Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phản đối thông tin cáo buộc của EIA về gỗ nhập khẩu từ Campuchia.

23/07/2018 09:36
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phản đối thông tin cáo buộc của EIA về gỗ nhập khẩu từ Campuchia.

Vào ngày 31/5/2018, Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) đã công bố báo cáo với tên gọi:Tội phạm tiếp diễn – Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu gỗ lậu từ Căm-pu-chia”. Báo cáo này có nhiều thông tin và nhận định sai lệch, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của ngành chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Mặt khác, báo cáo này có thể gây ra những rủi ro thị trường vô cùng to lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và FDI đang sử dụng gỗ nguyên liệu sạch được khai thác hợp pháp từ rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững được các tổ chức quốc tế công nhận.

Với những cáo buộc không phản ảnh đúng thực trạng tình hình nhập khẩu gỗ từ Campuchia của Việt Nam, ngày 25/6/2018, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có thư gửi gửi EIA chỉ ra những thông tin sai lệch của báo cáo trên. Tạp chí Gỗ Việtđăng toàn văn nội dung củathư này,

Phương pháp thu thập số liệu và tiến hành nghiên cứu của nhóm nghiên cứu EIA không chính xác, không mang tính đại diện và thiếu hiểu  biết về pháp luật và chính sách của Việt Nam và Căm-pu-chia

Thông tin về 300.000 m3 gỗ từ Căm-pu-chia được chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai cấp phép nhập khẩu đã hết hiệu lực từ tháng 5/2017 và từ đó đến nay không có hạn ngạch nào được cơ quan Trung ương hay địa phương cấp cho phép nhập khẩu gỗ từ Căm-pu-chia. Điều đáng ngạc nhiên là thông tin đã được EIA đưa vào Báo cáo năm 2017 với tiêu đề “Vi phạm tái diễn: Thương mại gỗ bất hợp pháp dai dẳng của Việt Nam” và nay lại đưa lại trong báo cáo năm 2018. Việc đưa thông tin cũ vào báo cáo mới khiến người đọc hiểu sai rằng tình trạng nhập khẩu gỗ từ Căm-pu-chia và Việt Nam đang tăng lên mặc dù trên thực tế đang giảm rất mạnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng số liệu thống kê của mã HS 4407 để qui kết cho doanh nghiệp đang nhập khẩu gỗ xẻ là bị cấm xuất khẩu tại Căm-pu-chia là không phù hợp vì trong mã HS 4407 có rất nhiều mặt hàng khác như gỗ ghép thanh được phép xuất khẩu.

Các hình ảnh minh họa trong báo cáo đều là các ảnh chụp tại Căm-pu-chia, không có hình ảnh nào cho thấy gỗ Căm-pu-chia có mặt tại cửa khẩu để đi vào Việt Nam hay đã đi vào Việt Nam, thậm chí ảnh các nhà máy chế biến gỗ của Căm-pu-chia cho thấy họ đang sử dụng gỗ rừng trồng.

Nhóm nghiên cứu EIA lựa chọn 3 điểm nóng về khai thác gỗ bất hợp pháp tại Căm-pu-chia để nghiên cứu, từ đó nội suy cho thực trạng về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp ở quy mô quốc gia là không mang tính đại diện và không phản ánh đúng bản chất tình hình nhập khẩu gỗ của Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu EIA không hiểu rõ các cơ chế chính sách liên quan đến khai thác rừng và thương mại gỗ tại Căm-pu-chia.Căm-pu-chia không phải chỉ có một chính sách quy định cấm buôn bán/xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ. Trên thực tế, Căm-pu-chia có rất nhiều chính sách, được ban hành bởi các cơ quan khác nhau, cả ở cấp trung ương hoặc/và ở cấp địa phương, cho phép, hoặc cấm khai thác, vận chuyển và xuất khẩu gỗ tròn/xẻ. Ngoài ra, báo cáo cũng không đề cập đến các chính sách của Chính phủ Việt Nam và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm hạn chế nhập khẩu gỗ từ Căm-pu-chia và tuân thủ các quy định luật pháp của hai nước. Trên thực tế, các cơ quan có liên quan của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đã có những hành động mạnh mẽ và có hiệu quả để cải thiện tình hình này như được đề cập trong mục 3 dưới đây.

