NGUYÊN LIỆU
 Ông Nguyễn Tôn Quyền, để ngành trồng rừng phát triển cần điều chỉnh lại tổ chức sản xuất. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác giao đất lâm nghiệp cho dân, nhất là đồng bào các dân tộc để tham gia sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp trồng, chế biến, tiêu thụ lâm sản liên kết với hộ trồng rừng xây dựng mô hình thâm canh gỗ lớn cung cấp cho chế biến và xuất khẩu.
 Mặt khác, điều chỉnh việc nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu định hướng của mỗi địa phương, tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp hóa ngành giống. Ông cũng cho biết thêm, hiện giống cây trồng đã lạc hậu và thoái hóa, nên cần nghiên cứu để củng cố giống để hỗ trợ người trồng rừng. Vì vậy, vấn đề quản lý chất lượng giống được tăng cường, phổ biến kỹ thuật thâm canh rừng trồng cho các địa phương, phát triển ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp và mở rộng diện tích rừng trồng được cấp chứng nhận FSC.
 Các viện, trường nghiên cứu giống gỗ ngắn ngày hơn để tăng cường nguyên liệu cho sản xuất trong nước, tạo sản phẩm tinh từ gỗ để từ đó xuất khẩu sản phẩm với giá trị cao hơn. Đồng thời, việc tăng thuế đối với xuất khẩu gỗ dăm cần tính đến để tránh tình trạng tranh mua nguyên liệu của các doanh nghiệp trong nước khi thiếu nguyên liệu sản xuất, ông Nguyễn Đức Thành, Ủy viên Hội đồng 
quản trị Công ty cổ phần giấy An Hòa đề xuất. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai chia sẻ, địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam bộ, khoảng 185.000 ha với độ che phủ 30%. 
 Để nâng cao giá trị sản phẩm và dịch vụ rừng, tỉnh Đồng Nai quy hoạch lại 3 loại rừng; trong đó, rừng gỗ lớn để cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, kéo dài chu kì sản xuất gỗ lớn từ 7 - 9 năm. Đồng thời nâng cao chất lượng rừng theo hướng thâm canh, coi trọng năng suất lẫn chất lượng phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, bằng hình thức gắn kết chuỗi hành trình của sản phẩm từ khâu tạo nguyên liệu đến khâu khai thác, chế biến và tiêu thụ. Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuổi rừng trồng của Việt Nam chỉ kéo dài 4 - 6 năm là khai thác. Vì vậy, Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng xuất khẩu gỗ dăm từ 10 - 15% hàng năm để phù hợp với cơ cấu trồng rừng hiện nay.
 Gỗ Việt Nam xuất khẩu vào 120 quốc gia; trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 thị trường lớn trong 12 nước tham gia TPP. Trong 8 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ chiếm 39%, Nhật Bản 15%. Dự kiến đến năm 2020, giá trị xuất khẩu các sản phẩm gỗ Việt Nam đạt 10 tỉ USD.
GỖ VIỆT số 81
NAM ANH