Nội dung báo cáo không đúng, mang tính quy chụp và những khuyến nghị đưa ra không phù hợp

Con số về lượng gỗ nhập khẩu từ Căm-pu-chia vào Việt Nam được cường điệu trong báo cáo. Theo số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, lượng gỗ tròn nhập khẩu vào Việt Nam từ Căm-pu-chia trong 4 tháng đầu năm 2018 đã giảm rất mạnh, chỉ bằng56% so với 4 tháng đầu năm 2017, bao gồm gỗ Căm xe(lượng nhập 4 tháng đầu 2018 chỉ còn 2.225 m3, trong khi năm 2017 lượng nhập loài này là 17.823 m3); gỗ Hương(từ 5.591 m3 năm 2017 xuống còn 151 m3 trong 4 tháng 2018). Một số loài quý hiếm như Cẩm lai, Sao đen, Gụ,Bằng lăng, Chiêu liêu hoàn toàn không được nhập khẩu vào Việt Nam trong trong 4 tháng đầu 2018.Lượng gỗ xẻ nhập khẩu trong 4 tháng năm 2018 cũng có xu hướng giảm mạnh, chỉ còn gỗ xẻ từ rừng trồng như cao su, điều, bạch đàn và một số loài gỗ từ rừng tự nhiên không thuộc phụ lục I và II của Công ước CITES.

Báo cáo đưa ra tính toán về quy mô nhập khẩu gỗ từ Căm-pu-chia vào Việt Nam dựa trên “giả định” rằng khai thác gỗ được thực hiện trong toàn bộ thời gian của mùa khô, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, với thời gian 30 ngày/tháng. Trên thực tế, không có bất cứ cá nhân và tổ chức nào có thể thực hiện hoạt động với tần suất này, và do vậy con số ước tính về lượng khai thác, quy mô thương mại không chính xác và dường như nhóm nghiên cứu muốn phóng đại một cách có chủ ý.

Trên cơ sở những thông tin không chính xác được đưa ra trong báo cáo, tác giả đã truyền tải thông điệp rằng ngành gỗ Việt Nam nhập lậu gỗ của Căm-pu-chia phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có khoảng 70-80 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ từ Căm-pu-chia, số doanh nghiệp này chỉ chiếm 1,7% trong tổng số doanh nghiệp của cả ngành gỗ. Với số lượng rất ít doanh nghiệp trực tiếp tham gia nhập khẩu gỗ từ Căm-pu-chia không thể kết luận rằng cả ngành gỗ Việt Nam đang sử dụng gỗ Campuchia.

Từ những thông tin không chính xác, không đầy đủ, kết hợp với phương pháp thu thập số liệu và thực hiện nghiên cứu không đúng, tác giả đã đưa ra những khuyến nghị không phù hợp, gây hiểu nhầm và dẫn dắt dư luận đi lệch hướng. Đặc biệt bình luận của ông Jago Wadley, nhà hoạt động cấp cao về lâm nghiệp của EIA, rằng:“Việt Nam có một lịch sử lâu dài về ăn cắp gỗ từ các nước láng giềng. Tại Căm-pu-chia, các công ty của Việt Nam đã khởi xướng các hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp tại một khu vườn quốc gia, trả tiền cho bộ đội biên phòng và kiểm lâm tham nhũng để tránh những con mắt tò mò” là sự quy chụp có dụng ý xấu, làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và Căm-pu-chia. 

Những nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong việc kiểm soát gỗ nhập khẩu từ Căm-pu-chia trong thời gian qua

- Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình nhập khẩu gỗ từ Lào và Căm-pu-chia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 2855/VPCP-KTTH ngày 19/9/2017 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu gỗ từ Lào và Căm-pu-chia. Theo đó, Việt Nam không cho phép nhập khẩu gỗ qua đường mòn, lối mở, cửa khẩu phụ qua biên giới. Việc nhập khẩu gỗ chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu biên giới và cửa khẩu quốc tế, các lô hàng gỗ nhập khẩu được các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát về khối lượng và chủng loại phù hợp với hồ sơ, chứng từ đi kèm theo đúng pháp luật của cả Việt Nam và Căm-pu-chia.

 Các Bộ, ngành cũng có những biện pháp thiết thực nhằm tăng cường kiểm soát gỗ nhập khẩu từ Căm-pu-chia, bao gồm: (i) Siết chặt quản lý nhập khẩu ở các cửa khẩu đường biên với Căm-pu-chia; (ii) Phối hợp với cơ quan chức năng Căm-pu-chia, kiểm soát xuất nhập khẩu; và (iii) Tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát giữa hai bên. Bộ Công thương ViệtNam đã gửi công hàm số 482/BCT-XNK cho Bộ Thương mại Căm-pu-chia ngày 18/4/2018 đề nghị phối hợp chặt chẽ để quản lý thương mại gỗ giữa hai quốc gia, cụ thể yêu cầu phía Căm-pu-chia cung cấp danh mục các loài gỗ cấm xuất khẩu và thông báo cho Bộ Công thương Việt Nam các trường hợp ngoại lệ nếu có.

 Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, trong đó có việc quản lý và kiểm soát gỗ nhập khẩu. Ngay sau khi hai bên kết thúc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT vào tháng 5/2017, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ra tuyên bố chung cam kết không sử dụng gỗ bất hợp pháp. Các hiệp hội gỗ như HAWA, Bình Định, Bình Dương đang nỗ lực xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình (DDS) để giúp các doanh nghiệp kiểm soát tốt chuỗi cung một cách có hiệu quả, đảm bảo rằng các doanh nghiệp không sử dụng gỗ bất hợp pháp.           

Từ những phân tích ở trên, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp chế biến và thương mại gỗ Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam bác bỏ những cáo buộc sai sự thật về hoạt động buôn bán gỗ trái phép giữa Việt Nam và Căm-pu-chia mà EIA đã đưa ra trong báo cáo. Chúng tôi chịu trách nhiệm về những nội dung nêu trên với mục đích là làm rõ sự thật và bản chất sự việc để các tổ chức quốc tế có liên quan, các nhà xuất khẩu gỗ cho Việt Nam và các nhà nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam có sự nhìn nhận đúng đắn về các doanh nghiệp Việt Nam lànhững doanh nghiệp kinh doanh chân chính, luôn tuân thủ các quy định pháp luật và thông lệ quốc tế về chế biến và thương mại lâm sản một cách nghiêm túc.

Cuối cùng, chúng tôi muốn chia sẻ quan điểm với EIA là chúng tôi rất hoan nghênh những báo cáo và nghiên cứu độc lập có tính chất phản biện sâu sắc, có phương pháp điều tra khách quan, bằng chứng thuyết phục. Chúng tôi coi đó là một kênh thông tin vô cùng quý báu để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và đưa ra những khuyến nghị cho các Bộ/ngành hoàn thiện thể chế, chính sách. Với mong muốn đó, chúng tôi hy vọng nhóm nghiên cứu của IEA sau này nếu có những điều tra và phát hiện ra những trường hợp các doanh nghiệp của chúng tôi vi phạm pháp luật thì hãy chuyển thông tin và bằng chứng trực tiếp cho chúng tôi hoặc cho các cơ quan chức năng, có thẩm quyền của Việt Nam để có những biện pháp xử lý kịp thời và phù hợp theo pháp luật./.

VIFORES